(Tổ Quốc) - Dự thảo Quy định về chuẩn mực văn hóa phát ngôn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (gọi chung là công chức) trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội được công bố, dư luận đặc biệt quan tâm đến các vấn đề trong trách nhiệm phát ngôn và ngôn ngữ sử dụng trong phát ngôn.
Cụ thể là phát ngôn trên mạng xã hội, nói ngọng, nói lắp, sử dụng ngôn ngữ địa phương. Cơ quan soạn thảo cho rằng đây là chuẩn mực văn hóa phát ngôn để định hướng công chức phát ngôn trong giải quyết công việc, quan hệ với tổ chức và cá nhân.
Ông Nguyễn Thanh Lâm - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - tại Hội thảo "Phát ngôn gây thù ghét và các giải pháp hướng tới một môi trường mạng xã hội an toàn và phát triển bền vững" (ảnh vtv) |
Không nói ngọng, sử dụng ngôn ngữ địa phương
Tại điều 3, quyền và trách nhiệm phát ngôn, dự thảo quy định công chức không bày tỏ quan điểm phiến diện trên mạng xã hội, trang cá nhân. Còn tại điều 5, ngôn ngữ sử dụng trong phát ngôn, công chức phải hạn chế nói ngọng, nói lắp, sử dụng ngôn ngữ địa phương. Đây là những vấn đề khó mà dự thảo đã chạm tới, nhằm điều chỉnh lại trách nhiệm và ngôn ngữ sử dụng trong phát ngôn của công chức.
Là người quan tâm đến văn hóa Hà Nội, ông Trần Trung Phong (trú tại phố Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, khi xây dựng bất kỳ quy định nào liên quan đến văn hóa ứng xử cần phải phù hợp với thực tiễn, được mọi người chấp nhận mới phát huy được tác dụng. Đối với quy định công chức không được bày tỏ quan điểm phiến diện trên mạng xã hội hay hạn chế nói ngọng, nói lắp, sử dụng ngôn ngữ địa phương khó khả thi trong thực tiễn.
Thực tế, việc sử dụng mạng xã hội và trang cá nhân đang phổ biến đối với hầu hết mọi người, trong đó có cả công chức. Ở đó, họ đưa lên những vấn đề cá nhân, giao lưu bạn bè hoặc bày tỏ quan điểm của mình đối với những vấn đề chung trong cuôc sống. Trước quan điểm quy định này khó thực hiện, ông Ngô Văn Nam, Trưởng phòng Nếp sống văn hóa và Gia đình - Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nhận định: Dù bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội và trang cá nhân là quyền mỗi người nhưng không thể tự do công kích, bôi xấu người khác hoặc bày tỏ quan điểm đi ngược với những quy định của cơ quan mình công tác, hay chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước. Việc phát ngôn xuyên tạc còn là hành vi vi phạm pháp luật và công chức lại càng không được phép.
Đối với vấn đề hạn chế nói ngọng, nói lắp, sử dụng ngôn ngữ địa phương được đặt ra trong dự thảo cũng là vấn đề tương đối nhạy cảm, bởi đa phần những người mang thói quen này do ảnh hưởng của địa phương nơi mình từng sinh sống. Những người soạn thảo dự thảo Quy định về chuẩn mực văn hóa phát ngôn của công chức lại khẳng định những quy định đưa ra tại dự thảo là chuẩn mực để định hướng văn hóa phát ngôn của công chức. Quy định này để nhắc nhở công chức có những thói quen trên ý thức rèn luyện, sửa chữa để chuẩn hóa ngôn ngữ của mình, làm cho người đối diện nghe và hiểu được. Nếu công chức có ý thức, thói quen nói ngọng, nói lắp và sử dụng ngôn ngữ địa phương cơ bản sửa được.
Mỹ cũng đã có quy tắc về việc các công chức chính phủ được phép phát ngôn như thế nào trên mạng xã hội (ảnh Computer world) |
Cụ thể hóa quy tắc ứng xử
Đầu năm 2017, thành phố Hà Nội ban hành hai bộ quy tắc ứng xử gồm: Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và hiện đã hoàn thiện dự thảo Quy định về chuẩn mực văn hóa phát ngôn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội được công bố. Như vậy, có thể hiểu rằng, thành phố Hà Nội thực sự quan tâm đến vấn đề văn hóa ứng xử của cả người dân và công chức Thủ đô, nhất là trong thời gian qua xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến văn hóa ứng xử.
Ông Ngô Văn Nam, Trưởng phòng Nếp sống văn hóa và Gia đình - Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, việc xây dựng Quy định chuẩn mực văn hóa phát ngôn của công chức không chỉ định hướng cho công chức về chuẩn mực văn hóa phát ngôn trong giải quyết công việc, quan hệ công tác với tổ chức và cá nhân mà còn góp phần nâng cao trách nhiệm, tăng cường kỷ luật phát ngôn. Hơn nữa, việc này cũng góp phần gìn giữ truyền thống văn hóa người Hà Nội, xây dựng đội ngũ công chức Thủ đô thanh lịch, văn minh.
Xây dựng Quy định chuẩn mực văn hóa phát ngôn của công chức chính là cụ thể hóa Quy tắc ứng xử của công chức mà thành phố Hà Nội đã ban hành. Hiện tại, Hà Nội chưa có quy định nào cụ thể về trách nhiệm phát ngôn, chuẩn bị kiến thức, xử lý tình huống trong phát ngôn của công chức. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội xây dựng dựa trên yêu cầu của UBND thành phố Hà Nội và đã tiến hành điều tra, khảo sát, lấy ý kiến của các ban ngành, đoàn thể, hiện đã trình dự thảo để UBND thành phố xem xét.
Vì đang trong quá trình hoàn thiện nên một số nội dung tại Quy định chuẩn mực văn hóa phát ngôn của công chức có thể được điều chỉnh cho phù hợp. Tuy nhiên, thêm một Quy định về chuẩn mực văn hóa phát ngôn của công chức, chắc chắn văn hóa ứng xử của người Hà Nội sẽ được điều chỉnh theo chiều hướng tốt lên.
(Nguồn: Tin tức)