• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vừa đầu năm học đã nóng việc học thêm

Giáo dục 05/08/2019 17:56

(Tổ Quốc) - Theo thông báo chung của nhiều sở GDĐT, từ đầu tháng 8 các trường phổ thông bắt đầu tựu trường. Cùng với niềm vui của các em học sinh sau thời gian nghỉ hè được gặp lại bạn bè thì các phụ huynh cũng bắt đầu tìm hiểu về các lớp học thêm cho con.

Học thêm có cần thiết

Trong một xã hội đang phát triển như hiện nay, việc học thêm để hoàn thành các nội dung chương trình các môn học cũng như bổ sung những kiến thức ngoài sách vở là việc nhiều học sinh lựa chọn. Người lớn cũng góp phần vào việc định hướng sách cho con học. Những học sinh yếu, kém cần phải có nhiều thời gian hơn để theo kịp chương trình học. Tuy nhiên, việc học thêm đối với con trẻ cũng có nhiều điều cần nói.

Học thêm đối với học sinh ở khu vực nông thôn không nặng nề bằng ở các tỉnh thành lớn. Quan niệm học cho bằng bạn bằng bè, học nhiều biết nhiều, kiến thức học ở trường chỉ là phụ học thêm mới là chính… khiến nhiều phụ huynh lùng sục các lớp học thêm, tìm thầy giỏi phụ đạo cho con.

Mới ngày đầu nhập học, trên một nhóm phụ huynh lớp 2 Trường Tiểu học Thành Công B (Ba Đình- Hà Nội) đã hỏi nhau tổ chức lớp học thêm cho con. Ngoài chương trình học chính, các bố mẹ cho biết năm trước mình đã phải mất rất nhiều thời gian để hướng dẫn con học ngoài giờ học trên lớp. Vì vậy năm nay rút kinh nghiệm, bố mẹ tìm ngay lớp học thêm cho con mình từ đầu năm học.

Một số bố mẹ cho biết, với kiến thức và thời gian học 2 buổi/ngày ở trường không đủ thời gian để con hoàn thành bài và phải mang về nhà hoàn thành. Vậy câu hỏi đặt ra là phải chăng, chương trình học hiện nay quá sức đối với các em? Hay bố mẹ học sinh kỳ vọng vào thành tích học tập cuối năm của các học sinh?

Tình hình ở các cấp học cao hơn cũng tương tự. Phụ huynh TTH. có con được vào học lớp 6 Trường THCS Lê Ngọc Hân (Hai Bà Trưng - Hà Nội) cho biết, sau thời điểm đăng ký trực tuyến thành công cho con vào trường, chị đã cập nhật chương trình và mua cho con một thẻ học trực tuyến. Đến khi vào năm học chính thức, chị cũng sẽ tìm hiểu xem các giáo viên dạy ra sao để cân nhắc cho con học thêm.

Cùng quan điểm với những phụ huynh có con chuẩn bị vào cấp 3, chị Nguyệt Thu có con đang học lớp 8 Trường THCS Giảng Võ (Ba Đình - Hà Nội) cho biết, gia đình đã phải tìm thầy kèm riêng cho con vì chị thấy con tiếp thu bài mới rất chậm, nếu không có thầy dạy thêm thì chắc con sẽ không thể thi đỗ vào cấp 3 (THPT) được, nhất là việc thi cử ngày càng khó như mấy năm gần đây, chị nhận định.

Tìm hiểu thêm ở cấp THPT, tình hình cũng không khác mấy, nhất là xu hướng ngày càng nhiều trường đại học hiện nay đang sử dụng kết quả học tập 3 lớp THPT để làm căn cứ xét tuyển đại học khiến phụ huynh quyết định chuyển hướng "đầu tư" cho việc học hành của con cái… thì xem chừng việc lo lắng tìm cho con một cách học thêm ngoài chương trình học ở trường là cách mà nhiều phụ huynh đang làm.

