• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vẻ đẹp người chiến sĩ quân dân Việt Nam qua triển lãm "Từ Nhân dân mà ra"

Văn hoá 21/12/2019 08:21

(Tổ Quốc) - Bằng ngôn ngữ sáng tạo đặc biệt của nghệ thuật tạo hình, các họa sĩ – nghệ sĩ tài hoa đã ghi lại chân thực sống động cuộc sống, chiến đấu của Quân đội nhân dân ta cả trong thời chiến và hòa bình.

Vẻ đẹp người chiến sĩ quân dân Việt Nam qua triển lãm "Từ Nhân dân mà ra" - Ảnh 1.

Đề tài bộ đội cụ Hồ luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho người họa sĩ.

Cách đây 75 năm, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập. Đây là đội quân chủ lực đầu tiên, tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trải qua quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam đã đoàn kết, đồng lòng vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, lập những thành tích, chiến công hiển hách, xây dựng nên bề dày truyền thống vẻ vang. Đồng hành trên khắp các ngả đường chiến chinh gian khổ, các họa sĩ – nghệ sĩ là những chiến sĩ trên khắp các mặt trận, bằng ngôn ngữ sáng tạo đặc biệt của nghệ thuật tạo hình, họ đã ghi lại chân thực sống động cuộc sống, chiến đấu của Quân đội ta.

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2019), 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2019), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức chuyên đề "Từ Nhân dân mà ra".

Ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam nhấn mạnh: Triển lãm là dịp để công chúng hiểu thêm về truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ nền độc lập dân tộc, như lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Từ nhân dân mà ra, được nhân dân đùm bọc, chăm sóc, thương yêu, Quân đội ta đã làm tròn mọi nhiệm vụ nặng nề, vẻ vang mà Nhân dân giao phó". Triển lãm cũng là dịp giáo dục tuyền thống yêu nước, phẩm chất đạo đức cách mạng của "Bộ đội Cụ Hồ"… khơi dậy niềm tự hào của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa".

Tại triển lãm trưng bày gần 60 tác phẩm với nhiều thể loại như hội họa, đồ họa, điêu khắc và chất liệu khác nhau như sơn mài, sơn dầu, tranh lụa, màu nước, bột màu… sang tác về Quân đội nhân dân Việt Nam, hình ảnh người chiến sĩ Hải quân nhân dân, qua các tác phẩm Ra đảo của Nguyễn Văn Tỵ, Bảo quản tầu của Nguyễn Bằng Lâm…

Bên cạnh đó nhiều tác phẩm cũng đã khắc họa sinh động cuộc sống, chiến đấu của chiến sĩ các Quân chủng, qua tác phẩm Đơn vị lái xe tăng của Dương viên, Mở đường trên đỉnh Trường Sơn của Huy Oánh, Trận đại pháo của Quang Phòng, Tổ săn máy bay của Huỳnh Văn Thuận.

Nhiều tác phẩm đã miêu tả chân thực về những khó khăn, gian khổ của các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, như Thông đường của Hứa Tử Hoài, Chuyển đạn xuống đồng bằng của Trần Hoàng Sơn… Tình cảm quân dân gắn bó sâu sắc, đoàn kết một lòng là đề tài mà nhiều họa sĩ thể hiện thành công qua các tác phẩm Từ nhân dân mà ra của Quang Thọ, Đêm hậu cứ của Hoàng Tích Chù, Đón bộ đội về bản của Cao Trọng Thiềm, Tình quân dân của Trần Anh Tuấn….

Ngoài các tác phẩm khắc họa cuộc sống chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ của người lính, nhiều tác phẩm đã ghi lại những hình ảnh đầy cảm xúc, lãng mạn, những khoảng lặng của cuộc chiến, qua tác phẩm Tiếng đàn bầu của Sỹ Tốt; Những cô gái Trường Sơn của Vũ Giáng Hương, Đêm trăng qua vọng gác của Mai Long…

Vẻ đẹp người chiến sĩ quân dân Việt Nam qua triển lãm "Từ Nhân dân mà ra" - Ảnh 2.

Họa sĩ Nguyễn Bằng Lâm bên tác phẩm "Bảo quản tầu" của mình.

