• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Văn hóa trong vòng xoáy phát triển

Văn hoá 06/05/2023 07:03

Để tháo gỡ điểm nghẽn cho văn hóa, chúng ta cần tháo gỡ từ chính các luật tưởng chừng ít liên quan đến văn hóa. Thiếu những tháo gỡ đó, nhiều chính sách tạo thuận lợi về nguồn lực cho văn hóa sẽ gặp khó khăn.

Sau một số Nghị quyết về văn hóa của các nhiệm kỳ Đại hội trước, lĩnh vực văn hóa được quan tâm hơn, thể hiện ở các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, các luật về văn hóa, nghệ thuật được ra đời, công tác cán bộ văn hóa cũng có những ưu tiên.

Nhưng rồi, đáng tiếc, chỉ sau đó một vài nhiệm kỳ, văn hóa lại ít được nhắc đến.

Đầu tư cho văn hóa là không lãng phí

Giờ đây, nỗi băn khoăn của tôi là, liệu văn hóa có lặp lại vòng quay ấy không? Bây giờ đang là cơ hội, thuận lợi rất lớn nhưng nếu ngành văn hóa không biết phát huy thời cơ ấy để chấn hưng văn hóa nước nhà, liệu chúng ta có tránh được vết xe đổ đã từng là thành công của cách đây 25 năm không?

Để tạo thuận lợi, cởi trói cho văn hóa, đầu tư cho văn hóa là rất cần thiết. Điều này không chỉ thể hiện sự quan tâm thật đến văn hóa, mà còn giúp văn hóa có thêm điều kiện để đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Dĩ nhiên, đầu tư cho văn hóa rất khó khăn và phức tạp. Điều này chủ yếu là do hiệu quả đầu tư này sẽ không thấy được ngay.

Văn hóa trong vòng xoáy phát triển - Ảnh 1.

Quan trọng hơn đầu tư, cởi trói cho văn hóa phải được bắt đầu từ thể chế, chính sách cho văn hóa. Ảnh: Phạm Hải

Nếu xây dựng con đường, tòa chung cư, khu siêu thị, chúng ta có thể tính toán tương đối được thời điểm hoàn vốn nhưng xây dựng bảo tàng, thư viện, nhà hát thì lại không dễ như vậy.

Vì thế, nhiều địa phương ưu tiên những mục tiêu trước mắt, có thể tính toán được lỗ lãi ngay, thay vì đầu tư cho những công trình khó thấy được hiệu quả thực tế. Bản thân tôi cũng nhiều lần nghe những câu hỏi về tính hiệu quả của các công trình văn hóa hay kể cả những thắc mắc liên quan đến việc tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, bộ phim có gây lãng phí hay không?

Thật khó lý giải vì tác động của các công trình, sản phẩm văn hóa không chỉ ở kinh tế, mà còn ở chính trị, văn hóa, xã hội; giúp cho tinh thần của chúng ta thăng hoa, môi trường xã hội lành mạnh, tạo thuận lợi cho sự phát triển nhân cách, đạo đức của con người. Mà những thứ đó lại không đo đếm, định lượng được!

Nếu chúng ta buộc các đơn vị văn hóa, nghệ thuật như các bảo tàng, di tích, thư viện, nhà hát phải tự kiếm sống, “tự nuôi nhau”... thì thực sự gây khó cho các đơn vị ấy. Nhiều khi, nhiệm vụ của họ chỉ là tạo ra những điểm nhấn cho đô thị, địa phương, từ đó hình thành nên sự hấp dẫn của điểm đến, món ăn tinh thần, rồi lan tỏa sang các lĩnh vực khác như phát triển du lịch, giao thông, nhà hàng, khách sạn, đồ thủ công mỹ nghệ...

Nhiều khi, vì di tích, bảo tàng, nhà hát... đó nên du khách mới tới, và các dịch vụ khác được hưởng lợi theo. Như thế, nguyên tắc là lợi nhuận đến với các dịch vụ ăn theo này cần phải tính thành tích cho các đơn vị văn hóa, nghệ thuật, để từ đó bớt gây áp lực kiếm tiền, tạo tâm lý thoải mái cho Nhà nước khi cấp bù kinh phí cho họ.

Đây là điều mà rất nhiều các quốc gia trên thế giới đã thực hiện để biến các tổ chức, đơn vị nghệ thuật trở thành những nơi dành cho công chúng, giáo dục lịch sử, nghệ thuật, truyền cảm hứng về sáng tạo cho toàn xã hội, và nhờ vậy hình thành các đô thị đáng sống cho các quốc gia.

Xét trên một quan điểm toàn diện như vậy, chúng ta sẽ thấy đầu tư cho văn hóa không lãng phí. Các nhà lãnh đạo, quản lý kinh tế sẽ không còn băn khoăn khi cấp kinh phí cho các tổ chức, sự kiện văn hóa, nghệ thuật. Có được sự hào phóng bảo trợ, văn hóa sẽ phát triển, và mục tiêu tạo đột phá cho phát triển văn hóa sẽ không còn xa vời nữa.

