(Tổ Quốc) - Sáng 21/5, tại trụ sở Bộ VHTTDL, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn Đại sứ quán Australia tại Việt Nam do bà Stephanie Copus Campbell - Đại sứ Australia về Bình đẳng giới làm trưởng đoàn.
- 18.05.2024 Ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình
- 16.04.2024 Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình 2024: Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương
- 20.03.2024 Trao đổi, lấy ý kiến hoàn thiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
- 20.03.2024 Hoàn thiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình
Bày tỏ vui mừng và dành lời cảm ơn sâu sắc khi bà Stephanie Copus Campbell - Đại sứ Australia về Bình đẳng giới cùng đoàn công tác đến thăm và làm việc với Bộ VHTTDL, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, bạo lực gia đình là vấn nạn toàn cầu. Bạo lực gia đình là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền con người, làm gia tăng bất bình đẳng giới. Tại Việt Nam, bạo lực gia đình chiếm phần lớn trong số các vụ bạo lực giới hay nói cách khác phần lớn các vụ bạo lực giới là bạo lực gia đình. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình nhưng nguyên nhân chính và sâu xa do bất bình đẳng giới, còn bất bình đẳng giới lại có nguyên nhân từ yếu tố văn hóa. Vì vậy, giải quyết vấn đề bạo lực gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình phải cương quyết loại trừ các quan niệm lạc hậu, các hành vi phi văn hóa, xây dựng hệ giá trị văn hóa gia đình tiến bộ, văn minh.
Thứ trưởng mong muốn, tại buổi làm việc, hai bên sẽ cùng nhau chia sẻ, thảo luận để có thể có những chương trình hành động chung để cùng nhau xây dựng một xã hội bình đẳng mà trước hết là bình đẳng từ gia đình, xây dựng xã hội hạnh phúc mà trước hết là hạnh phúc ngay từ gia đình.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy chia sẻ, Việt Nam và Australia đã có bề dày trong quan hệ hợp tác về lĩnh vực gia đình. Australia đã hỗ trợ Bộ VHTTDL rất nhiều hoạt động quan trọng. Trong đó nổi bật nhất là hỗ trợ thực hiện Điều tra về gia đình Việt Nam (năm 2006) đây là cuộc điều tra đầu tiên và đến nay vẫn chưa có cuộc điều tra thứ 2; đồng chủ trì Diễn đàn cấp Bộ trưởng các nước Châu Á, Thái Bình Dương về gia đình (năm 2006) tại Hà Nội; thông qua UNFPA hỗ trợ Việt Nam để xây dựng dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
"Australia đã hỗ trợ Đoàn công tác đi học tập kinh nghiệm về phòng, chống bạo lực gia đình tại Australia. Những kinh nghiệm qua chuyến công tác trên đặc biệt về biện pháp thực hiện công việc phục vụ cộng đồng, các mô hình, trung tâm về phòng, chống bạo lực gia đình. Những kinh nghiệm này đã được học tập, tiếp thu vào quá trình xây dựng Luật. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được đánh giá là Luật có nhiều điểm tích cực, tiến bộ, tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị bạo lực gia đình là trung tâm"- Thứ trưởng chia sẻ.
Thứ trưởng cũng cho biết, thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình, xây dựng hệ giá trị văn hóa trong gia đình để hướng đến ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng bạo lực gia đình là nhiệm vụ không thể thực hiện trong thời gian ngắn. Đây là nhiệm vụ cần có lộ trình và kế hoạch dài hơi thì mới có thể thay đổi được định kiến giới mang yếu tố văn hóa.
Vì vậy, Thứ trưởng mong muốn được tiếp tục hợp tác cùng với các cơ quan của Chính phủ Australia, cũng như Đại sứ quán Australia tại Việt Nam để thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình có kế hoạch dài hơi hơn.
Bày tỏ cảm ơn Lãnh đạo Bộ VHTTDL đã đón tiếp đoàn, bà Stephanie Copus Campbell chia sẻ, mối quan hệ Việt Nam và Australia là mối quan hệ đối tác chiến lược quan trọng. Trong quá trình hợp tác với Việt Nam về lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình, thực hiện bình đẳng giới, phía Australia cũng học tập được nhiều kinh nghiệm quý báu.
Theo bà Stephanie Copus Campbell, 32% các trường hợp nhập viện ở Australia là vì bạo lực gia đình và nhiều trường hợp trong đó tử vong. Vì vậy, cần nhiều cơ chế, chính sách pháp luật quan trọng và công tác triển khai hiệu quả để phòng chống tình trạng này. Kinh nghiệm của Australia là luôn lắng nghe và thấu hiểu những trải nghiệm của nạn nhân.
"Phải phòng ngừa mạnh mẽ và ứng phó mạnh mẽ với vấn đề bạo lực gia đình. Có những hoạt động giúp đỡ những người bị bạo lực gia đình. Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực này và chúng tôi học hỏi được rất nhiều từ các bạn. Tôi đã tham quan Ngôi nhà bình yên ở Việt Nam tại các địa phương. Việt Nam đảm bảo nguồn lực để phụ nữ có thể chủ động về tài chính, từ đó thoát khỏi tình trạng bạo lực gia đình, hòa nhập cộng đồng. Đây là kinh nghiệm quý báu mà tôi học được từ Việt Nam"- bà Stephanie Copus Campbell khẳng định.
Chia sẻ kinh nghiệm của Australia, bà Stephanie Copus Campbell cho biết, nước bạn tăng cường truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình, đồng thời đẩy mạnh việc giáo dục, đặc biệt là giáo dục trẻ em trai về một xã hội không bạo lực.
Bà Stephanie Copus Campbell cho biết, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ban, ngành và các lực lượng chức năng như công an, y tế ở cơ sở thì công tác phòng, chống bạo lực gia đình mới đạt hiệu quả thiết thực.
Bà Stephanie Copus Campbell cũng bày tỏ tin tưởng trong thời gian tới, với sự hợp tác chặt chẽ, toàn diện giữa Việt Nam và Australia, việc hợp tác trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình, thực hiện bình đẳng giới sẽ đạt hiệu quả, góp phần ngăn chặn tình trạng bạo lực, bất bình đẳng giới./.