(Tổ Quốc) - "Thành phố chọn phương án nào thì dân theo phương án đó, nhưng thâm tâm thì vẫn mong hai nhà máy di dời đi nơi khác. Trước mắt đề nghị hai nhà máy ngừng hoạt động chứ dân chúng tôi không chịu nổi ô nhiễm nữa rồi”.
- 27.02.2018 Dân vây ‘nhà máy thép gây ô nhiễm’ trong đêm
- 28.02.2018 Đà Nẵng: Chọn di dời dân hay nhà máy thép?
Đó là chia sẻ của người dân sống gần hai nhà máy thép Dana - Ý và Dana - Úc, hai nhà máy này gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhiều năm qua.
Chiều 28/2, như đã hứa với người dân thôn Vân Dương 1, Vân Dương 2, xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cùng đại diện các sở ban ngành liên quan đã tới Nhà văn hóa thôn để đối thoại về tình hình ô nhiễm do hai nhà máy thép Dana – Ý, Dana – Úc gây ra trong thời gian qua (Báo điện tử Tổ Quốc đã có nhiều tin bài phản ánh).
Buổi đối thoại chiều 28/2 thu hút được rất đông người dân hai thôn tới dự. Họ tập trung tại Nhà văn hóa thôn với mong muốn nghe phía chính quyền thành phố đưa ra phương án tối ưu nhất để giải quyết vấn đề.
Rất đông người dân thôn Vân Dương 1, Vân Dương 2 tại buổi đối thoại. Ảnh: Đức Hoàng |
Theo ông Trương Văn Lung (người dân sống tại địa phương), người dân nơi đây đã chịu cảnh sống chung với ô nhiễm do hai nhà máy thép Dana – Ý, Dana – Úc gây ra hơn 10 năm nay rồi. Vấn đề này chính quyền thành phố cần phải giải quyết dứt điểm. Chọn nhà máy hay chọn dân? Di dời nhà máy hay di dời dân?
“Thành phố chọn phương án nào thì dân theo phương án đó, nhưng thâm tâm thì vẫn mong hai nhà máy di dời đi nơi khác. Trước mắt đề nghị hai nhà máy ngừng hoạt động chứ dân chúng tôi không chịu nổi ô nhiễm nữa rồi”, ông Lung nói và cho biết trước đây chính quyền có cho dân vùng này đi kiểm tra sức khỏe, tuy nhiên đến nay kết quả kiểm tra vẫn chưa công bố.
“Vừa rồi có người chết vì ung thư và con số người chết vì bệnh ung thư ngày càng nhiều. Chúng tôi rất hoang mang, không biết những cái chết đó có liên quan gì tới ô nhiễm do hai nhà máy này gây ra hay không?”, ông Lung nói thêm.
Một người dân có ý kiến tại buổi đối thoại... |
... sau mỗi ý kiến của người dân hai thôn, nhiều người vỗ tay đồng tình với các ý kiến đó. Ảnh: Đức Hoàng |
Cùng phản ánh, ông Nguyễn Mô (80 tuổi) cho biết: Trước đây thành phố có đưa ra lộ trình di dời, nhưng chờ mãi không thấy đâu, mọi chuyện vẫn như cũ, ô nhiễm vẫn cứ tái diễn.
“Việc có nhà máy thì tốt, giải quyết được công ăn việc làm cho người lao động. Nhưng ăn để sống hay ăn để chết đây? Chúng tôi đề nghị lãnh đạo thành phố một là di dời dân đi thì lộ trình đi như thế nào; hai là phải di dời hai nhà máy đi nơi khác”, ông Mô nói.
Trong lúc đó, ông Phạm Mai (thôn Vân Dương 2) thì nói: “Chúng tôi bức xúc quá mới cắm lều trước cổng hai nhà máy hai ngày hai đêm để phản đối ô nhiễm. Đề nghị thành phố đừng hứa nữa, đừng “đổ thừa” nữa. Đề nghị dừng hoạt động hai nhà máy, khi di dời dân đi hết thì hai nhà máy mới được hoạt động trở lại”.