Trong số những tác phẩm được trưng bày tại triển lãm có bức "Bảo quản tầu" của họa sĩ Nguyễn Bằng Lâm. Chia sẻ với phóng viên báo Tổ quốc, họa sĩ Bằng Lâm cho biết: "Với hơn 40 năm mặc áo lính, đề tài người lính luôn đau đáu trong những sáng tác của tôi. Thể hiện đề tài này, tôi muốn để bạn mình, đồng đội mình, những người cùng chiến đấu với mình thấy được vẻ đẹp của người chiến sĩ. Trong chiến tranh cũng như hòa bình, người chiến sĩ luôn phải đối đầu với những sóng gió, phải hy sinh sức mình, cả tính mạng để chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc. Ở thời nào người chiến sĩ cũng vất vả và gian khổ, nhất là những chiến sĩ Hải quân...".

Bức tranh "Bảo quản tầu" của họa sĩ Nguyễn Bằng Lâm được ông sáng tác năm 1985 bằng bằng chất liệu Sơn dầu. Qua tác phẩm ông muốn khắc họa cuộc sống đời thường của chiến sĩ Hải quân vào các buổi sáng đều làm vệ sinh bom tàu, để đảm bảo vũ khí sẵn sàng chiến đấu. Tác phẩm này đã giành được Huy chương Đồng tại Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 1985.

Họa sĩ Bằng Lâm cũng khẳng định, việc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức Triển lãm "Từ Nhân dân mà ra" là niềm vinh hạnh, cũng là cơ hội cho các họa sĩ đã từng tham gia kháng chiến và các họa sĩ vẽ về đề tài chiến tranh cách mạng có cơ hội giới thiệu tác phẩm của mình đến công chúng và người yêu hội họa. Đồng thời, thông qua đó cũng là dịp để ôn lại lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Qua đó, giáo dục cho các chiến sĩ và nhân dân về tinh thần yêu nước nồng nàn, tinh thần bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đổi mới, xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa".

Vẻ đẹp người chiến sĩ quân dân Việt Nam qua triển lãm "Từ Nhân dân mà ra" - Ảnh 3.

Họa sĩ Giang Khích bên tác phẩm "Tuổi 20" của mình.

Cũng về đề tài người lính, tác phẩm "Tuổi 20" của họa sĩ Giang Khích, khắc họa chân dung người chiến sĩ với tuổi trẻ và sức chiến đấu mãnh liệt, với tư thế luôn sẵn sàng ra mặt trận để bảo vệ Tổ quốc. Về hoàn cảnh ra đời, tác giả cho biết: "Tác phẩm này của ông được sáng tác cách đây vừa tròn 40 năm. Khi đó, bộ đội Biên phòng trước đây là Công an Vũ trang vừa tròn 20 tuổi. Cộng với sự kiện biên giới Tây Nam, lúc đó Bộ đội biên phòng bị tổn thất rất lớn... đã thôi thúc ông sáng tạo nên tác phẩm".

Chia sẻ tại triển lãm, Họa sỹ Lương Xuân Đoàn – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam khẳng định: "Những trang sử hào hùng của người chiến sĩ bộ đội cụ Hồ, các đồng chí trong Lực lượng Vũ trang Nhân dân chính là nguồn cảm hứng vô tận cho người nghệ sĩ - họa sĩ sáng tạo trên từng tác phẩm. Triển lãm là dịp để chúng ta tưởng nhớ đến người họa sĩ, chiến sĩ đầu tiên ngã xuống trên chiến trường - đó là họa sĩ danh họa Tô Ngọc Vân. Từ đấy tiếp bước ông rất nhiều họa sĩ từ chống Pháp đến chống Mỹ đã có mặt trên khắp các chiến trường, những nơi gian khổ nhất, chấp nhận hy sinh cả tính mạng, bằng ngòi bút giàu cảm xúc, tài hoa lưu giữ lại những hình ảnh đẹp nhất của người chiến sĩ bộ đội cụ Hồ".

Triển lãm cũng là dịp để người dân và người yêu hội họa được nhìn lại những tác phẩm của các thế hệ họa sĩ từ các họa sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương đến thế hệ các họa sĩ chống Pháp và chống Mỹ, Họa sỹ Lương Xuân Đoàn nhấn mạnh.

Triển lãm sẽ diễn ra đến hết ngày 27/12/2019, tại Phòng Trưng bày chuyên đề, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.



Lan Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