• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Văn hóa ứng xử trong môi trường giáo dục

Giáo dục 21/05/2018 14:33

(Tổ Quốc) - Trước vụ việc cô giáo dạy tiếng Anh dùng những lời lẽ thiếu văn hóa để nói với học viên trong lớp cô dạy đang gây bức xúc dư luận xã hội, chúng tôi đã thực hiện cuộc trao đổi với giảng viên Trần Xuân Tiến, hiện công tác tại Khoa KHXH&NV, trường Đại học Văn Hiến xung quanh câu chuyện này và cũng để góp thêm tiếng nói nhằm hướng đến một môi trường giáo dục lành mạnh, văn minh.

Giảng viên Trần Xuân Tiến, hiện công tác tại Khoa Khoa học xã hội và nhân văn, trường Đại học Văn Hiến

- Thưa thầy Trần Xuân Tiến, xưa nay việc dạy học chưa bao giờ là việc dễ dàng, với thầy để lựa chọn nghề dạy học làm nghiệp của mình, thầy đã cố gắng như thế nào để đạt được ước nguyện này?

- Quá trình đó có thể ví như câu chuyện gặp lại giấc mơ thời niên thiếu của tôi. Từ nhỏ, ước mong được đứng trên bục giảng nhưng sau khi tốt nghiệp đại học, tôi rẽ hướng sang lĩnh vực khác. Được một thời gian, duyên xưa giúp tôi hội ngộ với nghề giáo cho đến nay. Không quá nhiều cố gắng để đến với nghề nhưng tôi luôn tự phải đối diện với áp lực phải dành nhiều tâm sức, dành nhiều sự cố gắng để làm tròn vai nghề nghiệp mà mình đã chọn.

- Trong thời gian đứng trên bục giảng, thầy thấy điều gì khó khăn nhất?

- Đánh thức ý thức và tiềm năng học tập của người trẻ có lẽ là điều mà tôi cảm thấy có nhiều trăn trở hơn cả. Giới trẻ ngày nay rất sáng tạo và rất có năng lực. Nhưng các em đôi lúc chủ quan, chưa thực sự làm chủ khả năng của mình. Nhiều em còn bị thu hút bởi các trào lưu không tích cực, gây ảnh hưởng đến việc học tập. Ngoài ra, giáo viên hiện nay còn khá nhiều rào cản do cơ chế, do quy định để có thể chủ động và sáng tạo trong quá trình dạy.

- Với thầy, những chuẩn mực của giáo viên, giảng viên là gì?

- Tôi quan niệm nghề giáo như mọi ngành nghề khác, đều cần có tài, đức và tâm trong từng công việc. Ngoài ra, do đặc thù nghề nghiệp, nghề giáo cũng kèm theo một vài yêu cầu đặc biệt, trong đó quan trọng nhất là đạo đức lối sống. Bởi vì anh đóng vai một người dẫn dắt, người chỉ bảo nên bản thân anh luôn phải là hình ảnh gương mẫu để học trò soi chiếu. Người thầy không đơn thuần chỉ là truyền đạt tri thức mà còn đóng vai trò là người tổ chức, hướng dẫn, thậm chí là điều chỉnh quá trình nhận thức và quá trình hình thành nhân cách của người học. Cổ nhân có câu “tiên học lễ, hậu học văn” cũng chính là muốn nhấn mạnh đến việc dạy lễ của người thầy.

- Tại trường thầy đang công tác, các thầy cô giáo ứng xử với sinh viên thế nào? Và ngược lại, các sinh viên ứng xử với giảng viên ra sao?

- May mắn là tại trường đại học nơi tôi công tác chính cũng như những đơn vị đào tạo khác mà tôi có tham gia thỉnh giảng, mối quan hệ giữa thầy và trò đều mang màu sắc tích cực. Người dạy tôn trọng người học, xem người học là trung tâm, là gốc rễ của quá trình dạy và học. Còn người học cũng luôn thể hiện thái độ tôn trọng, đúng mực. Các lớp dạy tiếng Việt mà tôi tham gia giảng dạy, dù học viên có nhiều anh chị lớn tuổi hơn giảng viên nhưng không hề có thái độ ứng xử bề trên.

Trường Đại học Văn Hiến

- Trở lại vụ việc đang khiến dư luận bức xúc thời gian gần đây, thầy nghĩ sao về vụ việc trong clip cô giáo dạy ngoại ngữ đối thoại thiếu văn minh và thiếu tôn trọng với một học viên trong lớp?

- Tôi biết đến sự việc trên thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Clip mà tôi xem, mặc dù đã được làm mất âm thanh các từ ngữ thô tục, nhưng tôi cảm nhận được sự phản cảm qua cuộc đối thoại giữa hai người. Là một người công tác trong lĩnh vực giáo dục, xem clip, tôi rất buồn. Tôi nghĩ, cần có sự chung tay của các bên có liên quan để giải quyết một cách đồng bộ, tránh để lặp lại tình trạng tương tự.

- Theo thầy, điều đó có nói lên rằng đang có kẽ hở trong việc thành lập các trường đào tạo không chuyên nghiệp ở Việt Nam hiện nay?

- Chính là thế, đây là vấn đề mà theo tôi, đã ít được dư luận xã hội dành sự quan tâm đúng mức. Nhiều người dùng mạng xã hội, khi vừa xem clip đã không kìm nén được cơn giận dữ, lập tức chia sẻ clip và dùng nhiều từ ngữ không hay, thiếu chừng mực để bình luận về sự việc. Trong đó có những nhận định thiếu tính xây dựng, có phần chủ quan về giáo dục. Tuy vậy, đây không phải là toàn cảnh bức tranh giáo dục. Sự việc cho thấy kẽ hở trong công tác quản lý giáo dục. Qua điều tra của đoàn công tác liên ngành do Sở GD&ĐT Hà Nội thành lập, nữ nhân vật trong clip chỉ xuất trình được bản sao bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành kế toán, và ba cơ sở học tiếng Anh chưa đăng ký hoạt động. Sau đó vụ việc đã được xử lý.

- Vậy liệu chúng ta có thể làm gì để có được một môi trường đào tạo trong sạch, không còn những vụ việc đau lòng như thời gian qua không thưa thầy?

- Xây dựng một môi trường đào tạo trong sạch là nguyện vọng chính đáng không chỉ của những ai công tác trong ngành giáo dục mà còn của toàn xã hội. Sự kỳ vọng này cần được đồng hành bởi những hành động cụ thể. Cần tăng cường nâng cao nhận thức về giáo dục chuẩn mực.

Đối với người thầy, ngoài việc rèn luyện năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm thì tư cách lối sống cũng rất cần được quan tâm trau dồi.

Đối với người học, cũng cần có những thái độ và hành xử đúng mực. Dư luận xã hội thì rất cần sự bình tâm, nhìn nhận rõ bản chất của từng sự việc cụ thể để tránh những phán xét tiêu cực, thiếu tính xây dựng.

Và không kém phần quan trọng là cung cách quản lý giáo dục, những quy định cũng như những chế tài cần sát với thực tiễn cuộc sống hơn.

- Chân thành cảm ơn thầy về cuộc trò chuyện này.

Khánh Vân (thực hiện)

NỔI BẬT TRANG CHỦ