• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Văn hóa không có sự cao thấp, nhỏ hay lớn mà chỉ có sự đa dạng, nét đặc sắc tiêu biểu cần được tôn trọng, tôn vinh, phát huy, giữ gìn”

Thời sự 07/10/2022 07:25

(Tổ Quốc) - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của các cộng đồng dân tộc anh em trên nguyên tắc văn hóa không có sự cao hay thấp, nhỏ hay lớn mà chỉ có sự đa dạng, nét đặc sắc tiêu biểu cần được tôn trọng, tôn vinh, phát huy, giữ gìn.

Tối 6/10, tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp thành phố Thái Nguyên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) phối hợp với tỉnh Thái Nguyên, các Ban, Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh có đông đồng bào dân tộc Dao sinh sống tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II với chủ đề "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao - Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển".

Đây là sự kiện văn hóa lớn, có ý nghĩa quan trọng nhằm tôn vinh, giới thiệu và quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và đặc sắc của dân tộc Dao trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của các dân tộc Việt Nam; qua đó góp phần tăng cường sự đoàn kết, đồng thuận và tin tưởng của Nhân dân các dân tộc vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

“Văn hóa không có sự cao thấp, nhỏ hay lớn mà chỉ có sự đa dạng, nét đặc sắc tiêu biểu cần được tôn trọng, tôn vinh, phát huy, giữ gìn” - Ảnh 1.

Lê Khai mạc Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II với chủ đề "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao - Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển".

Dự Lễ khai mạc có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Ủy viên ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải; Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng.

Dự Lễ khai mạc còn có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các Hội ở Trung ương; lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Du lịch 14 tỉnh; các các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên, người có uy tín và đại diện đồng bào dân tộc Dao của 14 tỉnh tham gia Ngày hội cùng đông đảo Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên.

Văn hóa của đồng bào Dao là tài sản văn hóa vô cùng quý báu của nền văn hóa dân tộc

Phát biểu khai mạc buổi lễ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, đất nước Việt Nam có một nền văn hoá đặc sắc, vô cùng quý giá được hình thành và kết tinh trong hệ thống di tích, di sản, trong văn hóa của mỗi dân tộc tạo nên sự thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

“Văn hóa không có sự cao thấp, nhỏ hay lớn mà chỉ có sự đa dạng, nét đặc sắc tiêu biểu cần được tôn trọng, tôn vinh, phát huy, giữ gìn” - Ảnh 2.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu khai mạc.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa, của di sản văn hóa dân tộc đối với sự phát triển đất nước: Người khẳng định "Văn hóa soi đường quốc dân đi". 

Tiếp tục thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nghị quyết của Đảng về "Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế"; nhiệm vụ chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021; việc tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ 2 năm 2022 là minh chứng cụ thể trong việc triển khai, thực hiện các quan điểm, nhiệm vụ Nghị quyết của Đảng đã đề ra. 

Trong đó tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của các cộng đồng dân tộc anh em trên nguyên tắc văn hóa không có sự cao hay thấp, nhỏ hay lớn mà chỉ có sự đa dạng, nét đặc sắc tiêu biểu cần được tôn trọng, tôn vinh, phát huy, giữ gìn.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, dân tộc Dao là một trong số 54 dân tộc anh em sinh sống trên đất nước Việt Nam, đời sống văn hóa, tinh thần của người Dao vô cùng phong phú, các phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa, văn nghệ dân gian đã và đang được lưu truyền qua nhiều thế hệ, tiêu biểu như nghi Lễ cúng Bàn Vương, Lễ Cấp sắc và Lễ hội Tết Nhảy. 

Trong lao động sản xuất, người Dao có kỹ thuật làm nương rẫy, có nghề trồng bông, dệt vải nhuộm chàm, tạo ra những bộ trang phục truyền thống thêu hoa văn sặc sỡ, độc đáo. 

Đặc biệt, đồng bào Dao có một kho tàng tri thức về y học dân gian phong phú, những bài thuốc quý đã và đang được bảo tồn lưu truyền hiệu quả để phục vụ cuộc sống hàng ngày. Trong kho tàng dân ca, dân vũ, Hát Páo Dung cũng là một báu vật văn hóa của dân tộc Dao thể hiện tâm tư, tình cảm và ước vọng, đề cao lẽ sống, cách ứng xử, ca ngợi thiên nhiên và tinh thần lao động sáng tạo…Văn hóa của đồng bào Dao, là sự kết tinh trong quá trình lao động sáng tạo, là tài sản văn hóa vô cùng quý báu của nền văn hóa dân tộc, cần phải được giữ gìn, bồi đắp ngày một giàu thêm cho nền văn hóa dân tộc.

