• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Góp ý Dự thảo chiến lược phát triển Văn hóa: Văn hóa phải soi đường cho Quốc dân đi

Văn hoá 15/07/2021 13:58

(Tổ Quốc) - Sau khi đọc Dự thảo Chiến lược phát triển Văn hóa đến năm 2030 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khởi thảo, trình Thủ tướng Chính phủ, tôi thấy có rất nhiều nội dung phong phú, toàn diện, có chiến lược chung, mà cũng có chỉ tiêu cụ thể của từng ngành nghệ thuật. Với kinh nghiệm của một người hơn 50 năm hoạt động trong ngành văn hóa, tôi xin có mấy góp ý nhỏ để các Đồng chí xem có nên bổ sung cho hoàn chỉnh hơn.

Quan điểm xuất phát: "Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội" chưa hẳn là sự "đề cao" văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định "Văn hóa SOI ĐƯỜNG cho Quốc dân đi". Như vậy văn hóa không phải chỉ là một bộ phận độc lập với những thiết chế cụ thể, mà còn chi phối sự định hướng cũng như khuôn mặt cụ thể của kinh tế, tổ chức chính trị và xã hội.

Văn hóa phải soi đường cho Quốc dân đi - Ảnh 1.

Nhà văn Ngô Thảo (nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam)

Kinh tế phải phát triển có Văn hóa. Kinh tế phát triển dựa trên nguồn vốn, và trình độ khoa học - kỹ thuật mỗi thời kỳ, thường có tính quốc tế. Nhưng khi cơ sở công nghiệp đặt ở nước nào, địa phương nào, nó nên và phải có bộ mặt riêng... Các địa phương đua chen xây dựng kinh tế, và hạ tầng cơ sở, nhưng có nơi nào có ý thức đầu tư xây dựng cơ sở vật chất có nét đặc sắc, làm nên bộ mặt riêng của địa phương mình?.  Xây dựng cơ sở vật chất và nhân lực làm nên bản sắc Văn hóa đại diện cho mỗi địa phương phải là một định hướng có ý thức. Trong xây dựng nông thôn mới – nơi chứa đựng kho tàng văn hóa rất đa dạng và phong phú của đất nước, nếu chỉ phát triển kinh tế mà để tất cả các làng quê xây dựng giống nhau thì sẽ mất đi cái gốc Văn hóa truyền thống... Văn hóa giàu có là nhờ những "sự khác nhau" trong từng làng xã, huyện tỉnh, vùng miền, dân tộc, trong đó giọng nói, nếp sống, nghi thức tang ma, cưới hỏi, lễ hội, giọng hò, điệu hát, được lưu truyền qua nhiều thế hệ, làm nên sự giàu có bản sắc văn hóa của quốc gia. Đồng loạt hóa các tiêu chuẩn tinh thần cũng như vật chất trong xây dựng thành phố cũng như nông thôn cả nước, nên coi là một nguy cơ triệt tiêu bản sắc văn hóa, cần tránh.

Văn hóa phải soi đường cho Quốc dân đi - Ảnh 2.

Ảnh minh họa (Minh Khánh)

Trong Chiến lược phát triển Văn hóa thì chiến lược quan trọng nhất là Xây dựng con người làm Văn hóa. "Văn hóa và nếp sống có văn hóa giúp cho con người vượt qua nhiều tai họa, cám dỗ. Vì vậy, phải lưu ý cán bộ từ nền tảng giáo dục, sao cho ngoài chuyên môn, họ phải là người sống có Văn hóa" như lời Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói.

Theo tôi, việc đào tạo con người rất quan trọng. Vì vậy trong giáo trình dành cho các cán bộ tương lai ở mọi cấp, nên chuẩn bị nền tảng Văn hóa cho mỗi người. Thử làm một phiếu thăm dò cho các cán bộ hiện nay xem một năm họ đọc bao nhiêu cuốn sách, xem được bao nhiêu bộ phim, kể tên những tác giả nào đang nổi tiếng trong và ngoài nước, chưa nói là tác giả cổ điển.… tôi e rằng kết quả sẽ khiến không ít người đáng lo. Nếu một đội ngũ cán bộ có nền tảng Văn hóa vững chắc sẽ giúp họ vượt qua những cám dỗ vật chất, những cạm bẫy giăng đầy trong cuộc sống và công việc.

