(Tổ Quốc) - Tờ Economic Times của Ấn Độ cho rằng, Việt Nam và Ấn Độ đang có nhiều cơ hội trước nhu cầu đa dạng chuỗi cung ứng trên toàn cầu.
Theo tờ báo này, sự không chắc chắn về kinh tế toàn cầu đang bộc lộ nhiều lỗ hổng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều nền kinh tế trở nên nghi ngại về toàn cầu hóa và thậm chí còn cân nhắc chuyển sang một mô hình kinh tế mang tính khu vực hơn.
Nhận thức được tình hình này, một báo cáo gần đây của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đưa ra nhận định về tình hình kinh tế hiện tại và xác định chính xác các ưu tiên cho hành động tiếp theo. Báo cáo này cũng cho biết các khu vực có nhiều khả năng được hưởng lợi nhất từ những thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu là Nam Á, Đông Á và Thái Bình Dương, Mỹ Latinh và Caribe, và Mỹ.
Báo cáo nêu cụ thể những nền kinh tế có khả năng đón được tín hiệu tích cực từ những thay đổi này là Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Lan. Những khẳng định này được minh chứng bằng thực tế là nhiều quốc gia trong số này đã thu hút được đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đáng kể trong vài năm qua. Chẳng hạn, Ấn Độ ghi nhận dòng vốn FDI vào cao nhất trong năm tài chính 2021-2022, lên tới 83,6 tỷ USD. Tương tự, Việt Nam đã thu hút hơn 31,15 tỷ USD vốn FDI cam kết vào năm 2021, tăng 9% so với năm trước. Về hoạt động của các công ty, ví dụ như Apple, một công ty công nghệ nổi tiếng của Mỹ, cũng có kế hoạch đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình.
Nhà sản xuất iPhone đã lắp ráp các sản phẩm của mình ở cả Ấn Độ và Việt Nam trong một vài năm và đang hướng đến thúc đẩy sự hiện diện của mình ở các quốc gia này và gia tăng khối lượng sản xuất. Apple cũng có thể sản xuất ¼ số iPhone của họ tại Ấn Độ vào năm 2025.
Nguyên nhân thúc đẩy nhu cầu đa dạng chuỗi cung ứng
Cuộc khảo sát của WEF cũng cho biết: "Áp lực kép từ căng thẳng địa chính trị ngày càng sâu sắc và các chính sách tăng cường sản xuất công nghiệp sẽ thúc đẩy nhiều điều chỉnh tiếp theo trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây cũng gần như là một xu hướng không thể tránh khỏi trong những năm tới".
Arun Singh, Nhà kinh tế trưởng của tổ chức Dun & Bradsheet, nói rằng những bất ổn về địa chính trị và kinh tế vừa qua đã cho thấy phần lớn nền kinh tế toàn cầu chỉ dựa vào một số ít nhà cung cấp.
Ông Singh đánh giá: "Giờ đây, các công ty đang xem xét đa dạng hóa để chuỗi cung ứng của họ không bị ảnh hưởng trong những tình huống bất ngờ. Trong bối cảnh mới này, chúng ta sẽ thấy sự thay đổi trong cách tiếp cận chuỗi cung ứng".
Các nhà kinh tế trưởng trong báo cáo của WEF cũng nhất trí dự đoán về những thay đổi sắp tới trong cấu trúc của chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo đó, các chiến lược kinh doanh sẽ cần thích ứng được với các đứt gãy địa chính trị, ưu tiên khả năng phục hồi sản xuất, đa dạng hóa nhà cung cấp và tăng cường tập trung vào tính bền vững của môi trường.
Về các ngành triển vọng, WEF cũng nêu bật một loạt ngành mà họ mong đợi có những thay đổi rõ rệt nhất trong chuỗi cung ứng là chất bán dẫn, năng lượng xanh, ô tô, dược phẩm, thực phẩm, năng lượng và danh mục rộng các sản phẩm công nghệ.
Ấn Độ và Việt Nam giàu tiềm năng
Trong bối cảnh này, tờ Economic Times đánh giá Ấn Độ và Việt Nam có nhiều tiềm năng và trong vài năm qua, Việt Nam đã làm tương đối tốt trong việc thu hút các tên tuổi lớn. Ngoài Apple, Samsung cũng đã chọn Việt Nam. Việt Nam cũng đã thu hút được Google để sản xuất điện thoại Pixel, ngoài ra còn có Nike và Adidas.
"Chúng tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút được các công ty muốn điều chỉnh địa điểm sản xuất. Nhu cầu đó đến từ việc Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi như lực lượng lao động tương đối lành nghề có chi phí cạnh tranh và có nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA). Bên cạnh đó, họ cũng có triển vọng tăng trưởng trung hạn tươi sáng là 6% -7%. Hệ sinh thái điện tử đang phát triển của Việt Nam cũng sẽ là một lợi thế khác," DBS cho biết trong báo cáo phát hành vào tháng 4/ 2023.
Về phía Ấn Độ, chính phủ vẫn tích cực khuyến khích các nhà sản xuất toàn cầu thành lập các cơ sở tại quốc gia này, nhấn mạnh tiềm năng của Ấn Độ là một thị trường lớn và là một điểm đến hiệu quả về chi phí - có thể so sánh với Trung Quốc và Mỹ.
Tuy nhiên, vẫn cần phải làm nhiều việc hơn nữa để tận dụng triệt để các cơ hội từ nhu cầu đa dạng chuỗi cung ứng mang lại. Khi các quốc gia trên toàn thế giới tìm cách tận dụng lợi ích của việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nhu cầu cạnh tranh có thể sẽ gia tăng hơn./.