(Tổ Quốc) -Nguyên tắc giáo dục mới của Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với các nước Bắc Âu. Do vậy, việc áp dụng phương pháp giảng dạy là điều hoàn toàn có thể.
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nha đã có chuyến thăm ba nước Bắc Âu để tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực giáo dục. Trong khuôn khổ chuyến thăm này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có buổi làm việc với một số hiệu trưởng các trường trung học và đại học của ba nước Phần Lan, Thuỵ Điển và Đan Mạch.
Trong buổi làm việc này, các trường Việt Nam và Phần Lan đã có 18 văn bản cam kết được ký kết tập trung vào các lĩnh vực đào tạo giáo viên, đóng góp tài liệu học tập và công nghệ giảng dạy trực tuyến, thành lập các trường học có vốn đầu tư Phần Lan tại Việt Nam. Ngoài ra, 17 văn bản đã được kí kết với với Đan Mạch về vấn đề hợp tác trong lĩnh vực giáo dục y tế, địa chất, nghiên cứu cũng như triển khai công nghệ thông tin trong giáo dục.
Nguyên tắc giáo dục mới của Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với các nước Bắc Âu. Do vậy, việc áp dụng phương pháp giảng dạy là điều hoàn toàn có thể (Ảnh: Tuổi trẻ) |
Trong cuộc họp của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ với Bộ trưởng Hợp tác Phát triển Đan Mạch Ulla Tørnæs, hai bên đã trao đổi cũng như thảo luận sâu sắc về giáo dục STEM nhằm mục đích giáo dục học sinh trong bốn lĩnh vực cụ thể - khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học - tiếp cận đa lĩnh vực.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo dục chính quy ở ba quốc gia Bắc Âu có nhiều điểm chung với triết lý giáo dục mới của Việt Nam trong bản dự thảo gần đây về cải cách toàn diện về giáo dục phổ thông.
Cải cách sắp tới vào năm 2019 sẽ cho phép giáo viên và sinh viên quyền tự do và tự chủ hơn, đồng thời tập trung vào các hoạt động thử nghiệm và sáng tạo ở trường và đánh giá sinh viên trong suốt quá trình học tập cũng như kết quả cuối cùng.
Theo ông Nguyễn Đức Hữu, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, phương pháp đánh giá sinh viên mới dự kiến sẽ tương tự như các trường học ở Phần Lan.
Trả lời trên tờ Tuổi trẻ, ông Nguyễn Đức Hữu cho biết: “Điều đó giúp chúng tôi tin rằng quy trình cải cách đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thách thức đặt ra và cần phải điều chỉnh so với phương pháp nước ngoài để phù hợp với điều kiện của Việt Nam”.
Đánh giá về kết quả đạt được trong chuyến công tác, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế Nguyễn Xuân Vang cho biết, chuyến thăm của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã mở ra cơ hội cho các trường học Việt Nam học hỏi chương trình giảng dạy từ hệ thống giáo dục phát triển của các nước Bắc Âu. Tuy nhiên, cũng theo ông Vang, các trường cần phải hiểu rõ về những chương trình này trên cơ sở nắm được những điểm tương đồng và khác biệt giữa Việt Nam và các nước Châu Âu.
Về phần mình, với cương vị là một hiệu trưởng, trả lời trên tờ Tuổi trẻ, bà Lâm Hồng Lam Thuý, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Điểm khác biệt quan trọng là nhân tố con người. Để đưa vào giảng dạy thành công các phương pháp hiện đại, trước tiên chúng ta phải nâng cao chuyên môn của giáo viên và những nhà quản lí giáo dục.”
Theo bà Thuý, giáo viên ở Phần Lan được tự do quyết định phong cách giảng dạy và kế hoạch bài học, mà không bị giám sát và kiểm tra liên tục. Dạy học cũng là một nghề có thu nhập cao ở Phần Lan so với Việt Nam, điều này đã giúp giáo viên không phải lo lắng vấn đề tài chính mà thay vào đó là tập trung vào việc giảng dạy tốt nhất cho học sinh, sinh viên”.
Kim Chi