Tôi cũng mong Chiến lược phát triển Văn hóa đến năm 2030 sẽ đề cập đến Văn hóa cho tầng lớp công nhân. Chúng ta có mấy chục triệu công nhân trong các xí nghiệp, nhà máy, khu công nghiệp, nhưng thử hỏi hiện nay họ đang hưởng thụ Văn hóa như thế nào? Họ tăng ca triền miên, liệu còn thời gian để hưởng thụ Văn hóa không?.

Từ mấy năm trước, khi còn làm ở Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, chúng tôi đề nghị các đại biểu Quốc hội mỗi kỳ họp dài hàng tháng, dành thời gian nghỉ ngơi để xem một số tác phẩm nghệ thuật thuộc các thể loại, vừa để giải trí, vừa để biết hiện tình văn hóa- nghệ thuật không chỉ của các đơn vị cấp quốc gia, mà còn của các địa phương, chắc rằng những địa phương được lựa chọn tác phẩm biểu diễn sẽ đầu tư dàn dựng công phu, khích lệ đội ngũ văn nghệ sĩ và có sức lan tỏa lớn.

Văn hóa phải soi đường cho Quốc dân đi - Ảnh 3.

Ảnh minh họa (Minh Khánh)

Chiến lược phát triển Văn hóa đến năm 2030 phải xây dựng được bộ mặt Văn hóa của một đất nước Việt Nam đang phát triển. Sự nhập siêu về văn hóa, nên có kế hoạch cụ thể để khắc phục. Hàng hóa vật chất của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nông - hải sản đã thành quen thuộc với thị trường nhiều nước phát triển. Nhưng sản phẩm văn hóa Việt Nam thì hầu như trống vắng. Hơn thế, còn bị lép vế ngay trên sân nhà. Rất cần có những đội ngũ Văn hóa tầm vóc để tạo ra những tác phẩm tầm vóc, xây dựng được hình ảnh đất nước con người Việt Nam xứng tầm với vị thế quốc tế của nước ta.

Lấy ví dụ về văn hóa của Hàn Quốc rất đáng cho những người có trách nhiệm suy nghĩ. Bước ra khỏi chiến tranh, những tội ác mà đội quân đánh thuê gây ra đã để lại một hình ảnh không mấy thiện cảm với Hàn Quốc. Nhưng chỉ mấy năm, với sự tiền trạm của các sản phẩm văn hóa (phim ảnh, ca hát, thời trang ..), kinh tế Hàn Quốc mở rộng đầu tư, cả một làn sóng văn hóa Hàn Quốc xâm nhập, chinh phục rộng rãi lớp trẻ, tất nhiên, không chỉ nước ta. Với Hàn Quốc, văn hóa không chỉ xây dựng hình ảnh đất nước, mà còn là một mũi nhọn đầu tư có hiệu quả kinh tế cao. Trong khi, dù rất tự hào về lịch sử, văn hóa và phẩm chất con người Việt Nam, thì cho đến nay, những sản phẩm Văn hóa Việt Nam vẫn chưa tương xứng với "Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế" mà nước ta đang có.

Hãy tự hỏi, nếu bây giờ chiếu một bộ phim Việt Nam cho các nguyên thủ quốc gia xem thì chúng ta sẽ chọn phim gì?. Phim gì để thấy đất nước, con người Việt Nam thật đẹp?. Phim gì của Việt Nam đi ra nước ngoài để khán giả xem "mê mẩn", các nhân vật trở thành "thần tượng"?. Tôi sợ hãi với các bộ phim truyền hình đang chiếu với những mối quan hệ gia đình đáng sợ, không dám xem, và càng không dám để các con xem.

Đầu tư cho đội ngũ sáng tạo Văn hóa, Văn học - Nghệ thuật không chỉ là tạo sức mạnh cho Mặt trận văn hóa, mà còn là một mũi nhọn bền vững cho sự phát triển kinh tế nước nhà. Bảo tồn và nuôi dưỡng những Nghệ sĩ đang là những Bảo tàng sống cho các loại hình nghệ thuật truyền thống 54 dân tộc cũng là vấn đề cấp thiết và quan trọng.

Tôi mong muốn Văn hóa Việt Nam có tầm vóc, trở thành môi trường an toàn cho mọi người sinh sống lành mạnh và phát triển.

(Ghi theo lời Nhà văn NGÔ THẢO nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam)

NỔI BẬT TRANG CHỦ