(Tổ Quốc) - Ngày 25/6, UBND huyện Lệ Thuỷ đã tổ chức lễ công bố quyết định và đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia mộ và nhà thờ Võ Xuân Cẩn. Ông là một nhân vật lịch sử khá đặc biệt- làm quan dưới bốn triều vua mà vua nào cũng rất trọng dụng, xứng đáng được xếp vào hàng các danh nhân nổi tiếng.
- 07.06.2024 Ra mắt Bảo tàng trang sức 54 dân tộc Việt Nam và Bảo tàng hoàng cung triều Nguyễn
- 24.05.2024 Khám phá loạt cổ vật quý giá của triều Nguyễn lần đầu được định danh số
- 08.02.2024 Ngắm biểu tượng rồng trên các công trình kiến trúc, cổ vật triều Nguyễn
- 18.11.2023 Trưng bày hàng trăm tài liệu Châu bản quý của triều Nguyễn
Hiện nay, mộ và nhà thờ Võ Xuân Cẩn thuộc hai xã Cam Thủy và Tân Thủy (Lệ Thủy - Quảng Bình) trong đó, phần mộ của ông nằm trên một gò đất ven sông Đâu Giang, thuộc thôn Tân Hòa, xã Tân Thủy. Nhà thờ được phục hồi ngay trên nền nhà thờ Lệ Quốc cũ, nằm sát Quốc lộ 1, thuộc thôn Hòa Luật Nam, xã Cam Thủy.
Với những giá trị tiêu biểu của di tích, ngày 4/11/2020, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch ban hành Quyết định số 3232/QĐ-BVHTTDL xếp hạng Di tích lịch sử mộ và nhà thờ Võ Xuân Cẩn là di tích quốc gia.
Ông Võ Xuân Cẩn sinh ngày 14/11/ 1772, ở một vùng quê giàu truyền thống yêu nước, hiếu học. Từ thuở thiếu thời, ông nổi tiếng là người chăm học, thông minh do được kế thừa từ một gia đình, dòng họ có truyền thống khoa bảng, nhiều người làm quan.
Võ Xuân Cẩn sớm xác định được con đường đi của mình với quan niệm "làm quan để gánh vác việc đời, thi hành việc nghĩa với mục đích cuối cùng là phụng sự Nhân dân". Chính vì thế mà trong suốt cuộc đời 50 năm làm quan của mình (1802-1852), ông đã làm rất nhiều việc, xứng đáng được lịch sử ghi nhận.
Võ Xuân Cẩn đậu Cống sĩ (ngang Cử nhân) dưới thời Chúa Nguyễn nhưng không ra làm quan. Năm 1802, ông vào làm ở Viện Hàn Lâm theo lời mời của vua Gia Long. Từ đó đến năm 1852, ông đã kinh qua nhiều chức vụ quan trọng bậc nhất trong triều như: Thượng thư Bộ Hình, Thượng thư Bộ Công; Hàn Lâm Viện học sĩ; Đông các Đại học sĩ; quản lý các việc Bộ Lại; kiêm lãnh Quốc sử quán; Tổng tài quốc sử quán... Dù ở cương vị nào, ông cũng tỏ ra là vị quan có học vấn sâu rộng, lịch lãm, cương trực, thẳng thắn, thương dân, tận tụy với công việc, có khả năng làm cho đất nước thái hòa.
Năm Gia Long thứ 2 (1803), ông được cử làm Tham biện hiệp trấn Hưng Hoá, rồi tiếp đó làm Cai bạ ở Bình Định. Năm 1820, vua Minh Mạng lên ngôi, ông được phong làm Hiệp trấn Sơn Nam. Sau đó, được triều đình triệu về kinh làm Tả tham tri Bộ Hình.
Nhận thấy Võ Xuân Cẩn là một vị quan luôn một lòng vì dân, vua Minh Mạng đã cử ông ra làm Hiệp trấn ở Nghệ An thay vua vỗ về dân vùng này. Năm 1826, ông được triệu về Kinh để nhận chức Tuyên phủ Hoài Đức, tiếp đó chuyển về làm Hình tả Bắc Thành. Một thời gian sau, vua cho mời ông về kinh làm Hữu Tham tri Bộ Lại, rồi Thăng Thượng thư Bộ Công.
Đến năm 1833, ông được bổ làm Tổng đốc tỉnh Bình - Phú. Tỉnh Bình - Phú nơi ông làm Tổng đốc đã góp phần đáng kể về sức người cũng như việc cung cấp quân nhu cùng với quân triều đình đánh bại quân Xiêm năm 1834 và quân của Lê Văn Khôi vào năm 1835, chiếm lại được thành Phiên An (Gia Định).
Trong suốt 50 năm làm quan dưới bốn triều vua (Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức), tám lần giữ các chức vụ ở địa phương, chín lần giữ chức vụ ở trong triều, ông đều tỏ ra thông thạo trong việc chọn người, âm thầm tiến cử nhân tài… hầu hết các chức vụ trọng yếu trong triều đình ông đều đảm đương tốt.
"Di sản mà Võ Xuân Cẩn để lại cho con cháu dòng họ Võ Xuân nói riêng, nhân dân Lệ Thủy nói chung sẽ được giữ gìn, bảo tồn và tích cực phát huy giá trị, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương"…
Bà Đặng Thị Hồng Thắm, PCT UBND huyện Lệ Thuỷ
Tháng 4/1852, ông mất, thọ 81 tuổi. Vua Tự Đức thương tiếc ban sắc hậu cấp vàng, lụa, sửa việc tang, sai quan đến tế, cho tên thụy là Văn Đoan. Ngày 9/7/1852, vua Tự Đức sai đem bài thơ và bài minh của vua làm cho khắc vào bia đá dựng ở đầu làng, nhan đề rằng "Tứ triều nguyên lão" (Người có đức vọng lớn ở bốn triều).
Bà Đặng Thị Hồng Thắm, Phó chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) cho hay: "Di tích lịch sử quốc gia mộ và nhà thờ Võ Xuân Cẩn có giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu của quê hương Quảng Bình nói riêng và đất nước nói chung. Dưới chế độ phong kiến, đã có rất nhiều người học hành đỗ đạt, ra làm quan thanh liêm, có lòng yêu nước thương dân, một lòng phụng sự đất nước".
"Bia "Tứ triều nguyên lão" là cổ vật có giá trị về mặt nghệ thuật và tư liệu quý nghiên cứu về con người, sự nghiệp 50 năm làm quan của Võ Xuân Cẩn. Di tích có giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu của quê hương Lệ Thủy nổi tiếng là vùng đất văn vật, con người hiền hậu, hiếu học… giúp các thế hệ người dân huyện Lệ Thủy tự hào và giáo dục truyền thống cho các thế hệ sau này"- bà Đặng Thị Hồng Thắm khẳng định.