Sau mỗi ý kiến, nhiều người dân xã Hòa Liên vỗ tay ủng hộ.
Lãnh đạo Công ty Cổ phần Thép Dana - Ý phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: Đức Hoàng |
Buổi đối thoại cũng có đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần Thép Dana – Ý. Theo vị này phát biểu, việc di dời nhà máy thì phải có lộ trình, rồi tài chính ở đâu, thành phố nói số tiền di dời ngân sách không đủ, chỉ lo được tái định cư thôi.
“Về phương án di dời giải tỏa dân thì công ty ứng tiền để giải tỏa, sau này thành phố trả lại cho công ty. Phía công ty phải vay ngân hàng. Nếu không cho nhà máy tiếp tục hoạt động thì lấy tiền đâu để đền bù, giải tỏa”, vị lãnh đạo này nói và cho biết nếu nằm trong hoàn cảnh của người dân nơi đây, vị này cũng bức xúc như bà con.
Sau khi lắng nghe tất cả các ý kiến của người dân, thay mặt lãnh đạo thành phố, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ghi nhận tất cả các ý kiến và yêu cầu ban thư ký ghi rõ vào biên bản, có người dân ký vào để tiếp tục báo cáo với lãnh đạo thành phố, tìm hướng giải quyết.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh ghi nhận các ý kiến của người dân và về báo cáo lại với thành phố, sớm nhất là đầu tuần sau có câu trả lời. Ảnh: Đức Hoàng |
Theo ông Minh, thời gian qua chính quyền thành phố cũng đã nỗ lực tìm cách giải quyết. Bản thân lãnh đạo thành phố cũng rất lúng túng vì cả hai phương án đưa ra (di dời nhà máy và di dời dân - PV) thì đều không có phương án tối ưu, hai phương án này đều “xấu” hết. Vấn đề chúng ta cần tìm ra một phương án ít “xấu” nhất cho cả cộng đồng, người dân và cho cả phía doanh nghiệp, phía chính quyền.
“Trước đây chúng tôi đã tính đến phương án di dời hai nhà máy nhưng các cơ quan chức năng rà soát lại thì không tìm được vị trí để di dời hai nhà máy đến. Giờ còn lại hai phương án, một phương án là di dời dân và di dời nhà máy chậm hơn một chút và phương án thứ hai là di dời nhà máy.
Cả hai phương án này đều đối mặt với một lượng kinh phí lớn. Nếu di dời dân thì đối mặt với áp lực tái định cư, muốn di dời dân thì phải có khu tái định cư. Vừa rồi cũng có ý kiến nói di dời dân lên Hòa Liên 6 cũng cách tường rào nhà máy 500m. Các ngành chức năng đang làm các thủ tục, nhanh nhất cũng phải mất 5-6 tháng mới xong…
Nếu di dời hai nhà máy thì họ phải đóng cửa, mà đóng cửa thì phải đền bù. Vì thế tôi nói hai phương án trên thì không có phương án nào tối ưu cả”, ông Hồ Kỳ Minh nói.
Xong buổi đối thoại, nhiều người dân chưa thỏa mãn với câu trả lời từ phía chính quyền thành phố, vẫn nán lại xung quanh nhà văn hóa và phía sau nhà máy thép. Ảnh: Đức Hoàng |
Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chưa thỏa mãn và đồng tình với cách giải thích của Phó Chủ tịch UBND TP nên vẫn kiến nghị.
Trước tình hình như vậy, ông Hồ Kỳ Minh cho biết lần trước đối thoại thống nhất phương án di dời dân trước, di dời nhà máy sau. “Hôm nay ở đây đa số bà con có ý kiến muốn đóng cửa nhà máy và không di dời dân. Chúng tôi xin ghi nhận và về báo cáo lại với thành phố và sớm nhất là đầu tuần sau có câu trả lời”, ông Minh nói.