• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vụ 43ha đất thực hiện Dự án Tân Phú, Bình Dương: Tỉnh ủy 3 lần thay đổi chủ trương, doanh nghiệp tham gia đầu tư “chịu trận”

Pháp luật 07/05/2020 08:50

(Tổ Quốc) - Với 3 lần thay đổi chủ trương liên quan đến Dự án Tân Phú, Tỉnh ủy Bình Dương đã khiến cho dự án này suốt 10 năm không thể triển khai. Điều đáng nói, việc thay đổi chủ trương này cũng đã làm ảnh hưởng lớn cho những doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Thay đổi chủ trương như chong chóng

Trả lời phỏng vấn trên Báo Bình Dương, ngày 4/3/2020, ông Bùi Minh Thạnh, Chánh văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương nhấn mạnh: “Vấn đề khu đất 43 ha, Tỉnh ủy ban hành Thông báo số 512/TB-TU ngày 10/10/2018 là chủ trương đúng đắn, thể hiện tính nhất quán”.

Vụ 43ha đất thực hiện Dự án Tân Phú, Bình Dương: Tỉnh ủy 3 lần thay đổi chủ trương, doanh nghiệp tham gia đầu tư “chịu trận”  - Ảnh 1.

Khu đất 43 ha đang tạm dừng mọi hoạt động đầu tư để giải quyết các vấn đề liên quan. Ảnh: Báo Bình Dương.

Tuy nhiên, khi phát ngôn như vậy thì có vẻ như, Chánh văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương đã cố tình quên một thực tế, Tỉnh ủy Bình Dương đã 3 lần thay đổi chủ trương về thực hiện dự án Tân Phú.

Cụ thể, lần thứ nhất, tại Văn bản số 1830 – CV/TU ngày 17/8/2010 về việc hợp tác thành lập công ty liên doanh của Công ty sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương do Phó Bí thư Tỉnh ủy Vũ Minh Sang ký nêu rõ: “Tỉnh ủy Bình Dương đồng ý chủ trương cho Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (TCT Bình Dương) được hợp tác liên doanh với Cty Cổ phần Bất động sản Âu Lạc (Cty Âu Lạc) để thành lập Liên doanh đầu tư xây dựng và kinh doanh dự án tại khu B có diện tích 43ha, thuộc khu đất dịch vụ 567 ha. Trong đó, TCT Bình Dương góp  30% vốn điều lệ.

Khi triển khai thực hiện, Công ty liên doanh Tân Phú (Cty Tân Phú) được thành lập. Sau đó, thực hiện Hợp đồng liên doanh, TCT Bình Dương đã chuyển giao 43ha QSDĐ cho Cty Tân Phú và góp 30% vốn tại Cty Tân Phú; Cty Âu Lạc  góp 70% vốn.

Lần thứ hai, ngày 20/4/2017, tại Thông báo kết luận và chỉ đạo số 287-TB/TU do Phó Bí thư Tỉnh ủy Phạm Văn Cành ký,  Tỉnh ủy Bình Dương lại có chủ trương đồng ý cho TCT Bình Dương được chuyển nhượng 30% vốn góp tại Cty Tân Phú cho Cty Âu Lạc. Như vậy, với chủ trương mới này, TCT Bình Dương sẽ không còn tiếp tục triển khai thực hiện dự án Tân Phú như chủ trương ban đầu của Tỉnh ủy nữa.

Hơn 1 năm sau khi TCT Bình Dương hoàn tất việc chuyển nhượng 43ha đất và 30% vốn góp cho Cty Tân Phú, Tỉnh ủy Bình Dương kết luận: “thống nhất đánh giá quá trình chuyển nhượng 43ha đất và 30% vốn góp tại Cty Tân Phú là phù hợp quy định pháp luật, tình hình thực tế và có tình, có lý” (trích Thông báo số 433, ngày 24/8/2018 của Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương do Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Nguyễn Văn Đông ký).

Tuy nhiên, điều đáng nói là 8 tháng sau đó, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Phạm Văn Cành lại ký Thông báo số 512/TB-TU ngày 10/10/2018. Theo đó, Tỉnh ủy Bình Dương đã bất ngờ thay đổi chủ trương của mình như sau: “Thường trực Tỉnh ủy quyết định thu hồi chủ trương đã cho TCT Bình Dương chuyển nhượng 30% vốn góp tại Cty Tân Phú cho Cty Âu Lạc.” 

