(Tổ Quốc) - Đại dịch Covid -19 đã và đang hoành hành khắp thế giới với những tổn thất vô cùng nặng nề về kinh tế cũng như sức khoẻ con người… Và trong cuộc chiến với Covid, một trong những vũ khí hữu hiệu không thể không nhắc tới đó là ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT).
CNTT không đứng ngoài cuộc
Ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã từng đưa ra nhận định rằng: Trong đại dịch COVID-19, mức độ quan tâm, tìm hiểu về Chuyển đổi số cũng đã tăng gấp 10 lần so với đầu năm 2020. Đây là một thực tế và chắc chắn trong năm 2021, ứng dụng CNTT không chỉ dừng lại ở mức độ tìm hiểu mà còn cao hơn trong việc ứng dụng vào thực tiễn. Bởi từ cuối tháng 4 cho đến nay dịch Covid -19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh thành trên cả nước phải giãn cách thì "chiến binh số" đã phát huy những thế mạnh vốn có. Từ người già đến trẻ, lao động trí óc đến lao động chân tay đều khá thành thạo nhiều ứng dụng công nghệ hữu ích, phục vụ cuộc sống.
Có thể thấy rõ ngay tác dụng ứng dụng CNTT trong lĩnh vực y tế với việc cài đặt các ứng dụng Ncoi, Bluezone... đã giúp các tổ chức, cá nhân kiểm soát được đi lại, sức khỏe cũng như cập nhật tình hình tin tức diễn biến dịch bệnh trong nước. Hay những điểm khám bệnh từ xa, triển khai phần mềm quản lý cơ sở y tế giúp ngành y tế bớt gánh nặng, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, người dân ổn định cuộc sống.
Ứng dụng công nghệ thông tin có tốc độ phổ cập nhanh và nhiều phải kể đến ngành giáo dục trước cuộc chiến với Covid. Để thích nghi với việc học trực tuyến, hàng triệu học sinh cả nước ngay từ lớp 1 đã biết cách sử dụng các thiết bị thông minh để hoàn thành kỳ thi cuối năm học cũng như tiếp tục năm học mới.
Trong tình hình giãn cách y tế, nhiều khu chợ truyền thống phải tạm đóng cửa nhưng nhờ chỉ một cú điện thoại hay vài thao tác đơn giản trên máy tính mà "chợ" vẫn có thể đến được với từng gia đình. Hình ảnh những khu chợ không có thứ nào bày bán, thay vào đó là tấm biển ghi số điện thoại và dòng chữ mặt hàng đã đáp ứng được biết bao nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.
Một trong những loại giấy tờ nhận được sự quan tâm của người dân trong bối cảnh giãn cách là "Giấy đi đường". Nhiều tỉnh, thành đã thực hiện linh hoạt, phù hợp với thực tiễn khi ứng dụng khá tốt công nghệ thông tin trong việc cấp, đổi giấy. Người dân thuận tiện trong việc lưu thông, không phải chờ đợi, tụ tập đông người gây mệt mỏi, ức chế và có thể tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Còn rất nhiều lĩnh vực đem lại hiệu ứng tích cực cho cuộc sống không thể kể hết. Nhưng sự hiện diện của ứng dụng CNTT trong bối cảnh dịch bệnh đã cho thấy một dòng chảy ngầm của cuộc sống vẫn lặng lẽ dịch chuyển theo một cách khác. Đem cái ảo thành cái thật, xóa nhòa mọi khoảng cách địa lý, không gian, rút ngắn thời gian. Sự âm thầm đó có thể mắt thường chúng ta không nhìn thấy cái ồn ào, náo nhiệt – như thước đo vốn có của sự phát triển trước đây, nhưng không có nghĩa là mọi thứ đang đứng yên hay bị tê liệt vì dịch bệnh. Điều này cũng chứng minh, khi con người bị đẩy vào một hoàn cảnh khác thì đã nhanh chóng thích nghi để tồn tại. Đây cũng là một tất yếu mà thăng trầm của lịch sử đã chứng minh lâu nay.
Vũ khí vô hình chống lại giặc vô hình
Chúng ta không xa lạ với CNTT từ nhiều năm nay và "nhìn được" những thành quả của nó mang lại trong cuộc chiến với Covid. Nhưng thực tế dường như vẫn còn xảy ra nhiều lúng túng trong việc ứng dụng công nghệ tại một số nơi, một số ngành... Hệ quả thấy rõ khi một số người khó bắt kịp với những thay đổi tất yếu của thực tiễn, dẫn đến suy nghĩ chưa đúng và hành động chưa hợp lý. Có sự thiếu hợp tác giữa chính quyền và người dân. Nhiều chỉ đạo thiếu nhất quán, chưa có tính bền vững, định hướng lâu dài. Do đó đã xuất hiện những bức xúc của người dân, làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo…
Ứng dụng CNTT đang ở đâu trong cuộc chiến Covid-19?. Có lẽ đã đến lúc cần phải thấy rằng, cùng với 5k, vắc xin thì ứng dụng CNTT phải được coi là một trong những vũ khí sắc bén trong cuộc chiến Covid – cuộc chiến với thứ giặc vô hình, khó đoán định. CNTT là sản phẩm trí tuệ đỉnh cao cũng sẽ là thứ vũ khí vô hình đối trọng tương xứng với Covid. Ở đó sẽ là trận chiến lấy vũ khí vô hình chống lại giặc vô hình.
CNTT trong nhiều năm qua đã có một nền tảng, nếu không ứng dụng trong cuộc chiến Covid thì đó là một sự lãng phí mà nhiều cấp, nhiều ngành cần phải nghiêm túc nhìn lại, xem xét và điều chỉnh. Đây chính là "bàn cân năng lực" của chính quyền địa phương trước ứng dụng 4.0 trong dịch bệnh phức tạp. Mọi bài học kinh nghiệm cũng như lý thuyết đều quý nhưng chỉ cần thiếu năng lực và áp dụng cứng nhắc thì khó có thể đem lại hiệu quả. Phải nhìn ứng dụng CNTT bằng một tư duy mới, thường trực, vì dân, vì lợi ích cộng đồng sẽ phát huy được sức mạnh của con người và công nghệ.
Dịch Covid -19 vẫn còn những diễn biến khó lường, chưa thể chấm dứt ngày một ngày hai, thậm chí có thể chúng ta phải sống chung. Vì vậy để giảm thiểu được những nguy cơ cũng như tác động không muốn thì ứng dụng công nghệ cần được vận dụng tối đa, thường xuyên, liên tục có hiệu quả trong mọi lĩnh vực có thể. Đây chính là "nước đi" ngắn nhất, ít tổn hại nhất. Nếu không tự thích ứng, thay đổi với công nghệ trong bối cảnh dịch bệnh thì rất dễ bị tụt lại phía sau, bị đào thải một cách không thương tiếc.