“Văn hóa không có sự cao thấp, nhỏ hay lớn mà chỉ có sự đa dạng, nét đặc sắc tiêu biểu cần được tôn trọng, tôn vinh, phát huy, giữ gìn” - Ảnh 3.

Đại biểu và người dân tham dự lễ khai mạc.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, trong thời gian qua, Ngày hội Văn hóa của một số dân tộc đã được Bộ VHTTDL phối hợp các địa phương trong cả nước tổ chức thành công, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, lan tỏa được giá trị văn hóa của dân tộc này với cộng đồng dân tộc khác. 

"Hy vọng ngày hội Văn hóa dân tộc Dao lần thứ 2 diễn ra tại Thái Nguyên sẽ là sự kiện văn hóa có ý nghĩa lớn về chính trị, xã hội và kinh tế. 

Đến với Thái Nguyên, về với Ngày hội, người dân, du khách được thưởng thức các làn điệu dân ca, dân vũ, được chiêm ngưỡng sắc màu thổ cẩm rực rỡ, cùng nhau hòa mình vào không gian các lễ hội gắn với đời sống tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Dao và không khí náo nhiệt, sôi động của các môn thi đấu thể thao truyền thống qua sự thể hiện của gần 1.000 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên đến từ 14 tỉnh, thành phố. 

Đây cũng là cơ hội để quảng bá hình ảnh, giới thiệu tiềm năng du lịch văn hóa đặc sắc của tỉnh Thái Nguyên nói riêng, của các tỉnh vùng Đông Bắc nói chung. 

Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao không chỉ góp phần bảo tồn, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của các địa phương trong vùng", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh. 

Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, văn hóa các dân tộc thiểu số là di sản quý giá, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc. Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc nói chung, đồng bào dân tộc Dao nói riêng là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng. 

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, nhắc đến câu nói của một vị tiền bối, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã một lần nữa nhấn mạnh: "Văn hóa là bản sắc của một dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn". Văn hóa của dân tộc Dao cũng vậy, được kết tinh từ cuộc sống lao động sản xuất, trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển; phong phú, đa dạng thống nhất trong nền văn hóa Việt Nam. 

Đồng bào vừa là chủ thể sáng tạo vừa là đối tượng thụ hưởng; với những bộ trang phục đặc sắc, những làn điệu Páo Dung đằm thắm, ngọt ngào, cùng với điệu múa, tiếng sáo, tiếng thanh la, tù và trầm lắng ...tạo nên cốt cách tâm hồn, tình cảm, nền tảng tinh thần của dân tộc Dao, hòa quyện trong nét đẹp văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc anh em. Chúng ta có trách nhiệm lưu giữ và truyền lại cho thế hệ mai sau.

“Văn hóa không có sự cao thấp, nhỏ hay lớn mà chỉ có sự đa dạng, nét đặc sắc tiêu biểu cần được tôn trọng, tôn vinh, phát huy, giữ gìn” - Ảnh 4.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại buổi lễ.

Đánh giá cao và biểu dương Bộ VHTTDL đã phối hợp với tỉnh Thái Nguyên và các ban bộ ngành, cơ quan Trung ương, địa phương tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đặc biệt tôi biểu dương các nghệ nhân, nghệ sỹ, diễn viên, vận động viên của các dân tộc, nhất là bà con dân tộc Dao trên mọi miền đất nước đã khắc phục mọi khó khăn, hội tụ về tỉnh Thái Nguyên tươi đẹp, mến khách trong Ngày hội lớn để gặp gỡ, giao lưu tình cảm, thể hiện tài năng, sức sáng tạo làm nên một lễ hội đặc sắc, lan tỏa trong cộng đồng, góp phần lưu giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc Dao, thống nhất trong nền văn hóa Việt Nam. 

Ngày hội hôm nay cũng là dịp để đồng bào tiếp tục bảy tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với công lao to lớn của Bác Hồ, của Đảng và Nhà nước; động viên nhau hăng hái thi đua lao động sản xuất, học tập công tác và chiến đấu; thiết thực góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam mong muốn và đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, nhất là đồng bào dân tộc Dao giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc phải xuất phát từ yếu tố tự thân, "mình giữ cho mình chứ không thể nhờ ai giữ cho mình được".

