(Tổ Quốc) - Sáng 20/3, tại trụ sở Bộ VHTTDL, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đã chủ trì cuộc họp trao đổi, lấy ý kiến một số Bộ, ngành liên quan về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
- 01.12.2023 Tuyên truyền rộng rãi về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) để nâng cao nhận thức người dân
- 07.11.2023 Ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình
- 15.08.2023 Gần 160 nghìn lượt tham dự "Tìm hiểu kiến thức Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022"
- 10.07.2023 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 (sửa đổi) được thi hành sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực
Tham dự cuộc họp có đại diện Bộ Công an, Bộ Thông tin &Truyền thông; Bộ Nội vụ; Hội LHPN Việt Nam; Vụ Gia đình, Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL).
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội thông qua ngày 14 tháng 11 năm 2022 tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Để triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình kịp thời, hiệu quả đòi hỏi phải thực hiện nhiều công việc có liên quan như xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật; tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật các nội dung của Luật tới các cơ quan tổ chức, đơn vị; xây dựng tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn triển khai thực hiện các quy định của Luật.
"Đây là những công việc thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, quá trình thực hiện cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Do vậy, để đảm bảo việc triển khai thi hành Luật kịp thời, thống nhất, hiệu quả, cần phải xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm chủ trì, trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật.
Việc ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là cần thiết để xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị"- Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết.
Bởi vậy, tại cuộc họp, Thứ trưởng mong muốn đại diện các bộ, ngành liên quan rà soát lại dự thảo Kế hoạch, đồng thời, căn cứ trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của bộ, ngành có những ý kiến đóng góp sao cho Kế hoạch được sát với thực tiễn.
Báo cáo tại cuộc họp, theo Vụ Gia đình, sau khi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội thông qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Ngày 21 tháng 8 năm 2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 3496/BVHTTDL-GĐ về việc góp ý dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình gửi các bộ, ngành có liên quan. Tính đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhận được ý kiến của 10 cơ quan, trong đó có 04 cơ quan nhất trí hoàn toàn với dự thảo Kế hoạch, 06 cơ quan nhất trí việc ban hành Kế hoạch và có ý kiến góp ý, bổ sung.
Qua tổng hợp ý kiến cho thấy, các bộ, ngành cơ bản nhất trí với nội dung của dự thảo Kế hoạch triển khai thi hành Luật. Trên cơ sở ý kiến góp ý, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Quyết định trình Thủ tướng Chính phủ.
Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành đánh giá cao việc xây dựng dự thảo Kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Trên cơ sở thực tiễn của các bộ, ngành, các đại biểu đã đóng góp ý kiến cụ thể trong phân công nhiệm vụ, thay đổi từ ngữ cho phù hợp hơn.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy yêu cầu cơ quan thường trực xây dựng dự thảo Kế hoạch tiếp thu các ý kiến, chỉnh sửa, hoàn thiện Kế hoạch để trình Chính phủ ban hành trong năm nay./.