Cởi trói từ thể chế

Quan trọng hơn đầu tư, cởi trói cho văn hóa phải được bắt đầu từ thể chế, chính sách cho văn hóa. Trước hết, chúng ta phải đánh giá những thành công trong việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa trong thời gian qua.

Như tôi đã nói ở trên, các quan điểm của Đảng đã giúp lĩnh vực văn hóa có nhiều khởi sắc. So với nhiều nước trên thế giới, chúng ta thực sự có nhiều hỗ trợ cho phát triển văn hóa với hệ thống chính sách, luật pháp về văn hóa tương đối rõ ràng.

Chúng ta là một trong số ít nước có nhiều luật về văn hóa và đặc biệt là rất cập nhật các văn bản này.

Lấy ví dụ như Luật Di sản văn hóa hay Luật Điện ảnh. Đối với Luật Di sản văn hóa năm 2001 được xem là một trong những luật cập nhật, thậm chí tiên phong trong lĩnh vực văn hóa, với những tư tưởng, quan điểm mới về di sản văn hóa phi vật thể. Sau đó chúng ta còn cập nhật ở luật này năm 2009, và sắp tới đây là sửa đổi một lần nữa.

Văn hóa trong vòng xoáy phát triển - Ảnh 2.

Du khách tham quan Tháp bà Ponagar, Nha Trang dịp lễ 30/4 vừa qua. Ảnh: Xuân Ngọc

Luật Điện ảnh cũng tương tự như vậy, cập nhật cả xu thế công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, đúng là chúng ta còn gặp một số hạn chế khiến văn hóa chưa phát triển như kỳ vọng.

Vấn đề tiếp theo cũng khá nghiêm trọng, nhiều vấn đề, bức xúc liên quan, tạo điểm nghẽn cho phát triển văn hóa lại không hẳn đến từ văn hóa, mà lại đến từ chính trị, kinh tế, khoa học – công nghệ, giáo dục...

Văn hóa là một lĩnh vực của đời sống xã hội, vì vậy, mọi vấn đề của xã hội đều sẽ được phản ánh thông qua văn hóa, và ngược lại. Nhiều điểm nghẽn trong phát triển văn hóa đến từ Luật Thuế, Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Đầu tư theo đối tác công tư...

Chẳng hạn, vừa qua, khi chúng ta thấy những vấn đề của Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia, Hãng Phim truyện Việt Nam hay của rất nhiều các đơn vị văn hóa, nghệ thuật khác chính lại đến từ thiếu quy định từ các luật này.

Như vậy, để tháo gỡ điểm nghẽn cho văn hóa, chúng ta cần tháo gỡ từ chính các luật tưởng chừng ít liên quan đến văn hóa như trên. Thiếu những tháo gỡ đó, nhiều chính sách tạo thuận lợi về nguồn lực cho văn hóa sẽ gặp khó khăn.

Tránh hai trạng thái cực đoan

Theo tôi, có mấy vấn đề lớn như sau:

Thứ nhất, nhận thức về phát triển văn hóa chưa đầy đủ. Sản phẩm văn hóa cần phải được xem là những sản phẩm hàng hóa nhưng có logic đặc biệt.

Thứ hai, gần đây, chúng ta bị rơi vào hai thái cực.

Thái cực thứ nhất, nhấn mạnh quá mức đến tính chất tinh thần mà quên đi tính chất hàng hóa của sản phẩm văn hóa, nghệ thuật dẫn đến việc quay lưng lại với kinh tế thị trường, không chịu chú ý đến phát triển thương hiệu, khán giả, hay kỹ năng kinh doanh, khiến cho các tổ chức, đơn vị văn hóa nghệ thuật trở nên quan liêu, cứng nhắc, thua lỗ.

Thái cực thứ hai, nhấn mạnh quá mức đến tính chất hàng hóa, đề cao thái quá việc thu lợi nhuận trong lĩnh vực văn hóa, khiến cho giá trị tinh thần, đạo đức của các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật bị coi nhẹ, dẫn đến nhiều sản phẩm văn hóa, nghệ thuật chiều theo thị hiếu tầm thường, ảnh hưởng tiêu cực đến đạo đức xã hội.

Cả hai thái cực này đều nguy hiểm, và việc của chúng ta là cân bằng hai thái cực này. Tất nhiên, việc làm này chưa bao giờ đơn giản, vì nó liên quan đến nhiều thứ, cả việc nâng cao thị hiếu thẩm mỹ của khán giả, thay đổi tư duy của tất cả các bên liên quan đến sản xuất ra sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, cũng như định hướng, đầu tư từ phía Nhà nước.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn


PGS.TS Bùi Hoài Sơn (Theo Vietnamnet.vn)

NỔI BẬT TRANG CHỦ