(Tổ Quốc) - Sáng nay (14/4), tại Phiên khai mạc Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam – Pháp lần thứ 12, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã có bài phát biểu nhằm khẳng định mối quan hệ giữa Việt Nam - Pháp.
Pháp luôn là đối tác đặc biệt trong chính sách đối ngoại của Việt Nam
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, hai đất nước Việt Nam và Pháp nằm tại hai lục địa khác nhau nhưng lại có nhiều mối “lương duyên” từ quá khứ, lịch sử, văn hóa đến những bước phát triển trong quan hệ hợp tác nhiều mặt ngày nay.
Phó Thủ tướng khẳng định, trên con đường phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam, Pháp luôn là đối tác quan trọng hàng đầu trong EU và là đối tác đặc biệt trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Điều này được thể hiện qua việc Pháp là một trong những đối tác thương mại, đầu tư, viện trợ không hoàn lại hàng đầu châu Âu cho Việt Nam.
Về thương mại, hiện Pháp là đối tác thương mại EU lớn thứ năm của Việt Nam, sau Đức, Hà Lan, Anh và Italia. Kim ngạch thương mại năm 2022 đạt 5,34 tỷ USD, tăng 10% so với 4,8 tỷ USD năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Pháp đạt 3,69 tỷ USD, chủ yếu là những mặt hàng như: Giày dép, dệt may, sản phẩm gốm sứ, mây tre đan, thủy sản và máy móc thiết bị, linh kiện điện tử và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Pháp đạt 1,63 tỷ USD, chủ yếu là thiết bị hàng không, máy công nghiệp, dược phẩm, sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm, hóa chất và mỹ phẩm.
Chỉ tính riêng quý I/2023, thương mại song phương đạt khoảng 1,191 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Pháp 808,6 triệu USD và nhập khẩu từ thị trường này 382,6 tỷ USD.
Về đầu tư, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Pháp đầu tư vào Việt Nam từ năm 1988. Tính đến tháng 2/2023, Pháp đứng thứ 3 trong các nước châu Âu, sau Hà Lan và Anh và đứng thứ 16 trong tổng số 114 quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 664 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 3,787 tỷ USD.
Đầu tư trực tiếp của Pháp vào Việt Nam tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: Công nghiệp chế biến - chế tạo, sản xuất – phân phối điện, khí, nước điều hòa; phân bổ tại 35 địa phương, dẫn đầu là Bà Rịa – Vùng Tàu (10 dự án trị giá hơn 1,622 triệu USD), Hà Nội (126 dự án trị giá 372,94 triệu USD); thành phố Hồ Chí Minh (337 dự án trị giá 309,94 triệu USD).
Về hợp tác phát triển, hiện Pháp là nhà tài trợ châu Âu song phương ODA hàng đầu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ 2 trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á (sau Afghanistan). Đến nay, Pháp đã cung cấp cho Việt Nam và vay ưu đãi tổng số đạt 3 tỷ Euro. Pháp hỗ trợ vốn vay ODA mỗi năm tối thiểu 200 triệu euro, tập trung vào 3 lĩnh vực ưu tiên là: Biến đổi khí hậu, năng lượng chuyển đổi và tăng trưởng xanh.
Điểm tạo ra nét khác biệt đặc thù trong quan hệ Việt Nam – Pháp
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cũng đặc biệt đánh giá cao vai trò của Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam – Pháp. Coi đây là một trong những kênh quan trọng, nhằm thúc đẩy hợp tác và giao lưu giữa các địa phương và nhân dân hai nước.
"Đây cũng chính là điểm tạo ra nét khác biệt đặc thù trong quan hệ Việt Nam – Pháp với các nước khác, khi Pháp là nước duy nhất mà Việt Nam cơ chế hợp tác giữa các địa phương mang quy mô toàn quốc" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trải qua 11 kỳ Hội nghị, Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam – Pháp lần thứ 12 diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt, là sự kiện có quy mô quốc gia đầu tiên giữa hai nước kể từ sau đại dịch Covid-19 và đúng vào dịp hai nước đang kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm đối tác chiến lược. Trong bối cảnh thế giới đang trải qua những biến động to lớn cùng diễn biến nhanh chóng và phức tạp, buộc các nước phải thay đổi mô hình hợp tác nhằm thích ứng với tình hình mới hiện nay.
“Tôi đánh giá cao chủ đề xuyên suốt của Hội nghị 12 “Hợp tác giữa các địa phương: Động lực thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững, toàn diện sau đại dịch Covid-19” đã thể hiện rõ nhu cầu, mục tiêu hợp tác giữa địa phương Việt Nam – Pháp, nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch, cũng như quyết tâm chung sức nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu đang tác động trực tiếp đến các lĩnh vực hợp tác giữa các địa phương như y tế, môi trường, du lịch…và hướng tới các định hướng mới như đô thị thông minh, số hóa….” – Phó Thủ tướng thông tin.
Đặc biệt, các chủ đề hợp tác tiêu biểu, trong đó có Văn hóa, Di sản và Du lịch; Môi trường, nước và xử lý nước, cũng như các lĩnh vực thế mạnh của mỗi nước về: Đô thị bền vững, thành phố thông minh sẽ được các địa phương hai nước tiếp tục trao đổi tại Hội nghị lần này, nhằm tìm ra những giải pháp hợp tác hữu hiệu cho những thách thức hiện nay.
Việc tổ chức Hội nghị tại thành phố Hà Nội cũng có ý nghĩa lịch sử quan trọng khi đây là địa phương đầu tiên của Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác với Ile de France của Pháp, mở đầu cho hàng loạt các tiếp xúc, kết nối giữa địa phương hai nước.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng cũng hoan nghênh thành phố Hà Nội đã có nhiều sáng kiến, nỗ lực và phối hợp chặt chẽ cùng các bộ, ngành, địa phương và các bạn bè, đối tác Pháp nhằm tổ chức các hoạt động phong phú trong khuôn khổ Hội nghị, thể hiện rõ nét tính đa dạng trong hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp, bao trùm trên tất cả các lĩnh vực.
Đồng thời tin tưởng, Hội nghị sẽ đem lại nhiều kết quả thiết thực, đồng thời mở ra những quan hệ mới, cơ hội mới, dự án hợp tác mới cho các địa phương hai nước, góp phần tăng cường cho quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp.
Hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp được đặt nền móng từ năm 1989 với việc thành lập quan hệ đối tác giữa thành phố Hà Nội và Vùng Ile-de-France. Đến năm 1996, Hà Nội thiết lập quan hệ với thành phố Toulouse. Quan hệ hợp tác giữa thành phố Hà Nội với các địa phương của Pháp được thực hiện trên nhiều lĩnh vực như: Viện trợ phát triển, giúp đỡ chuyên gia, đầu tư trực tiếp, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa của thành phố Hà Nội. Hơn 30 năm qua, hình thức hợp tác này không ngừng được củng cố, phát triển và đã trở thành kiểu mẫu cho quan hệ hữu nghị, truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa các cấp địa phương hai nước.