(Tổ Quốc) -Có số lượng môn sinh lên đến 300 người, nhắc đến Vịnh Xuân Kungfu Thăng Long – người ta nhớ đến một môn võ có sự kết hợp hài hòa giữa những giá trị tinh hoa của võ cổ truyền Việt Nam cùng nền móng của môn võ cổ nổi tiếng Trung Hoa.
Môn võ có sự kết hợp hài hòa tinh hoa dân tộc
Là thành viên của Hội Võ thuật Hà Nội, Vịnh Xuân Kungfu Thăng Long là một trong những môn võ có số lượng môn sinh đông đảo nhất Hà Nội.
Nhưng ít người biết rằng, Võ sư Đinh Trọng Thuỷ – Chủ nhiệm võ phái Vịnh Xuân Kungfu, người đã có cơ duyên được theo học cụ Nguyễn Tế Vân – bậc thầy Vịnh Xuân quyền lại biết đến Vinh Xuân từ một mối “lương duyên” rất đặc biệt:
“Cách đây 25 năm, lúc vẫn còn là một người tập luyện Boxing, tôi đã có dịp so tài với các cao thủ Vịnh Xuân. Những gì họ thể hiện ngày hôm đó đã khiến tôi bị chinh phục hoàn toàn. Có rất nhiều thứ thôi thúc tôi phải đến với Vịnh Xuân, vì Vịnh Xuân không những giúp tôi tăng cường sức khoẻ, mà còn dạy tôi những điều căn bản của võ thuật.
Tôi bắt đầu theo học Vịnh Xuân từ một người thầy Vịnh Xuân Việt Nam, đó là sư phụ Trịnh Quốc Định. Thầy Trịnh Quốc Định là học trò của cụ Trần Văn Phùng, một học trò của cụ Nguyễn Tế Công ở Phật Sơn. Chúng tôi đã từng sang tận Phật Sơn để gặp học trò và con cháu của cụ Nguyễn Tế Công. Sau đó, chúng tôi còn sang Hồng Kông để học thêm Vịnh Xuân quyền của một số học trò của thầy Lương Đĩnh.
Năm nào tôi cũng sang Phật Sơn giao lưu với Hội Tinh võ Phật Sơn, ở đó có rất nhiều sư phụ như Hội trưởng Lương Húc Huy, sư phụ Trần Hữu Quân, sư phụ Hoàng Niệm Di, sư phụ Diêu Trung Cường...”
Nói đến Vịnh Xuân quyền Việt Nam không thể không nói đến cụ Nguyễn Tế Công. Cụ Nguyễn Tế Công - tên thật là Nguyễn Tế Vân, là sư huynh của Diệp Vấn, bậc Thầy của môn phái Vịnh Xuân quyền. Những năm 30 của thế kỷ 20, cụ Nguyễn Tế Vân sang Việt Nam dạy một số người Hoa tập võ. Năm 1939, cụ Nguyễn Tế Vân định cư tại Việt Nam, trở thành sư tổ Vịnh Xuân quyền Việt Nam. Năm 1939 đến năm 1954, cụ Nguyễn Tế Vân dạy người Hoa và người Việt Nam tập luyện Vịnh Xuân quyền tại Hà Nội. Sau này, một số học trò của cụ Nguyễn Tế Vân cũng tự mở lớp dạy Vịnh Xuân quyền tại Hà Nội. Năm 1954, cụ đưa gia đình và một số học trò vào miền Nam Việt Nam, tiếp tục dạy Vịnh Xuân quyền. Như vậy, Vịnh Xuân quyền bắt nguồn từ Trung Quốc đã được truyền bá, phát triển tại miền Nam và miền Bắc Việt Nam. Đấy có thể coi là sự kết hợp, hòa quyện hài hòa giữa hai trường phái võ thuật của hai Quốc gia có nền võ thuật phát triển.
Ra đời từ năm 1996 tại Hà Nội, sau 20 năm phát triển trong dòng chảy võ học cổ truyền dân tộc, hệ thống Võ đường Vĩnh Xuân Kungfu Thăng Long đã đào tạo ra nhiều thế hệ môn sinh ưu tú, tiếp tục kế thừa truyền thống, làm rạng danh cho môn phái đồng thời đẩy mạnh phong trào nâng cao sức khỏe đến những người yêu võ.
