• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vụ tố "lạm thu" tại trường Quốc tế Singapore Đà Nẵng: Phụ huynh nộp đơn kiện công ty quản lý trường

Giáo dục 29/08/2019 08:54

(Tổ Quốc) - Ông Nguyễn Văn Tuấn (trú quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết đã gửi Đơn khởi kiện Chi nhánh Công ty Cổ phần KinderWorld Việt Nam – đơn vị quản lý, điều hành Trường quốc tế Singapore tại Đà Nẵng (đóng tại phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng).

Liên quan đến việc "Phụ huynh tố tình trạng "lạm thu" tại trường Quốc tế Singapore Đà Nẵng" (Báo điện tử Tổ Quốc đã thông tin), ngày 28/8, ông Nguyễn Văn Tuấn (trú quận Hải Châu, Đà Nẵng, đang có con theo học tại trường này) cho biết ông cùng một số phụ huynh vừa gửi Đơn khởi kiện Chi nhánh Công ty Cổ phần KinderWorld Việt Nam – đơn vị quản lý, điều hành Trường quốc tế Singapore tại Đà Nẵng (đóng tại phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng).

Theo nội dung đơn khởi kiện của ông Tuấn, con trai ông Tuấn là cháu Nguyễn X.B. (SN 2013) đã theo học tại Trường quốc tế Singapore tại Đà Nẵng từ cấp mẫu giáo và năm nay cháu bắt đầu bước vào cấp tiểu học là trường tiểu học và trung học cơ sở quốc tế Việt Nam Singapore tại Đà Nẵng. Hai ngôi trường này có sự liên kết với nhau về một số chương trình giáo dục. Với mong muốn cháu B. được học tập trong một môi trường giáo dục tốt nên ông Tuấn đã quyết định lựa chọn ngôi trường này để cháu theo học cho đến hết cấp 3 vì hiện tại hai anh chị của cháu cũng đang theo học tại đây.

Theo đó, ngày 26/5/2019, ông Tuấn đã ký hai loại văn bản về cung cấp dịch giáo dục do Chi nhánh Công ty Cổ phần KinderWorld Việt Nam tại Đà Nẵng (sau đây gọi là công ty - PV) soạn sẵn để đăng ký nhập học cho cháu B. Trong đó, đối với văn bản của Trường quốc tế Singapore tại Đà Nẵng ban hành có nội dung đề cập đến các khoản phí bắt buộc, gồm các mục: Phí kiểm tra đầu vào, phí ghi danh, phí đặt cọc, học phí, phí giữ chỗ…; trong đó, phí đặt cọc là 8 triệu đồng, học phí là hơn 220 triệu đồng/năm…

"Phí đặt cọc này chỉ được nhà trường thanh toán sau 90 ngày kể từ ngày thông báo thôi học, có nghĩa là tôi chỉ được nhận lại khoản phí đặt cọc này khi con tôi chấm dứt việc học tập tại đây là lớp 12 theo như mong muốn của gia đình", ông Tuấn cho biết.

don

Đơn khởi kiện của ông Tuấn.

Theo ông Tuấn, nhận thấy khoản phí đặt cọc là khoản phí được thu không đúng quy định của pháp luật trong lĩnh vực giáo dục riêng và quy định trong bộ luật dân sự nói chung, nhưng do trước đó ngày 15/5/2019  ông đã nộp đủ số tiền phí và học phí theo thông báo của công ty. Vì vậy, khi công ty này gửi thông báo đăng ký nhập học, ông Tuấn đã ghi ý kiến là không đồng ý với khoản phí đặt cọc đằng sau văn bản mà phía công ty ban hành.

Ngay sau đó, vào ngày 30/5/2019 ông Tuấn đã có đơn khiếu nại gửi tới UBND TP. Đà Nẵng, Sở GD&ĐT TP. Đà Nẵng, Thanh tra Sở GD&ĐT TP. Đà Nẵng để khiếu nại về khoản phí đặt cọc này.

Sở GD&ĐT TP. Đà Nẵng đã có văn bản trả lời đơn của ông Tuấn. Tại văn bản này Sở GD&ĐT TP. Đà Nẵng cho rằng đây là thỏa thuận dân sự giữa phụ huynh và công ty Công ty Cổ phần KinderWorld Việt Nam, đồng thời đề nghị công ty làm việc với phụ huynh để giải quyết dứt điểm vụ việc và báo cáo kết quả làm việc để Sở GD&ĐT biết vào trước ngày 31/7/2019.

Sau đó vào các ngày 28/6/2019 và ngày 4/7/2019 phía công ty đã có thư mời riêng cá nhân ông Tuấn đến để trao đổi. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, thời gian được mời đều rất gấp và ông này đã có thư là yêu cầu có một cuộc họp có đầy đủ các phụ huynh hoặc đại diện nhóm cha mẹ học sinh nhưng công ty đã cố tình không tổ chức.

phieuthu

Trường Quốc tế Singapore tại Đà Nẵng bắt đầu áp dụng khoản phí này từ năm học 2017-2018.

Bất ngờ, ngày 24/7/2019 và ngày 29/7/2019 phía công ty đã ra thông báo cho rằng nếu ông Tuấn không chấp nhận khoản tiền đặt cọc này thì công ty không cung cấp dịch vụ giáo dục cho con ông Tuấn (có nghĩa là con ông Tuấn sẽ không được học tại ngôi trường này vào năm học 2019 - 2020) và sẽ hoàn lại toàn bộ số tiền học phí và các khoản phí khác đã đóng; đồng thời yêu cầu ông Tuấn phải làm đơn xin rút tiền và cung cấp số tài khoản để phía công ty chuyển trả; hành xử theo kiểu như hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng.

"Tôi nhận thấy, việc phía công ty đơn phương ra thông báo chấm dứt việc cung cấp dịch vụ giáo dục cho con tôi như vậy là rất thiếu thiện chí và mang tính áp đặt, trong khi đây là một thỏa thuận dân sự, tôi có quyền được yêu cầu công ty phải làm rõ, căn cứ vào đâu để công ty thu khoản phí này mà cho rằng đây là khoản phí bắt buộc. Bản thân tôi vẫn mong muốn cho con mình được tiếp tục học tại đây nên mới cần làm rõ khoản phí đặt cọc chứ không phải tôi  đồng ý chấm dứt hợp đồng với phía công ty, chính vì vậy tôi đã không đồng ý ký vào đơn xin rút tiền mà phía công ty đưa ra", ông Tuấn cho hay.

Theo ông Tuấn, ngay sau khi nhận được thông báo ngưng việc cung cấp dịch vụ giáo dục cho con ông ấy (hay nói đúng hơn là đuổi học cháu B.) thì ông Tuấn hoàn toàn bất ngờ về cách hành xử này và ngay lập tức phải xin cháu B. sang học một ngôi trường khác vì không thể chậm trễ hơn được nữa khi hạn tuyển sinh của các trường đã không còn.

"Bản thân  tôi cảm thấy bị đối xử không công bằng, bị coi thường, mất thời gian chạy chỗ nọ, kiếm chỗ kia cho con học, đồng thời tốn thêm cả một khoản tài chính so với số tiền mà tôi đã bỏ ra trước đây; bản thân con tôi thì bị sốc khi cháu đã quen với các bạn ở ngôi trường cũ (vì cháu học từ cấp mần non) nay phải đột ngột chuyển trường mới cháu đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng về tâm lý, gia đình tôi đã phải động viên cháu rất nhiều để giúp cháu dần ổn định tinh thần", ông Tuấn chia sẻ.

truong

Trường quốc tế Singapore tại Đà Nẵng.

Ông Tuấn cho hay, ngày 14/8/2019, ông này đã có thư yêu cầu phía công ty hoàn trả số tiền học phí và các khoản phí đã đóng với lý do công ty phải thừa nhận là đã đơn phương chấm dứt hợp đồng với ông Tuấn chứ không phải là do phía ông này. Tuy nhiên phía công ty đã không thừa nhận và sau đó đã tự ý căn cứ vào số tài khoản trước đây ông Tuấn đã chuyển tiền cho các con ông này trước đó để chuyển trả số tiền học phí và các khoản phí khác mà ông Tuấn đã nộp cho cháu B. là hơn 215 triệu đồng vào ngày 20/8/2019.

Ông Tuấn không chấp nhận việc nhận lại tiền theo cách này và đã chuyển trả số tiền trên vào tài khoản của phía công ty.

"Để quyền và lợi ích hợp pháp của chúng tôi được pháp luật bảo hộ. Tôi kính đề nghị TAND quận Ngũ Hành Sơn xem xét buộc Chi nhánh Công ty Cổ phần KinderWorld Việt Nam tiếp tục thực hiện cung cấp dịch vụ giáo dục cho con tôi trong năm học 2019 – 2010; hoàn trả cho tôi số tiền phí đặt cọc 8 triệu đồng; bồi thường thiệt hại số tiền gần 300 triệu đồng do hành vi ngưng cung cấp dịch vụ giáo dục khiến tôi buộc lòng phải đăng ký cho cháu học trường khác. Bồi thường tổn thất tinh thần cho tôi và cháu B. theo quy định của pháp luật; đồng thời yêu cầu phía công ty xin lỗi công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về cách hành xử thiếu văn hóa trong môi trường giáo dục", ông Tuấn trình bày trong đơn.

Được biết, Tòa án nhân dân quận Ngũ Hành Sơn đã nhận được đơn khởi kiện của ông Nguyễn Văn Tuấn. 

Như Báo điện tử Tổ Quốc đã thông tin, vừa qua, ông Tuấn cùng một số phụ huynh phản ánh việc nhà trường "lạm thu". Vào đầu năm học, phụ huynh đã đóng trước 100% tất cả các khoản gồm phí ghi danh, học phí, học phí song ngữ, tiền ăn bán trú…Nhưng nhà trường còn tự ý đặt ra một khoản phí gọi là phí đặt cọc năm học 2019-2020 là 8 triệu đồng/học sinh.

Theo phản ánh của phụ huynh, khoản tiền đặt cọc này sẽ chỉ hoàn trả khi học sinh thôi học tại trường. Trong khi nhiều học sinh học đến lớp 12, như vậy, nhà trường đã thu và chiếm dụng vốn của phụ huynh trong một thời gian dài. Nhiều phụ huynh đã bức xúc gửi đơn phản ánh đến các cơ quan chức năng, đề nghị làm rõ.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin...

Đ.Hoàng

NỔI BẬT TRANG CHỦ