• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vẫn nhiều tranh luận về Quốc phục

Giải trí 18/04/2013 11:46

(Toquoc)- Trang phục nào được chọn làm quốc phục Việt Nam đang được Bộ VHTTDL tiếp tục lấy ý kiến các nhà khoa học, nghiên cứu.

(Toquoc)- Trang phục nào được chọn làm quốc phục Việt Nam đang được Bộ VHTTDL tiếp tục lấy ý kiến các nhà khoa học, nghiên cứu.

Đề án xây dựng quốc phục đã được bàn đến trong 20 năm qua nhưng vẫn chưa ngã ngũ. Dù các đại biểu đều thống nhất cho rằng cần sớm có quốc phục song chọn trang phục nào thì luôn có tranh luận.

Tà áo dài của phụ nữ đã được mặc định công nhận là quốc phục dành cho nữ giới Việt Nam. Nhưng với nam giới, áo dài khăn đóng hay Âu phục (comple) sẽ là quốc phục. Vấn đề này cũng đang gây nhiều tranh luận tại hội thảo do Bộ VHTTDL tổ chức lấy ý kiến về Quốc phục tại TP. HCM ngày 17/4.



Lễ phục nào là quốc phục Việt Nam vẫn còn gây tranh luận (ảnh Dương Anh)


GS-TSKH Trần Ngọc Thêm (ĐH KHXH-NV- ĐHQG TP.HCM) cho rằng: “Nên công nhận âu phục làm lễ phục Nhà nước bởi nó hoàn toàn phù hợp với sự phát triển toàn cầu. Điểm qua các hội nghị quốc tế diễn ra trên thế giới, thỉnh thoảng, chúng ta vẫn bắt gặp một vài bộ lễ phục truyền thống (chỉ chiếm 1/100) nhưng nó chỉ mang tính “lạ” (không xét đến yếu tố tự hào dân tộc của người mặc) bên cạnh những bộ Âu phục đã trở nên quá phổ biến và thông dụng. Trong khi đó, xét về yếu tố thẩm mỹ, rõ ràng, bộ Âu phục của nam giới đứng bên cạnh áo dài của nữ giới luôn có sự tương hợp đẹp mắt. Vậy thì lý do gì chúng ta phải tìm sự lựa chọn khác”.

Ngược lại, bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, cho rằng nam giới nên mặc áo dài khăn đóng và nữ mặc áo dài truyền thống. Áo dài khăn đóng của nam thì nên có thiết kế để phù hợp với thời đại hiện nay. Bà Ninh cũng nhấn mạnh việc nên cân nhắc màu sắc lễ phục làm sao để ngoài yếu tố phong tục tập quán còn có tính quốc tế.

Cùng quan điểm này, PGS-TS Nguyễn Xuân Tiên - Phó hiệu trưởng ĐH Mỹ thuật TP.HCM cho rằng: “Nên dùng áo dài khăn đóng làm lễ phục trong các ngày lễ hội truyền thống của quốc gia, lễ hội tín ngưỡng văn hóa dân tộc; biến thể như thế nào thì tùy để cho phù hợp. Khi sử dụng veston và áo dài trong lễ phục ngoại giao, hội nghị thì cần cải tiến chi tiết, chất liệu và biến thể của áo cùng chất liệu vải cho phù hợp tùy mùa”.

Tuy nhiên, các đại biểu khá thống nhất trong quan điểm cần chọn quốc phục. PGS-TS Phan Thị Thu Hiền (ĐH KHXH-NV- ĐHQG TP.HCM) cho rằng, “việc sử dụng lễ phục ngoại giao cần được chú trọng như một cơ hội quảng bá thương hiệu và việc xây dựng văn hóa lễ phục là điều cần thiết”. 



PGS-TS Nguyễn Xuân Tiên cho rằng: “Việc lễ phục nhà nước chưa được chú trọng trong bối cảnh hội nhập của Việt Nam hiện nay khiến người dân thấy chưa thuận mắt, khó có thể khích lệ lòng tự hào dân tộc, đặc biệt đối với thế hệ trẻ. Cần sớm hoàn thiện một bộ lễ phục nhà nước. Lễ phục nhà nước trước hết phải mang tính truyền thống, hiện đại của dân tộc khi tham gia hành các lễ trọng của đất nước, thể hiện lòng tự hào, tự cường dân tộc; phải thể hiện được tính dân tộc, tính truyền thống, tính văn hóa, tính ứng dụng, phải đẹp, ưa nhìn, phải được người trong và ngoài nước kính trọng, thích thú, nhìn là nhận ra ngay bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam. Cần sự phối hợp các ngành, các cấp để vạch ra các tiêu chí, lộ trình thực hiện”.

Phần lớn các đại biểu đều nhất trí rằng việc xây dựng thiết kế lễ phục cần huy động từ nhiều nguồn lực: các học giả, nhà thiết kế, giới truyền thông đại chúng..., đặc biệt cần trưng cầu ý kiến rộng rãi của người dân.

Hội thảo lấy ý kiến các nhà văn hóa, nhà thiết kế, họa sĩ… khu vực miền Trung về quốc phục sẽ tiếp tục diễn ra trong ngày 18/4 tại Đà Nẵng./.

Thái Lăng

NỔI BẬT TRANG CHỦ