Môn võ thắt chặt tình đoàn kết của 2 Quốc gia
“Ở Vịnh Xuân Kungfu Thăng Long - chúng tôi lấy rèn luyện Kungfu làm nền tảng tập luyện, kết hợp các kỹ thuật truyền thống và hiện đại: Án, tỳ, trấn, triệt, đấu đài, bốc vật, bẻ khóa.. Nhưng trên tất cả, cũng như các môn võ khác, Vịnh Xuân Kungfu Thăng Long luôn hướng tới sức khỏe và giáo dục đạo đức con người làm cốt yếu.
Về cách luyện tập thì Vịnh Xuân có đặc trưng riêng trong đó có: Niêm thủ (Chi sao), áp dụng các kỹ thuật của bản môn, các chiều tay, ép biên, đồ hình đường thẳng, vòng tròn, tam giác.. làm đối tượng hụt hẫng, bị động, mất thăng bằng, dẫn dắt vào thế trận của mình không có lối thoát.” - anh Bùi Khắc Luân – một trong những HLV của Võ phái Vịnh Xuân KungFu Thăng Long chia sẻ.
Là một người con của đất võ Ninh Bình, anh Luân biết đến võ thuật cũng rất tình cờ. Lúc nhỏ, vì thể trạng gầy yếu nên bố mẹ đưa đi tập võ để rèn luyện sức khỏe và niềm đam mê võ thuật của anh cũng bắt đầu được “ươm mầm”. Có thể coi anh đến với Vịnh Xuân như một cơ duyên, nhờ sức hút kì lạ mà môn võ này mang lại.
“Nhìn lại con đường mình đã đi qua để đến với võ thuật, có rất nhiều niềm vui đồng hành cùng những chông gai, thử thách. Từ những ngày đi làm thêm vất vả để nuôi dưỡng đam mê, đến những chấn thương, khó khăn trong luyện tập. Điều đó lại càng làm tôi có thêm ý chí để tiến lên. Thành công nào cũng có cái giá của nó, quan trọng mình có dám đánh đổi hay không”.
Ở Việt Nam có rất nhiều người luyện tập Vịnh Xuân với ba trường phái nhưng đều bắt nguồn từ gốc của cụ Nguyễn Tế Công, do ba người dạy. Cả ba trường phái đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Võ đường Vịnh Xuân Kungfu Thăng Long chủ yếu giảng dạy Vịnh Xuân quyền truyền thống của cụ Nguyễn Tế Công ở Phật Sơn, có kết hợp thêm một số kỹ thuật hiện đại, để phù hợp với thời cuộc bây giờ, có thêm hơi hướng của Triệt Quyền Đạo do Lý Tiểu Long sáng lập.
Qua chiều dài lịch sử hơn 20 năm, môn phái Vịnh Xuân Kungfu Thăng Long cũng đã có nhiều sự thay đổi để có thể kết hợp hài hòa tinh hoa của võ cổ truyền Việt Nam. Đồng thời cũng lược bỏ, hoàn thiện hơn các động tác để phù hợp với cơ địa, vóc dáng của người Việt.
Anh Luân chia sẻ: “Khi tôi đi tập võ đã xác định nó sẽ gắn bó với cuộc sống của tôi sau này, nên tôi tập luyện với thái độ rất nghiêm túc, bài bản. Với mong muốn sau này phát triển phong trào võ thuật, trong năm 2017, Võ phái chúng tôi sẽ phát triển Vịnh Xuân về tới các tỉnh và các trường học để mang những tinh hoa võ thuật tới tất cả mọi người.
Bên cạnh việc tham gia các giải đấu ở trong nước, các hoạt động của Hội võ thuật Hà Nội, chúng tôi còn giao lưu với các dòng võ thuật tại Phật Sơn (Hoàng Niệm Di, Diêu Trung Cường, Trần Hứa Quân..) đặc biệt có liên lạc thường xuyên với Thiếu Lâm Tự tại Trịnh Châu – Hà Nam – Trung Quốc. Điều đó chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ trong viêc thắt chặt tình đoàn kết giữa nền võ thuật của hai Quốc gia, qua đó tạo nên một sợi dây liên kết hữu hảo giữa dân tộc – vì một nền võ thuật hướng tới sức khỏe và những giá trị đạo đức cao đẹp.”
Đỗ Bảo – Đăng Huy