Ông Đỗ Văn Chiến cũng đề nghị các cấp, các ngành trực tiếp là ngành văn hóa tiếp tục tham mưu để Đảng, Nhà nước, các cấp ủy Đảng, chính quyền ban hành chính sách cụ thể khuyến khích, hỗ trợ đồng bào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của từng dân tộc và của cả dân tộc chúng ta. Đồng thời nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách phát huy tài nguyên văn hóa gắn với du lịch để văn hóa vừa là yếu tố tinh thần, vừa tạo thêm được thu nhập của người dân. Như vậy mới đảm bảo tính căn cơ, lâu bền, gắn văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội.

“Văn hóa không có sự cao thấp, nhỏ hay lớn mà chỉ có sự đa dạng, nét đặc sắc tiêu biểu cần được tôn trọng, tôn vinh, phát huy, giữ gìn” - Ảnh 5.

Ủy viên ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải phát biểu chào mừng.

Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải khẳng định được Bộ VHTTDL lựa chọn đăng cai tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên. 

Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị, văn hóa, xã hội sâu sắc, nhằm tăng cường khối đoàn kết dân tộc; tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Dao trên cả nước nói chung và dân tộc Dao tỉnh Thái Nguyên nói riêng; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, đồng bào các dân tộc trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên mong muốn các đoàn về tham dự Ngày hội cùng giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng, bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Dao tốt đẹp nhất, tinh tế nhất; kết hợp giới thiệu văn hóa truyền thống với quảng bá tiềm năng của địa phương. 

Qua đó góp phần củng cố và nâng cao tính thống nhất trong sự đa dạng của văn hóa Việt Nam, làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc, phát triển và hội nhập với văn hóa chung của nhân loại, như lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng: "Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn…".

“Văn hóa không có sự cao thấp, nhỏ hay lớn mà chỉ có sự đa dạng, nét đặc sắc tiêu biểu cần được tôn trọng, tôn vinh, phát huy, giữ gìn” - Ảnh 6.

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Hầu A Lềnh, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải trao tặng cờ lưu niệm và hoa cho các Đoàn tham gia Ngày hội.

Điểm nhấn của Lễ khai mạc là chương trình nghệ thuật đặc sắc mang chủ để "Giấc mơ mặt trời". "Giấc mơ mặt trời" gồm 3 chương (chương I: "Gọi non ngàn thức giấc"; chương II: "Những cung bậc núi rừng" và chương III: "Khúc tự tình xứ núi") nêu đậm lịch sử kiến tạo từ xa xưa của địa bàn vùng núi cao nơi có đồng bào dân tộc Dao cư trú; ôn lại truyền thống anh hùng của Nhân dân các dân tộc trong công cuộc bảo vệ chủ quyền, xây dựng đất nước, trong đó có đồng bào dân tộc Dao.

“Văn hóa không có sự cao thấp, nhỏ hay lớn mà chỉ có sự đa dạng, nét đặc sắc tiêu biểu cần được tôn trọng, tôn vinh, phát huy, giữ gìn” - Ảnh 7.

“Văn hóa không có sự cao thấp, nhỏ hay lớn mà chỉ có sự đa dạng, nét đặc sắc tiêu biểu cần được tôn trọng, tôn vinh, phát huy, giữ gìn” - Ảnh 8.

Chương trình nghệ thuật đặc sắc mang chủ để "Giấc mơ mặt trời".

Chương trình được dàn dựng kết cấu xuyên suốt theo mạch thời gian được đan xen giữa nội dung nghệ thuật và các sự kiện của buổi Lễ; gắn kết, hòa trộn các hình thức diễn xướng tổng hợp gồm các loại hình nghệ thuật như: ca, múa, nhạc, diễn xướng dân gian, hoạt cảnh, diễn kịch hình thể, hiệu ứng cổ động… trên tuyến sân khấu đa tầng, đa chiều, thể hiện đan xen, gắn kết chặt chẽ cùng lời bình và video clip màn hình led phụ họa…; nêu bật tinh thần hứng khởi, niềm tin tưởng của Nhân dân với sự nghiệp đổi mới đi lên của Đảng, sự quan tâm của Nhà nước, của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên với đồng bào các dân tộc trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước./.

Xuân Trường: Ảnh: Nam Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