Như vậy, có "cầu" thì ắt có "cung" và việc các giáo viên dạy thêm, phụ huynh mở lớp mời thầy cô đến dạy cho con, hoặc một hình thức khác nào đó để cho con được học thêm ngoài giờ học chính khóa vẫn là câu chuyện không có hồi kết, chỉ thấy học sinh là vẫn phải học thêm, cho dù nhiều khi chỉ là do bố mẹ lo lắng quá mức về việc học hành của con em mình.

hoc them

Cần kiểm soát chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm ngoài trường học (ảnh: VOV)

Quy định về việc dạy thêm, học thêm hiện nay

Mặc dù việc dạy thêm học thêm trong xã hội không phải là việc pháp luật cấm, tuy nhiên cũng có nhiều biến tướng từ việc dạy thêm, học thêm khiến ngay khi kết thúc năm học 2018-2019, nhiều sở GDĐT đã ban hành các công văn về thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm ở địa phương.

Ngày 16/7/2019, Sở GDĐT Vĩnh Phúc đã ban hành quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Theo đó, quy định chi tiết về dạy thêm, học thêm có thu tiền bao gồm: Thu, quản lý và sử dụng tiền học thêm; Thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; Trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm; Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Quy định áp dụng đối với người dạy thêm, người học thêm và các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm hoặc có liên quan đến hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Trong đó, theo quy định tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT: Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Bên cạnh đó, đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép bằng văn bản của Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp.

Trong công văn của Sở GDĐT Vĩnh Phúc cũng quy định chi tiết trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh với từng cơ quan cụ thể gồm: trách nhiệm của Sở GDĐT; Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện; Trách nhiệm của Phòng Giáo dục và Đào tạo; Trách nhiệm của Hiệu trưởng và Thủ trưởng các cơ sở giáo dục; Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường…

Trước đó, ngày 12/7/2019, Sở GDĐT Hà Nội cũng đã có công văn về việc thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm gửi Trưởng phòng GDĐT quận, huyện, thị xã và Hiệu trưởng các trường THPT trên địa bàn Thành phố.

Sở yêu cầu các đơn vị, cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc các nội dung, tuân thủ những nguyên tắc cơ bản về dạy thêm, học thêm: không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học; hoạt động dạy thêm, học thêm không áp dụng cho học sinh lớp 6, lớp 10 mới tuyển sinh trong thời gian trước khi khai giảng năm học mới vào ngày 05/9/2019.

Nội dung dạy thêm phải cụ thể hóa trong hồ sơ xin cấp phép dạy thêm, học thêm. Không xếp thời khóa biểu học thêm vào buổi học chính khóa hoặc giờ học tự chọn, số giờ học thêm trong ngày không vượt quá số giờ học chính khóa và không vượt quá 5 buổi/tuần.

Không tổ chức thi, kiểm tra học sinh đầu năm để xếp lớp học thêm. Giáo viên chủ nhiệm lớp căn cứ vào nguyện vọng học thêm của học sinh theo từng môn học và kết quả xếp loại học lực cuối năm hoặc cuối học kỳ của học sinh để xếp thành các nhóm báo cáo hiệu trưởng nhà trường để bố trí, sắp xếp các lớp học thêm đảm bảo học sinh trong cùng một lớp học thêm phải có học lực tương đương nhau...

Có thể thấy, các văn bản quy định việc quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm tại các địa phương tương đối chặt chẽ, các sở GDĐT cũng đã có những quy định rõ ràng, trách nhiệm của các bên liên quan nếu để xảy ra sai phạm…

Tuy vậy, để thực sự xóa được khoảng cách giữa công tác quản lý với thực tiễn diễn ra của hoạt động dạy thêm, học thêm thì cần phải có thêm một vài chế tài đủ mạnh như, tăng cường thêm bộ phận kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động này để các học sinh yếu kém, thực sự không đủ khả năng theo kịp chương trình trên lớp mới phải học thêm chứ không phải để các em học theo phong trào, học thêm vì bị giáo viên 'yêu cầu', hay học thêm chỉ vì sự lo lắng của bố mẹ…

Khánh Vân

NỔI BẬT TRANG CHỦ