(Tổ Quốc) – Lý giải về điều này, đạo diễn Phạm Đông Hồng – người có 23 năm kinh nghiệm làm hài Tết cho biết, một năm chỉ có một dịp để làm hài Tết và nỗi khổ của người kinh doanh là không dám mạo hiểm.
Đạo diễn Phạm Đông Hồng là một trong số những đạo diễn đã tạo được thương hiệu riêng của mình khi khác thác hài ‘dân gian’. Năm nay, ngoài bộ phim ‘Chôn nhời’, ạnh tiếp tục trung thành với lối “mượn tích xưa kể chuyện nay” qua bộ phim ‘Họ Lý, tên Thông’. Với bộ phim này, khán giả sẽ được gặp lại NSND Quốc Chiêm – một gương mặt quen thuộc của sân khấu chèo đã lâu không tham gia phim hài Tết. Ngoài ra, phim hài này còn có sự góp mặt của dàn diễn viên gạo cội như: NSND Tiến Đạt, NSND Trung Hiếu, Thanh Tú, MC Thành Trung, Quỳnh Kool…
Hình ảnh của NSND Trung Hiếu trong phim 'Họ Lý, tên Thông' |
Bộ phim với độ dài 120 phút. Đây cũng là bộ phim hài Tết của một công ty tư nhân quay 4K – công nghệ mới nhất hiện nay.
Chia sẻ về lý do mà năm nay anh tiếp tục làm hài Tết theo kiểu lấy tích xưa kể chuyện nay mà không tiếp tục làm hài hiện đại, đạo diễn Phạm Đông Hồng cho hay: “Làm hài dân gian là thương hiệu của tôi nhiều năm qua. Năm ngoái, có một phim hài hiện đại là vì vào dịp Noel có người gửi cho tôi kịch bản nói về một cô hotgirl sống ảo, suốt ngày lên mạng xã hội, khoe vòng này vòng kia, nói chuyện đạo lý rỗng… bắt được chuyện đó tôi mới thử làm một phim hài hiện đại để đưa cho khán giả xem vào dịp giáng sinh và tết tây. Cái đó chỉ mang tính thăm dò thị trường chứ bản chất của tôi từ xưa đến nay (23 năm) toàn làm phim hài dân gian. Năm nay, tôi tiếp tục làm phim dân gian là “Chôn nhời 5” và “Họ Lý, tên Thông”. Ngày xưa tôi hay dựa vào chuyện dân gian Việt Nam như: chuyện sợ vợ, chuyện thầy rởm, chuyện thạch sùng… để làm phim nhưng nếu cứ dựa vào đó sẽ hết vốn. Độ 5 năm trở lại đây, tôi chỉ dựa vào tích đó để dựng thành một câu chuyện mới theo kiểu của mình. Cách thể hiện là dân gian nhưng vấn đề là của đương thời.
