(Tổ Quốc) - ĐBQH, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội và ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đều cho rằng, cần có thanh tra, kiểm tra để làm thế nào đó xác định rõ về sự thật. Và nếu có sai phạm thì phải xử lý. Bởi theo các đại biểu, để đề bạt một người giữ một chức vụ cao hơn thì chí ít người đó phải hoàn thành nhiệm vụ ở cấp hiện tại được giao quản lý.
- 23.04.2019 Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước: Vietnam Airlines đang giải trình
- 22.04.2019 Phó Tổng thanh tra Chính phủ nói gì về thông tin khoản lỗ hơn 4.000 tỷ của Jetstar Pacific?
- 20.04.2019 Các luật sư nhận định việc thua lỗ triền miên, gây thiệt hại hơn 4.000 tỷ đồng của Hãng hàng không Jetstar Pacific gần giống như trong vụ Trịnh Xuân Thanh
- 19.04.2019 Có thể đang có sai phạm trong quy trình bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo cấp cao tại Vietnam Airlines
- 19.04.2019 Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc đương nhiệm Vietnam Airlines không thể thoái thác khoản lỗ hơn 4.000 tỷ đồng của Hãng hàng không Jetstar
Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh – Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng (Nguồn: Đại biểu nhân dân)
Với trách nhiệm gánh vác là cổ đông lớn nhất của Jetstar Pacific (nắm giữ gần 70% cổ phần), vì vậy các chức danh chủ chốt nhất của doanh nghiệp này đều là những người của Vietnam Airlines điều động sang. Khi đó, Phó Tổng GĐ đương nhiệm của Vietnam Airlines phụ trách thương mại được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT của Jetstar Pacific Airlines là ông Dương Trí Thành. Tổng GĐ mới của Jetstar Pacific Airlines là ông Lê Hồng Hà.
Sẽ là bình thường nếu Jetstar Pacific hoạt động độc lập và kinh doanh theo kiểu lời ăn, lỗ chịu, thế nhưng, việc JPA càng làm ăn bết bát lại khiến cho Vietnam Airlines - cổ đông lớn nhất chịu thiệt hại nặng. Điều này đồng nghĩa với việc Nhà nước đã gián tiếp gánh chịu những khoản lỗ nghìn tỷ của Jetstar từ Vietnam Airlines.
Điều đáng nói là bỏ lại đằng sau các khoản lỗ nghìn tỷ, ông Dương Trí được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Vietnam Airlines và ông Lê Hồng Hà, Phó Tổng Giám đốc phụ trách thương mại của Vietnam Airline hiện nay được bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc của JPA trong 3 năm liên tục, từ tháng 3/2012 đến tháng 3/2015 khi chưa làm rõ được khoản lỗ đó do nguyên nhân nào, có trách nhiệm của người đứng đầu hay không?
Những ngày gần đây, truyền thông và dư luận đang xôn xao về "nghịch lý này". Chia sẻ với Báo điện tử Tổ Quốc, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng cho rằng, để chọn một người giữ một chức vụ cao hơn thì chí ít "anh" phải hoàn thành nhiệm vụ ở cấp hiện tại anh được giao quản lý. Mà để biết được hoàn thành nhiệm vụ hay không thì phải có cơ quan có trách nhiệm xem xét, đánh giá.
"Liên quan tới việc cách đây vài năm ông Dương Trí Thành và ông Lê Hồng Hà phụ trách ở Công ty cổ phần Jetstar Pacific Airlines mà Vietnam Airlines nắm giữ gần 70% cổ phần. Rõ ràng, với cơ cấu vốn như thế này thì Vietnam Airlines vẫn là cổ phần chi phối. Cũng vì thế, đơn vị này sẽ chi phối mọi quyết định trong hoạt động kinh doanh tại Jetstar Pacific, tất nhiên là có hoạt động của HĐCĐ, của các cổ đông khác nhưng vì Vietnam Airlines nắm cổ phần chi phối nên phần lớn đưa ra các quyết định. Mà những quyết định này thì liên quan đến kết quả hoạt động kinh doanh", ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng nói.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng nhấn mạnh, nếu để thua lỗ hơn 4.000 tỷ đồng thì người được giao điều hành Jetstar Pacific phải có trách nhiệm.
"Xét về mặt hoàn thành trách nhiệm, nếu để thua lỗ như vậy thì theo cá nhân tôi là không hoàn thành nhiệm vụ. Nguyên nhân thua lỗ có thể là do yếu tố khách quan, yếu tố chủ quan… nhưng thua lỗ lớn như vậy trong bối cảnh các hãng hàng không khác vẫn hoạt động kinh doanh thì rõ ràng là có yếu tố chủ quan ở đây", Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng nói thêm.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng.
Về vấn đề này, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng, chính sách pháp luật của Nhà nước đã quy định rất rõ rằng, một người muốn được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo quản lý ở các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp đơn vị sự nghiệp phải là những người có đủ năng lực phẩm chất. Cùng với đó, chúng ta còn phải có quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, phải có quy trình xem xét để chúng ta phát triển nhằm bổ nhiệm cán bộ, đề bạt cán bộ. Quy trình này là để mong muốn chọn ra những người lãnh đạo xứng đáng.
"Mấy ngày nay, dư luận phản ánh cán bộ tham gia vào quản lý của Jetstar Pacific đã thua lỗ mấy nghìn tỷ mà vẫn được bổ nhiệm, đề bạt vào vị trí lãnh đạo của VNA vốn là đơn vị kinh tế đầu tầu của cả nước – đã khiến người dân và cử tri bức xúc. Điều này trái với quy đinh chung của Đảng và Nhà nước. Tôi cho rằng, cần có thanh tra, kiểm tra để làm thế nào đó xác định rõ về sự thật. Và nếu có sai phạm thì phải xử lý", ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Cũng theo ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, nếu sự việc được thanh tra, kiểm tra, xử lý thì sau đó phải có thông báo để dư luận, nhân dân được biết.
"Nếu đã là vốn của Nhà nước thì một đồng cũng phải xử lý, vì đó là mồ hôi và xương máu của nhân dân", ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ.