• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Về miền ký ức - Thắp lửa tri ân" - Chương trình đặc biệt kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ

Văn hoá 23/07/2020 09:13

(Tổ Quốc) - "Về miền ký ức - Thắp lửa tri ân" kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ; Sôi nổi chương trình "Sông Bạch Đằng – Lịch sử và dấu tích"; Đưa Trung tâm Văn hóa xứ Đông - biểu tượng của đất học vào hoạt động là những thông tin văn hóa nổi bật tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng.

"Về miền ký ức - Thắp lửa tri ân" - Chương trình đặc biệt kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ - Ảnh 1.

Kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2020)

Hà Nội: Nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2020), Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò thực hiện chương trình đặc biệt "Về miền ký ức - Thắp lửa tri ân" vào tối 27/7, tại Di tích Nhà Nhà tù Hỏa Lò.

10 câu chuyện tiêu biểu về cuộc sống lao tù khắc nghiệt, về tình yêu, tình mẫu tử, tình đồng chí… trong "chốn địa ngục trần gian" sẽ trở thành điểm nhấn của chương trình.

Đặc biệt, trong tuần lễ tri ân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, các đại biểu ngoài việc tham quan, trải nghiệm di tích về đêm còn được xem hoạt cảnh ngay tại khu xà lim tử hình về cuộc gặp mặt của hai mẹ con đồng chí Nguyễn Đức Cảnh.

Tại gốc cây bàng gần 100 năm tuổi, bằng hình thức sân khấu hóa, đại biểu như được gặp lại nhạc sĩ Đỗ Nhuận với câu chuyện làm nhạc cụ từ cành bàng trong những năm tháng bị giam cầm tại Nhà tù Hỏa Lò.

Trong ánh nến lung linh, mùi hương trầm phảng phất, du khách tham dự sẽ thể hiện lòng thành kính, tri ân trong không gian thiêng liêng tại Đài tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng hy sinh tại Nhà tù Hỏa Lò.

Sau khi kết thúc các hoạt động trong tuần lễ tri ân, Ban tổ chức sẽ duy trì chương trình tham quan và trải nghiệm vào 19 giờ các ngày thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ Nhật hằng tuần.

Hải Dương: Công trình Trung tâm Văn hóa xứ Đông được kết hợp giữa phần chân đế, phần thân và mái mô phỏng hình chiếc mũ trạng nguyên, biểu tượng của đất học Hải Dương sẽ đi vào hoạt động trong thời gian tới.

Tòa nhà trung tâm được ốp đá tự nhiên kết hợp những mảng kính lớn mang kiến trúc hiện đại, nhưng vẫn toát lên nét đặc trưng của văn hóa xứ Đông. Tòa nhà trung tâm nối liền với quảng trường rộng, thuận tiện cho tổ chức các sự kiện lớn.

Sau hơn 400 ngày thi công liên tục, đến nay, công trình đã hoàn thành sẵn sàng phục vụ Kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh khóa XVI diễn ra vào ngày 24 và 25/7 - sự kiện đầu tiên được tổ chức tại đây.

Công trình Trung tâm Văn hóa xứ Đông có tổng vốn đầu tư trên 648 tỷ đồng, diện tích xây dựng hơn 4.500 m2, quy mô gồm 4 tầng và 1 tầng hầm, 1 tầng áp mái. Công trình gồm trung tâm hội nghị và quảng trường có sức chứa 19.000 người.

Hải Phòng: Ngày 22/7, Bảo tàng Hải Phòng phối hợp Trường THCS Chu Văn An tổ chức chương trình giao lưu, trải nghiệm Câu lạc bộ "Em yêu lịch sử" với chủ đề "Sông Bạch Đằng - Lịch sử và dấu tích" dành cho học sinh bậc trung học cơ sở dịp hè 2020.

Tại chương trình này, Bảo tàng Hải Phòng trưng bày ảnh chuyên đề "Di tích bãi cọc Cao Quỳ, Đầm Thượng trong thế trận Bạch Đằng năm 1288". Chuyên đề trưng bày giới thiệu hình ảnh về các địa danh, những di tích nơi thờ các vị tướng trực tiếp chỉ huy và tham gia trong 3 trận quyết chiến trên sông Bạch Đằng. 

Đặc biệt, chuyên đề giới thiệu quá trình phát hiện, khai quật bãi cọc Cao Qùy, xã Liên Khê và Đầm Thượng, xã Lại Xuân (huyện Thủy Nguyên) giúp các em học sinh hiểu biết sâu sắc hơn về những chiến công vĩ đại của cha ông ta trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử cũng như vai trò, tầm quan trọng của bãi cọc Cao Quỳ, Đầm Thượng trong thế trận Bạch Đằng 1288.

Bên cạnh đó, Bảo tàng Hải Phòng phối hợp Trường THCS Chu Văn An (quận Ngô Quyền) tổ chức chương trình Câu lạc bộ "Em yêu lịch sử" với nhiều nội dung đa dạng và phong phú như: Thi tìm hiểu về ba lần chiến thắng giặc ngoại xâm trên sông Bạch Đằng và các cuộc thi trải nghiệm: Truyền tin đồng đội; thi bắt cá; thi đua thuyền trên cạn và trải nghiệm bữa cơm với các món ăn như cá nước, cơm mắm…. được mô phỏng từ bữa cơm quá lộ mà nhân dân tổng Trúc Động xưa, nay là các xã Lưu Kiếm, Lưu Kỳ, Liên Khê (huyện Thủy Nguyên) chuẩn bị mời quân, tướng nhà Trần sau chiến trận thắng lợi trở về.

Chương trình, thu hút đông đảo học sinh Trường THCS Chu Văn An sôi nổi tham gia. Từ đó, các em học sinh có nhiều cơ hội tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, truyền thống chống giặc ngoại xâm của nhân dân Hải Phòng./.

Lan Phạm (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