• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Với điều kiện kinh doanh thế này thì Boeing cũng không thể sản xuất tại Việt Nam”

Kinh tế 17/05/2017 09:44

(Tổ Quốc) -Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp sáng 17/5.  

Bên cạnh đánh giá những mặt được của một năm thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI đề nghị mỗi năm có Thủ tướng có một chỉ thị với các nhiệm vụ, trách nhiệm, địa chỉ cụ thể cho các nghị quyết. Theo Chủ tịch VCCI, "một năm qua, Thủ tướng đã làm được những việc ấm lòng, tiếp sức cho doanh nghiệp"

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn không ít khó khăn do tích tụ từ thời gian trước để lại; vẫn còn sự thay đổi chính sách đột ngột, hồi tố trong kinh doanh; nhiều địa phương vẫn lạm dụng thanh tra, kiểm tra với nội dung trùng lặp; nhiều điều kiện sản xuất kinh doanh không phù hợp mà đến Boeing cũng không thể làm được; tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, “trên nóng dưới lạnh” còn phổ biến”; nhiều bộ ngành địa phương chỉ giải thích, không giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp... vẫn là những thách thức, rào cản cần giải quyết, gỡ bỏ trong thời gian tới.

Toàn cảnh hội nghị

Theo ông Vũ Tiến Lộc, mặc dù có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng nhưng chuyển động của một số bộ ngành, địa phương còn chậm. Một số bộ ngành vì lợi ích cục bộ, chưa thực sự thay đổi về nhận thức, cơ chế chính sách phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp.

Một số bộ ngành chưa tích cực, chủ động trong việc triển khai xây dựng các đề án về cải cách hành chính theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ. Việc ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh còn chậm so với tiến độ đề ra. Một số chủ trương, cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chậm được triển khai thực hiện.

Thủ tướng gặp gỡ doanh nghiệp sáng 17/5. Ảnh: Chinhphu.vn

Kết quả khảo sát của VCCI cho thấy có 37% số doanh nghiệp thuộc diện khảo sát được thanh tra, kiểm tra trong năm 2016. Vẫn còn khoảng 13,8% doanh nghiệp bị kiểm tra từ 4 lần trở lên trong năm 2016. Trong những doanh nghiệp có từ 2 cuộc kiểm tra trở lên, có 52,4% lượt doanh nghiệp cho rằng nội dung của các cuộc kiểm tra trùng lặp.

Đáng chú ý là các đợt kiểm tra chuyên ngành, nhất là đối với DN chế biến thực phẩm đang trở thành gánh nặng do phải chịu giám sát của nhiều bộ ngành (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công Thương và các cấp chính quyền địa phương).

Chính vì vậy, trong thời gian tới, cần tăng cường việc kế thừa kết quả kiểm tra giữa các cơ quan để giảm bớt sự chồng chéo trong nội dung kiểm tra.

Trong phần phát biểu của mình, Chủ tịch Vũ Tiến Lộc cũng thay mặt các doanh nghiệp cảm ơn Thủ tướng ngay trước thềm Hội nghị đã ban hành Chỉ thị không kiểm tra liên tục các doanh nghiệp. Phát biểu này đã được các doanh nghiệp tại hội trường vỗ tay tán thưởng.

Ông Vũ Tiến Lộc đề xuất thời gian tới, cần bổ sung nhóm giải pháp liên quan đến hoàn thiện thể chế kinh tế vĩ mô: Tập trung vào việc rà soát, loại bỏ các quy định cho phép các cơ quan Nhà nước can thiệp quá sâu vào các thị trường như: thị trường đất đai, thị trường lao động, thị trường vốn, thị trường công nghệ, thị trường công nghiệp.

Tiếp tục thực hiện 05 nhóm giải pháp đã được đề ra tại Nghị quyết như cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận các nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp; Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp…

Song Đào

NỔI BẬT TRANG CHỦ