• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Văn hóa thưởng thức mì ramen tại Nhật Bản thay đổi khi món ăn không chỉ dành riêng cho nam giới

Du lịch 04/03/2024 19:41

(Tổ Quốc) - Ramen, món mì phổ biến ở Nhật Bản, đã trở thành một trong những món ăn nổi tiếng khắp thế giới.

Chỉ dành riêng cho nam giới

Mì ramen bao gồm phần sợi mì được làm từ lúa mì, nước dùng thường nấu từ xương heo, xương gà hoặc cá, đồng thời ăn kèm với các món như thịt lợn thái mỏng (xá xíu), rong biển sấy khô (nori), măng chua (menma) và hành lá.

Văn hóa mì ramen tại Nhật Bản thay đổi khi món ăn không chỉ dành riêng cho nam giới - Ảnh 1.

Những người tham gia Lễ hội Ramen Girls thưởng thức mì tại sự kiện khai mạc năm 2015. Ảnh: Nikkei

Tuy nhiên, ở Nhật Bản, trước đây, ramen là một món ăn chủ yếu dành cho nam giới. Theo truyền thống, đàn ông thường để mắt đến những nhà hàng ramen, mà không phải phụ nữ.

Vào những năm 1960, khi mì ramen đóng vai trò như "bánh răng" trong động cơ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Nhật Bản thì món ăn nổi tiếng này được xem như đặc quyền dành cho phái mạnh, phổ biến là nam giới. Hầu hết đàn ông vào quán ramen ngồi một mình và không nói chuyện với ai.

Tuy nhiên, hiện tại, điều đó đang thay đổi khi xu hướng mới nổi lên với tên gọi là "những cô gái ramen" (ramen girl).

Một trong những xu hướng toàn cầu của năm 2023 là sự nổi lên của "những bữa tối dành cho các cô gái với món mì ramen". Trở thành xu hướng kể từ năm 2015, khi Lễ hội Ramen lần đầu tổ chức, các cô gái Nhật Bản đã bắt đầu thưởng thức món mì ramen tại nhà hàng.

Chủ trì sự kiện này là bà Satoko Morimoto, một blog nổi tiếng chuyên viết về tình yêu ẩm thực với mì ramen và thừa nhận rằng bà đã ăn 600 tô mì mỗi năm. Bà Morimoto kêu gọi những phụ nữ trẻ Nhật Bản hãy dũng cảm đến những nhà hàng ramen ngon nhất giữa nhóm khách hàng chủ yếu là nam giới để thưởng thức những bát mì nóng hổi.

Tại Lễ hội Ramen Girls (RGF), các đầu bếp là nam giới và nữ giới đã phục vụ những bát mì thơm ngon hấp dẫn cho những phụ nữ yêu thích mì ramen. RGF đã được sáp nhập vào sự kiện Ramen Expo hàng năm trong đại dịch COVID-19 và lễ hội sẽ được hồi sinh thành một sự kiện riêng biệt vào năm 2024.

"Những cô gái ramen" tại Nhật Bản

Điều gì khiến mì ramen dành cho nữ giới khác biệt với mì ramen truyền thống dành cho nam giới? Đầu tiên, các nhà hàng ramen phải hiểu và phục vụ các nhu cầu của phái nữ. Cụ thể là nhà hàng phải thoáng mát, hợp vệ sinh, phòng vệ sinh sạch sẽ, mặt bàn bằng gỗ và dàn loa có nhạc jazz.

Các đầu bếp cũng phải điều chỉnh hương vị món ăn sao cho phù hợp. Chẳng hạn như, món nước dùng nên có hương vị nhẹ nhàng hơn đối với hệ tiêu hóa của phụ nữ - so với loại truyền thống dành cho nam giới và phải có lựa chọn không chứa gluten cho mì. Thịt và rau cũng xác định nguồn gốc từ các trang trại hữu cơ và khẩu phần ăn cần ít hơn khẩu phần truyền thống để giúp phụ nữ tránh ăn quá nhiều.

Làm như vậy, nhóm khách hàng nữ sẽ cảm thấy họ được chào đón. Trong văn hóa ramen truyền thống, đàn ông có thể húp nước dùng tạo âm thanh như họ muốn, nhưng phụ nữ lại có những những quy tắc khác, điềm đạm hơn ngoài chú ý đến hương vị.

Trong nhiều thập kỷ, mọi khía cạnh liên quan đến mì ramen đều hướng đến nam giới, từ nước dùng, thường bao gồm mỡ lợn, nội tạng lợn và một ít bột ngọt cho đến kích thước bát đều được thiết kế phù hợp với bàn tay nam giới. Món súp có xu hướng rất nóng vì đàn ông Nhật Bản thích như vậy để đảm bảo hơi nước bốc lên từ bát và cảm thấy nóng sốt đậm đà. Tuy nhiên, nếu phục vụ một bát mì ramen như vậy phục vụ cho phụ nữ sẽ ảnh hưởng đến lớp trang điểm trên khuôn mặt của họ.

Hay những gia vị nêm cho bát mì như tép tỏi, rất phù hợp với những người đàn ông yêu thích loại thảo mộc này nhưng phụ nữ lại không hề thích mùi của tỏi bởi họ sẽ phải trở lại văn phòng sau giờ ăn và không muốn có mùi.

Vì vậy, trước đây, khi phụ nữ thèm mì ramen, họ có thể dừng lại ở siêu thị và mua Cup Noodle -- một trong những phát minh vĩ đại nhất mà Nhật Bản đã tạo ra, nhờ sự giúp đỡ của Tập đoàn Thực phẩm Nissin vào năm 1971.

Nhờ Cup Noodle và vô số các loại mì ăn liền có hương vị khác nhau, tự làm trong hộp đựng, các thế hệ phụ nữ Nhật Bản đã có thể húp xì xụp và ăn ngấu nghiến ngay tại nhà riêng mà không bị ảnh hưởng từ ánh mắt của người khác trong nhà hàng.

Thêm một loại mì khác là Cup Noodle Light, xuất hiện vào năm 2008, hướng đến những phụ nữ thành thị, quan tâm đến sức khỏe, đang tìm cách ăn mì mà không bị kỳ thị về lượng calo và tăng cân. Cup Noodle ban đầu có lượng calo 335, trong khi Light chỉ cung cấp 198 calo.

7 năm sau, Nissin nâng cấp món ăn này với Cup Noodle Light Plus, cũng cung cấp 198 calo nhưng bao gồm các phiên bản sang trọng như Ratatouille, Bagna Cauda và Lobster Bisque.

Đến hiện tại, phụ nữ Nhật Bản đã có thể tạo dựng mối quan hệ với mì ramen. Dù là nhu cầu ăn mì tại nhà hàng hay săn lùng món mì ăn liền yêu thích tại nhà, tất cả đều đáp ứng theo nhu cầu của phụ nữ Nhật Bản ngày nay để mang đến cơ hội thưởng thức thoải mái.

Và "những cô gái ramen" đã nổi lên trở thành một xu hướng trong văn hóa ăn mì ramen ngày nay ở Nhật Bản./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