Đạo diễn Phạm Đông Hồng (mũ đen) bên cạnh ekip phim 'Chôn nhời' |
“Năm nay tôi làm phim “Họ Lý, tên Thông”, lúc đầu mới nghe mọi người nghĩ tôi dựng lại truyện “Thạch Sanh” nhưng kỳ thực không phải. Trong phim này, có hai nhân vật tên là Lý Thông và Thạch Sanh. Câu chuyện của phim này có tính triết lý cao và tôi cho rằng đề tài này chưa ai làm. Lý Thông trong truyện cổ tích ai cũng cho là đại diện cho cái xấu, cái ác… nhưng trong phim anh ta không phải người ác ngay từ đầu. Lý Thông chỉ mang hình hài xấu, mặt mũi rơi vào một số điều phạm của tướng học thôi chứ 1/3 phim anh ta vẫn là người tốt. Lý Thông chính là người cứu Thạch Sanh rồi mời Thạch Sanh về ở cùng. Trong quá trình ở cùng Thạch Sanh, Lý Thông chuyên môn giúp người. Một hôm đi chợ, gặp người bị nạn, Lý Thông ra tay giúp nhưng người nhà đến không hiểu lại tưởng anh ta đánh người cướp của nên anh ta bị đánh. Có lần anh ta nấu cháo từ thiện phát chẩn cho dân nghèo liền bị bọn nhà giàu ra đánh vì cho là “tinh tướng”. Nghĩa là anh ta liên tục bị dồn vào chân tường mặc dù anh ấy không làm gì xấu. Cuối cùng anh ấy nói một câu: “Cả đời mình làm người tốt nhưng không được ai công nhận, từ nay mình không làm người tốt nữa”. Từ đó, anh ta mới biến chất. Từ một con người hiền lành, tốt bụng, hay giúp người thành một người gian manh, ác độc. Việc đầu tiên anh ta làm khi thành người ác là đốt chợ. Mưu tính của anh ta là sau khi đốt chợ sẽ đứng ra xây chợ để thu tiền phí. Trước đó, khi vua vi hành thì gặp cảnh Lý Thông nấu cháo phát chẩn cho dân nên vua đã ban cho anh ta bốn chữ vàng. Ngày xưa ai được vua ban bốn chữ vàng là có thể được miễn tội chết. Anh ta được thế vin vào đó để làm nhiều điều ác hơn”.
Diễn viên Quỳnh Kool là một diễn viên trẻ trong bộ phim 'Họ Lý, tên Thông' |
“Điều tồi tệ là anh ta làm điều ác với chính cả người em kết nghĩa của mình. Đầu tiên anh ta cướp người yêu của Thạch Sanh rồi giả vờ tàn tật để trốn lính. Đến đỉnh điểm, không ai xử được, các quan liền bẩm báo triều đình, chính vua về thu lại bốn chữ vàng này. Hết phim tôi mới cho đoạn lí giải vì sao anh Lý Thông làm những việc như vậy. Đoạn này có tính triết lý rất cao. Điều tôi muốn nói là câu chuyện dựa trên tích xưa nhưng lại được khai thác ở khía cạnh mới. Đó là con người ai khi mới đẻ ra cũng lương thiện như nhau nhưng bị xã hội đùn đẩy như thế nào đó họ mới biến chất”, đạo diễn Phạm Đông Hồng nói thêm.
Trước sự thắc mắc việc diễn viên trẻ có rất nhiều, nhưng riêng phim của anh vẫn luôn mời dàn diễn viên cũ tham gia đóng hài dân gian, đạo diễn Phạm Đông Hồng cho hay: “Diễn viên trẻ đóng hài ở miền Bắc cũng có, nhưng để đóng ra “chất hài” đáp ứng được phim hài dân gian thì cũng khó. Gần đây, có một số diễn viên như: Minh tít, Trung ruồi, Duy Nam... cũng tham gia diễn hài. Thật ra, những bạn đó đóng sitcom cho tôi đều được, nhưng vào phim hài cổ trang thì nói chung còn non, vì họ chưa có nhiều chất liệu sống. Như mới đầu, tôi chọn nhân vật Lý Thông – một người có đa tính cách, chọn mãi mới chọn được NSND Trung Hiếu. Tiếp đó là nhân vật Thạch Sanh – một người có hình thể cao to thì chọn được Thành Trung. Hiện tại tôi cũng đang mở một lớp diễn viên trẻ, các em thường hỏi tôi: Bao giờ chúng cháu được đóng phim của chú? Tôi mới bảo: Các cháu muốn nghe nói thật hay nói dối. Tôi bảo các em: Phải 10 năm nữa, mới có thể đóng được phim của Phạm Đông Hồng.
“Tôi không “thù ghét” gì lớp trẻ, nhưng chúng tôi có nỗi khổ của người làm kinh doanh. Một năm có vài bộ phim hài vào dịp tết, mà lại đứng ra “thử” thì không có cơ hội làm lại. Vì vậy, làm cái gì cũng phải chắc chắn”, đạo diễn Phạm Đông Hồng giãi bày.