• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Câu chuyện từ bát mỳ ramen: Ẩm thực Nhật Bản chuyển mình cùng lạm phát

Thế giới 15/08/2022 11:07

(Tổ Quốc) - Các nhà hàng Nhật Bản đang tìm kiếm những cách mới để thu hút khách hàng khi những món ăn rẻ giờ không còn rẻ nữa.

Lạm phát hiện đã lan đến một trong những bữa ăn được yêu thích nhất, giá cả phải chăng nhất của Nhật Bản: Mỳ ramen.

Sức ép lạm phát liên tục gia tăng

Bộ Nội vụ Nhật Bản cho biết giá trung bình của một tô mì ramen là 617 yên (4,57 USD theo tỷ giá hiện tại) vào tháng 6, mức giá cao nhất kể từ khi họ bắt đầu theo dõi dữ liệu này vào năm 2000. Trong bối cảnh chi phí thực phẩm tăng trên diện rộng, cả các chuỗi nhà hàng lớn và những cửa hiệu nhỏ đều gặp khó khăn trong việc giữ chân khách hàng, khiến họ hài lòng về giá cả trong khi vẫn đảm bảo được các khoản chi phí ngày càng tăng.

"Chúng tôi đã làm những gì có thể để không tăng giá, nhưng cuối cùng chúng tôi đã đạt đến giới hạn của mình", Hiroshige Aono, chủ tịch điều hành chuỗi ramen Hiday Hidaka cho biết.

Câu chuyện từ bát mỳ ramen: Ẩm thực Nhật Bản chuyển mình cùng lạm phát - Ảnh 1.

Mỳ ramen - thực phẩm phổ biến tại Nhật Bản - cũng đối mặt với áp lực tăng giá. Ảnh: Nikkei Asia.

Chuỗi cửa hàng Hidakaya nổi tiếng khắp nơi của công ty này được biết đến với giá rẻ. Một tô mì ramen cơ bản của họ có giá 390 yên, chưa tới 3 USD. Bằng việc tự động hóa nhiều khâu chuẩn bị để giúp bù đắp chi phí thực phẩm đang tăng lên, họ đã nỗ lực kìm hãm đà tăng giá ngay cả khi các đối thủ đều làm như vậy.

Chiến lược này phần lớn đã thành công. Lưu lượng khách đến các cửa hàng hiện có đã tăng 28,8% so với cùng kỳ trong giai đoạn tháng 3 đến tháng 5, một phần là kết quả của việc Nhật Bản dỡ bỏ các hạn chế về virus corona vào tháng 3 nhưng cũng phần nào là nhờ chiến lược bình ổn giá, ông Aono nói.

Tuy nhiên, ngay cả Hidakaya cũng không thể chống lại lạm phát mãi mãi. Giá lúa mì dùng để làm mì và nước tương cho súp đang tăng. Sự gia tăng giá cả đột biến trong thịt lợn và mỡ lợn, một phần họ phải nhập khẩu, đã ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến chuỗi nhà hàng này.

Giá thịt lợn nạc giao sau đã đạt mức cao nhất trong 14 tháng trên Sàn giao dịch Chicago Mercantile Exchange vào đầu tháng 8 này khi căng thẳng tại Ukraine tiếp tục làm tăng giá thức ăn chăn nuôi. Hidakaya hiện phải trả gần gấp đôi so với năm ngoái cho mỡ lợn. Đồng yên yếu cũng đã làm tăng thêm chi phí nhập khẩu.

Việc mở một cửa hàng mới cũng có tốn thêm khoảng 20% chi phí so với năm ngoái, do chi phí thép không gỉ cho thiết bị nhà bếp và các vật liệu khác cũng tăng.

Đối mặt với áp lực trên nhiều mặt trận, Hiday Hidaka hiện đang xem xét việc điều chỉnh đơn giá của mình. Hidakaya đã tăng giá vào năm 2019 để đối phó với việc Nhật Bản tăng thuế tiêu dùng. Lần này, "chúng tôi muốn tạo ra các sản phẩm có giá trị hơn", ông Aono nói. Tăng thêm đồ ăn cho khách có vẻ như là một cách tốt để giữ chân khách hàng khi họ đưa ra mức giá cao hơn.

Đa dạng chiến lược trong ngành ẩm thực

Các cửa hàng ramen độc lập thường luôn đi đầu trong chiến lược gia tăng giá trị. Nhiều bát mì của họ có giá hơn 1.000 yên. Ví dụ, cửa hàng Handicraft Works luôn có những dòng khách chờ đợi ngay cả trong những ngày hè nắng gắt. Món ăn đặc trưng của họ có giá 1.250 yên, nhưng mức giá cao đó đi kèm với rất nhiều thịt bò, thịt cừu và xúc xích phủ lên món mì không nước dùng.

Nhà hàng này, nằm ở khu vực rất đông hàng quán của tỉnh tỉnh Saitama gần Tokyo, đã tăng giá món ăn thêm 100 yên vào tháng 5 do chi phí nguyên liệu tăng cao, nhưng cho biết sự thay đổi này không ảnh hưởng đến lượng khách.

"Khách hàng muốn có một hương vị đặc biệt mà họ không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác", chủ sở hữu Yusuke Tsuruoka nói.

Tuy nhiên, chỉ những nhà hàng mang tới trải nghiệm ẩm thực độc đáo như vậy mới có thể đi theo con đường này. Yasuhiro Kimura, chủ tịch của công ty tư vấn ramen Hanjyoujyuku, dự đoán sẽ có sự chia rẽ về giá cả giữa các cửa hàng cao cấp và phần còn lại của thị trường. Ông Kimura cho biết: "Các nhà hàng không có điểm mạnh nào để cạnh tranh có thể bị giảm mạnh lượng khách hàng nếu họ tăng giá".

Trong khi đó, người Nhật Bản nói chung đang ăn ít mì ramen hơn, một phần là do người dân hạn chế ra ngoài và các nhà hàng rút ngắn giờ hoạt động trong bối cảnh đại dịch. Dữ liệu của chính phủ cho thấy, các hộ gia đình chi trung bình 5.388 yên cho ramen khi đi ăn vào năm ngoái, giảm 20% so với năm 2019.

Thị trường ăn khuya đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Ngay cả Hiday Hidaka, vốn vẫn có lợi nhuận chắc chắn, cũng bị ảnh hưởng. Ông Aono cho biết: "Doanh số bán hàng vào ban đêm đã giảm do các yếu tố như xu hướng làm việc tại nhà và đời sống chưa quay trở lại như trước dịch virus corona".

Một số cửa hàng nhỏ đang chuyển sang bán hàng trực tuyến hoặc sử dụng máy bán hàng tự động.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