• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Công bố kết quả cuộc thi thiết kế mẫu cột mốc Km 0

Văn hoá 21/07/2020 08:23

(Tổ Quốc) - Công bố kết quả cuộc thi thiết kế mẫu cột mốc Km 0; Diễn vở mới mang tên "Huyền tích đền Lảnh Giang"; Truyền dạy ca trù cho 60 học viên là những thông tin văn hóa nổi bật tại các tỉnh Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên.

Công bố kết quả cuộc thi thiết kế mẫu cột mốc Km 0 - Ảnh 1.

Phối cảnh không gian của phương án thiết kế biểu tượng “Cổng ánh sáng” đạt giải cuộc thi. Ảnh: Báo Nhân dân.

Hà Nội: Ngày 20/7, UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp Hội Kiến trúc sư Việt Nam công bố kết quả cuộc thi thiết kế mẫu cột mốc Km 0.

Cuộc thi thiết kế cột mốc Km 0 thuộc Dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, chỉnh trang khu vực chung quanh hồ Hoàn Kiếm nhằm tìm kiếm giải pháp thiết kế tốt nhất để xây dựng cột mốc Km 0, tạo điểm nhấn cho không gian khu vực hồ Hoàn Kiếm, tăng sự trải nghiệm cho khách tham quan.

Cuộc thi được UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp Hội Kiến trúc sư Việt Nam phát động từ ngày 3/6. Yêu cầu của thiết kế là phải thể hiện được truyền thống văn hóa Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến, mang ý nghĩa của thời đại và không gây xung đột với không gian chung quanh.

Ban Tổ chức đã có hơn 100 bài dự thi của các kiến trúc sư, họa sĩ, nhà thiết kế, nhà điêu khắc, các đơn vị tư vấn, sinh viên chuyên ngành kiến trúc, mỹ thuật... tham gia.

Hội đồng giám khảo đã chấm và công bố năm giải của cuộc thi, gồm một giải nhất, 01 giải Nhì, 01 giải Ba và 02 giải Khuyến khích. Trong đó, thiết kế đoạt giải nhất của nhóm tác giả Phạm Trung Hiếu, Phạm Thái Bình, Vũ Bình Minh, Phạm Huy Đông, Nguyễn Đăng Hải (Hà Nội). Thiết kế này mang tên "Cổng ánh sáng", đặt ở vị trí sân trước Tượng đài Lý Thái Tổ.

Nhóm tác giả này thiết kế biểu tượng Km 0 là một mặt phẳng, có ngôn ngữ tạo hình hiện đại, tối giản, nhưng tinh tế. Điểm nhấn của thiết kế là sử dụng công nghệ 3D hologram - công nghệ tạo hình ảnh nổi ba chiều bằng ánh sáng để tạo nên một "cổng" bằng ánh sáng ảo trong khu vực. Tùy thuộc vào các thời điểm hay sự kiện khác nhau, có thể điều chỉnh hình ảnh sao cho phù hợp.

Ngoài ra, các giải thưởng khác đều tạo những dấu ấn riêng về mỹ thuật như giải nhì thuộc của tác giả Nguyễn Hoàng Huy (Đà Nẵng) với thiết kế đặt tại khu vực ngã tư phố Đinh Tiên Hoàng - Hàng Khay (vị trí đang đặt đồng hồ hoa Thụy Sĩ). Giải ba của tác giả Đoàn Thanh Hà (Hà Nội), thiết kế đột phá ở mặt nước hồ Hoàn Kiếm.

Từ các thiết kế này, Ban tổ chức sẽ hoàn thiện phương án thiết kế cho cột mốc Km 0 và thi công trong năm 2020.

Hà Nam: Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh vừa tổ chức biểu diễn duyệt vở mới năm 2020. Vở diễn mang tên "Huyền tích đền Lảnh Giang", kịch bản nghệ sĩ Lê Thế Song, đạo diễn NSND Tự Long.

