(Tổ Quốc) - Là người yêu Quan họ, những anh hai, chị hai đã quy tụ với nhau thành lập câu lạc bộ Quan họ Nhị Hà giữa lòng Hà Nội. Mỗi tháng, các liền anh, liền chị lại hội ngộ, cùng nhau "chơi Quan họ". Đặc biệt vì yêu Quan họ cổ, không chỉ gìn giữ những làn điệu Quan họ, những phong tục đẹp của người Quan họ cũng được anh hai, chị hai CLB Nhị Hà giữ gìn.
Hội tụ những người yêu Quan họ
Đặc biệt, các liền anh, liền chị của CLB chỉ chuyên hát những câu quan họ cổ, tuy cũng có những câu hát mới chỉ được sáng tác trong vài chục năm trở lại đây nhưng những câu hát này lại được chính những nghệ nhân cao tuổi đặt lời. Tuy nhiên, tinh thần của những câu hát mới này vẫn giữ được nét cổ, bởi nó được lấy từ ca dao, tục ngữ hoặc có những câu hát lấy từ Truyện Kiều. Và gìn giữ những làn quan họ cổ, cách hát cổ một cách hoàn hảo nhất cũng là niềm trăn trở của những liền anh, liền chị sinh hoạt ở đây. Bởi, ở Hà Nội, các CLB quan họ cũng không phải là hiếm, hiện nay có khoảng vài chục CLB đang tồn tại và phát triển. Ở những CLB này, người ta chỉ hát những câu hát đơn giản, phổ thông, thậm chí hát nhiều những câu hát cải biên và hát thêm những làn điệu dân ca khác chứ không hoàn toàn những làn điệu quan họ cổ như ở Nhị Hà.
Người Quan họ chào nhau
Trong một lần cùng những thành viên CLB Quan họ Nhị Hà về làng Đặng Xá (xã Vạn An, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) hát canh, trong không gian sân đình, cây đa, nghe những làn điệu Quan họ mượt mà vang vọng, thấy như lạc về miền quê Bắc bộ của hàng trăm năm trước, không ồn ã phố thị, không vội vã bon chen.
Quan họ Nhị Hà gặp Quan họ Đặng Xá, sau câu chào, mỗi lời muốn nói đều có "thưa". Trước mỗi câu hát, các liền chị lại "thưa các anh hai", hoặc "sau đây, chúng em xin hát hầu các anh hai...". Đầu câu nói luôn có tiếng "dạ", hết câu bao giờ cũng đầy duyên dáng, lễ phép với từ "ạ" phía sau. Rộn ràng mà vẫn giữ lễ giáo, vui tươi nhưng vẫn nghiêm túc. Đó chính là giây phút gặp gỡ của người Quan họ.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Tuấn Hưng, Phó chủ nhiệm CLB Nhị Hà, cách xưng hô thể hiện sự quý trọng bạn chơi, luôn khiêm nhường, dù nhiều tuổi hơn, trình độ vốn liếng dày dặn hơn nhưng vẫn phải xưng em hoặc chúng em và gọi bạn là anh, chị.
Người Quan họ khi gặp nhau, dù nhiều tuổi hơn, trình độ vốn liếng dày dặn hơn nhưng vẫn phải xưng em hoặc chúng em và gọi bạn là anh, chị
PGS.TS.BS Nguyễn Tuấn Hưng vốn là người Bắc Ninh nên chất quan họ đã ngấm vào anh tự nhiên như hơi thở. Dù sống ở Hà Nội với bộn bề công việc nhưng chất quan họ nơi anh chưa lúc nào giảm đi. Trong canh hát, PGS.TS.BS Nguyễn Tuấn Hưng thực sự hóa thân là một "liền anh", một nghệ nhân đặt hết tình yêu vào câu hát.
Chị Hai Chính - nguyên giảng viên Trường ĐH Thương mại- thành viên CLB Nhị Hà cũng hóa thành một liền chị với giọng ca ngọt ngào, đôi mắt lúng liếng. Cùng tâm huyết phục dựng lại sự tinh túy của hát canh trong Quan họ cổ với các thành viên CLB Nhị Hà, chị Hai Chính chia sẻ: "Mong muốn ấy xuất phát từ nỗi trăn trở khi quan họ được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại, nhiều hình thức duy trì quan họ được thực hiện nhưng chủ yếu là để biểu diễn, trong khi đỉnh cao của quan họ chính là hát canh".
"Muốn hát canh được thì phải thuộc nhiều bài quan họ cổ. Muốn thuộc nhiều bài quan họ cổ thì không thể ngày một ngày hai được. Chính vì vậy mà những người tham gia ở đây đã vượt ra tầm gọi là hát mà thực sự là "chơi" quan họ. Người đạt đến mức độ "chơi" thường không chỉ giỏi ca mà ngay cách đối nhân xử thế, cách ứng xử cũng đầy lịch thiệp và văn hóa", PGS.TS.BS Nguyễn Tuấn Hưng cho biết.
Điều đó lý giải vì sao, canh hát Quan họ của Nhị Hà và Đặng Xá hấp dẫn đến thế.
Canh hát giao lưu giữa CLB Nhị Hà với CLB Đặng Xá
Trăn trở gìn giữ di sản
CLB Nhị Hà gồm những thành viên tuổi từ ngoài 40-70 tuổi. Một trong những điều trăn trở của các thành viên CLB là thiếu những người trẻ tham gia CLB. Đây cũng là một điều thường thấy ở những làng quan họ, những người đi hát đối đáp giỏi, có giọng hay, giọng đúng theo chất cổ thì cũng phải từ trên 30 đến trên 40 tuổi. Ở tuổi này, người hát mới có đủ hiểu biết, trải nghiệm thì hát quan họ mới sâu.
PGS.TS.BS Nguyễn Tuấn Hưng tâm sự: "Một điều may mắn của chúng tôi là luôn được những liền anh liền chị ở Bắc Ninh truyền dạy nhiệt tình. Chỉ tiếc là quan họ bây giờ không còn được giới trẻ tìm tòi, học hỏi nhiều để "kế nghiệp" các cụ. Có lẽ vì thế mà những CLB quan họ được lập ra luôn được trân trọng và nâng niu, nếu không, những làn điệu cổ của quan họ sẽ bị mai một nếu các nghệ nhân mất đi".
Hiện, các hình thức sinh hoạt CLB như hiện nay đều do các nghệ nhân tự đóng góp kinh phí để duy trì. Trăn trở của Ban chủ nhiệm CLB không phải là tìm kiếm kinh phí hay đầu ra cho CLB, mà quan trọng hơn là ngày càng sưu tầm và lưu giữ được nhiều câu hát cổ hơn nữa. Bởi vốn liếng của cha ông có hàng nghìn bài hát, có thể vận dụng được ở bất cứ tình huống nào nhưng cho đến nay, việc phục dựng và sưu tầm vẫn còn khá ít ỏi.
Niềm mong mỏi của các anh hai, chị hai Nhị Hà là lan tỏa hơn nữa niềm yêu thích Quan họ cổ, để cùng tìm hiểu, cùng gìn giữ, cùng chơi Quan họ./.