Như vậy có nghĩa, TCT Bình Dương không được thoái vốn, trong khi việc thoái vốn đã hoàn tất mọi thủ tục kể cả việc thanh lý hợp đồng, Cty Tân Phú đã đổi đăng ký kinh doanh, 2 lần thay đổi chủ sở hữu, hậu quả pháp lý không thể khắc phục được.

Có thể thấy rằng, những thay đổi về chủ trương như chong chóng của Tỉnh ủy Bình Dương đã gây hệ lụy khiến dự án không triển khai được sau 10 năm, làm ảnh hưởng lớn cho những doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Doanh nghiệp tham gia đầu tư “chịu trận”

Trong Đơn kiến nghị của mình, Cty Âu Lạc cho rằng, chủ trương xuyên suốt từ năm 2010 đến 2017 của Tỉnh ủy Bình Dương là cho phép TCT Bình Dương liên doanh với Cty Âu Lạc thành lập liên doanh Tân Phú, TCT góp vốn 30% là 60 tỷ thông qua việc Cty Tân Phú nhận chuyển nhượng 43ha đất của TCT để thực hiện dự án.

Nội dung chuyển giao 43ha cho Cty Tân Phú là cam kết và là điều kiện để thành lập Công ty Liên doanh thực hiện dự án này. Do vậy, kể từ khi ký hợp đồng liên doanh năm 2010 thì 43ha đất đã thuộc tài sản của quá trình chuyển dịch chủ sở hữu từ TCT Bình Dương sang Cty Tân Phú.

Được biết, sau khi trở thành chủ sở hữu duy nhất phần vốn tại Cty Tân Phú, Cty Âu Lạc đã hoàn tất thủ tục pháp lý bán 100% vốn tại Cty Tân Phú cho Cty Kim Oanh. Với việc đầu tư hơn 350 tỷ đồng để mua lại quyền sử dụng 43ha đất, phía Cty Kim Oanh cho rằng, họ là bên thứ ba ngay tình.

Như vậy, nếu thực hiện việc thu hồi chủ trương cho thoái vốn của Tỉnh ủy, TCT Bình Dương sẽ không có cách nào để thực hiện thoái vốn với Cty Âu Lạc, cũng như khắc phục hậu quả cho Cty Kim Oanh.

Và hậu quả đã xảy ra khi Dự án Tân Phú không thể tiếp tục triển khai khiến chủ đầu tư mới là Cty Kim Oanh “mắc kẹt” và đang phải gồng mình gánh chịu mọi thiệt hại.

Trách nhiệm liệu có chỉ dừng lại ở lãnh đạo TCT Bình Dương?

Cũng trong bài phỏng vấn ngày 4/3/2020 trên Báo Bình Dương, ông Bùi Minh Thạnh, Chánh văn phòng Tỉnh ủy có nói rằng, TCT Bình Dương là doanh nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy quản lý. Như vậy, nếu chỉ nêu sai phạm của TCT Bình Dương mà không nói tới trách nhiệm của cơ quan quản lý, cụ thể ở đây là Văn phòng Tỉnh ủy, là không đầy đủ.

Chủ trương của Tỉnh ủy khi ban hành phải được quán triệt và triển khai thực hiện, trong đó không thể thiếu công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện sai trái kịp thời. Để sai phạm diễn ra gần 10 năm nay, đến mức lãnh đạo TCT Bình Dương bị khởi tố cùng những hậu quả không thể khắc phục, câu chuyện trách nhiệm ở đây không thể dừng lại ở khuyết điểm của chỉ riêng lãnh đạo TCT Bình Dương đang bị bắt tạm giam.

TCT Bình Dương là doanh nghiệp trực thuộc sự quản lý của Tỉnh ủy, diễn biến vụ việc cho thấy, TCT này vừa phải làm đúng pháp luật của nhà nước vừa phải đảm bảo đúng sự chỉ đạo của Tỉnh ủy. Câu hỏi đặt ra đó là, sẽ như thế nào khi làm đúng pháp luật mà không đúng với chỉ đạo của Tỉnh ủy? Nếu chỉ đạo của Tỉnh ủy không đúng thì sao?.

Nhóm Phóng viên

NỔI BẬT TRANG CHỦ