Vở diễn tái hiện sự ra đời của ba vị thủy thần thời Hùng Duệ Vương. Khi sinh ra họ mang lốt Hoàng Xà, chia nhau về các trang ấp khắp vùng để giúp đỡ muôn dân. Người anh cả Phạm Vĩnh ở lại trang Hoa Giám, ban ngày ẩn mình trong động đá giáp sông, ban đêm hiện nguyên hình là một tráng sỹ. Chàng giúp đỡ dân trang Hoa Giám trồng tre chắn sóng, đắp những bờ đất cao để ngăn lũ chống lụt. Dân chúng dần phát hiện ra sự hiện hữu của Phạm Vĩnh một lần bất ngờ xé lốt rắn, cầu mong Phạm Vĩnh ở lại chung sống cùng dân trang.

Năm đó, giặc phương Bắc tràn sang, chúng giết người đoạt thành, gây bao điều tàn ác. Phạm Vĩnh cho mời hai người em trở về trang Hoa Giám, cùng chiêu nạp quân sỹ, rèn giáo luyện binh, quyết báo đền non sông, dẹp yên giặc dữ. Thị Mây, người con gái thầm thương trộm nhớ Phạm Vĩnh cầu xin được cùng quân binh lên đường giết giặc. Nàng Mây lập mưu chuốc rượu say quân địch nhưng bất thành bị chúng treo ngược lên cổng thành.

Bằng thân pháp của danh thần, với lòng quả cảm và mưu trí hơn người, Phạm Vĩnh cùng hai người em và quân sĩ đã phá tan đạo quân thủy bộ của giặc, giành chiến thắng khải hoàn. Trở về trang Hoa Giám, tướng quân Phạm Vĩnh dùng ngọc Lưu Ly bản mệnh của mình để cứu cho nàng Mây sống lại. Nhưng chàng mất hết sinh lực và được vua cha Thủy Quốc Động Đình cho đòi trở lại Thủy cung.

Danh tướng Phạm Vĩnh hóa thân, trở thành một vị danh thần trong tâm thức của muôn dân. Với niềm kính vọng và sự tôn vinh ngài nhân dân đã xướng danh ngài là Thái tử Đệ Tam bốn mùa hương khói thờ phụng tại đền Lảnh Giang ngay tại trang Hoa Giám nay là xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên.

Vở mới được cho là có diễn xuất nhuần nhuyễn, đáp ứng yêu cầu mục đích tôn vinh giá trị văn hóa lịch sử, điểm đến du lịch tâm linh đền Lảnh Giang. Vở diễn hấp dẫn bởi vẻ dung dị, tổng thể hài hòa trên nền âm nhạc tốt.

Được biết, vào tối ngày 21/7 tới, đúng ngày khai hội đền Lảnh Giang, vở chèo "Huyền tích đền Lảnh Giang" sẽ được công diễn tại đền phục vụ nhân dân và du khách thập phương về dự lễ hội.

Hưng Yên: Ngày 20/7, tại xã Trung Nghĩa (thành phố Hưng Yên), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Bế giảng lớp truyền dạy ca trù năm 2020.

Tham gia lớp truyền dạy ca trù có 60 học viên là hạt nhân văn hóa cơ sở, học sinh, đoàn viên, thanh niên ở các xã, phường, thị trấn của huyện Tiên Lữ và thành phố Hưng Yên.

Trong thời gian 10 ngày (10 – 20/7), hai nghệ nhân ưu tú là Bùi Xuân Thể và Đỗ Thị Thanh Nhàn (CLB ca trù Đào Đặng) đã truyền dạy cho các học viên những kỹ năng cơ bản của nghệ thuật hát ca trù như: Cách gõ phách, lấy nhịp, một số thể cách đơn giản của hát ca trù...

Lớp truyền dạy nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể hát Ca trù và hát Trống quân giai đoạn 2014 – 2020 của tỉnh; đồng thời tôn vinh giá trị ca trù, góp phần bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại trong cộng đồng.

Lan Phạm (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