• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vì sao một số lễ hội tồn tại “cổ tục” phản cảm?

Văn hoá 13/02/2017 08:32

(Tổ Quốc) -Trong những ngày đầu xuân đã có rất nhiều lễ hội diễn ra trên cả nước. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã liên tục theo sát và có những điều chỉnh kịp thời và nhiều lễ hội diễn ra an toàn, vui tuơi, lành mạnh. Tuy vậy, vẫn còn một số những hình ảnh phản cảm xảy ra. Điều này đặt ra yêu cầu cần xử lý rốt ráo hơn nữa vấn đề này trong thời gian tới.

Lý giải một trong những nguyên nhân lễ hội tồn tại những “cổ tục” lạc hậu, không còn phù hợp, khó chấp nhận trong bối cảnh hiện nay, Nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam) cho biết: sau năm 1954, chúng ta đã cắt bỏ gần như hết tất cả các lễ hội. Và gần như hội hè đã biến mất trong đời sống người dân Việt hàng chục năm. Nhưng từ năm 1990, các nhà nghiên cứu văn hóa bắt đầu đi sưu tầm, tổ chức, phục dựng theo một xu hướng về nguồn. Trong quá trình đó, chúng ta chủ trương càng tái hiện nguyên vẹn càng tốt. Và các “cổ tục” trong lễ hội đã được phục dựng quá đà, tràn lan, không có lựa chọn.

Sự “đứt gãy gián đoạn” của các lễ hội trong một khoảng thời gian có lẽ cũng là một trong nhiều nguyên nhân khiến cho người dân chưa hiểu đúng về bản chất của lễ hội. Cộng với bối cảnh xã hội con người sống hiện nay không thể giống so với bối cảnh ra đời của lễ hội. Cũng tương tự như vậy, có những cổ tục tại lễ hội mang tính văn hóa, có ý nghĩa tốt đẹp thì cần gìn giữ, bảo tồn. Nhưng có những “cổ tục” dù chỉ là tái hiện lại nhưng không còn phù hợp và không thể chấp nhận được trong bối cảnh hôm nay. Chẳng hạn “hành vi đả thương, giết con vật đều là cổ tục nguyên bản. Thậm chí theo quan niệm cũ, hành vi “đả thương” sẽ mang lại tính chất thiêng liêng cho lễ hội. Và ở thời xưa, người ta xem đó là chuyện bình thường còn trong xã hội văn minh và hiện đại ngày nay, việc đâm, chém, giết con vật đã không còn phù hợp”- nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền đưa ra ví dụ.

Ảnh minh họa. nguồn internet.

Cùng với đó, sự thăng trầm của lịch sử, xã hội đã khiến con người thay đổi. Ý thức, hiểu biết… của người tham gia lễ hội tuy có nhiều biến chuyển tích cực nhưng vẫn còn một số ít tồn tại làm méo mó lễ hội. Tranh giành, cướp giật, buôn thần bán thánh, mê tín dị đoan, đặt niềm tin mù quáng, thiếu căn cứ đã khiến nhiều người có những hành xử trái với giáo lý nhà Phật. Lối sống thực dụng đã len lỏi, phô bày tận chốn linh thiêng.

Một lý do nữa cũng được nhiều nhà tâm lý chỉ ra khi những cổ tục phản cảm được dung dưỡng, phát triển là trong các lễ hội còn tồn tại tâm lý đám đông. Tâm lý đám đông hiểu một cách ngắn gọn và dễ hiểu là một hiện tượng mà trong đó cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ, lời nói, thái độ, hành vi của một cá nhân bị tác động rất lớn bởi nhiều người khác đến mức cá nhân có thể “đánh mất chính mình” và không hiểu chính mình.  Mức độ hành vi của người bị chi phối bởi tâm lý đám đông thường tăng lên chóng mặt ở cả hai khía cạnh tốt và xấu, nếu đang tốt sẽ tốt thêm và xấu thì càng xấu thêm.

Bên cạnh đó “lợi ích kinh tế” mang lại từ những lễ hội tại các địa phương đã khiến quy mô lễ hội luôn được mở rộng, những cổ tục phản cảm chưa được khắc phục nhằm tạo ra sự khác biệt. “độc đáo” so với lễ hội khác, thậm chí còn thổi phồng lên những “huyền tích” làm “thiêng hóa”, đánh đúng tâm lý tò mò, thực dụng… của du khách bốn phương tham gia lễ hội.

Lễ hội là một sự kiện văn hóa mang tính cộng đồng vì vậy quy tụ rất đông đảo người dân tham gia. Trong khi đó những quy định nghiêm ngặt mang tính bắt buộc của người tham gia lễ hội chưa được đặt ra ráo riết. Các hình thức xử “phạt” người tham gia lễ hội cũng chưa được đề cập đến.

Quan sát một lễ hội cần phải có độ lùi (thời gian và không gian) nhất định mới có thể nhìn thấy những cái hay – dở, tốt và chưa tốt. Do vậy, vấn đề đặt ra tại các lễ hội là có nên duy trì những cổ tục lạc hậu, phản cảm hay không? Hay nhất định phải điều chỉnh, thay đổi, thậm chí xóa bỏ?..

Đề cập đến việc tồn tại cổ tục được phục dựng quá đà ở một số lễ hội, nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền đã rất thẳng thắn và không ngần ngại chia sẻ việc “cảm thấy có lỗi khi chứng kiến cảnh nhiều người rơi vào tình trạng mê tín dị đoan”.

Nhị Xuân

NỔI BẬT TRANG CHỦ