• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vui “Hội xuân” ở Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam

Văn hoá 30/12/2022 16:57

(Tổ Quốc) - Từ ngày 01- 31/01/2023, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra các hoạt động tháng 1 với chủ đề “Hội xuân”.

"Hội xuân" nhằm giới thiệu không khí đón xuân đầu năm cùng các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán qua đó du khách thêm hiểu những nét văn hóa, các hoạt động truyền thống đón Tết vui xuân, đặc trưng các dân tộc, góp phần bảo tồn, phát huy quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ cùng phát triển nhân dịp đầu năm mới 2023.

Vui “Hội xuân” ở Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam  - Ảnh 1.

Các hoạt động tháng 1 với sự tham gia của khoảng 100 đồng bào của 15 dân tộc (ảnh minh họa)

Các hoạt động tháng 1 với sự tham gia của khoảng 100 đồng bào của 15 dân tộc (Nùng, Tày, Mông, Dao, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Raglai, Gia Rai, Cơ Tu, Ê Đê, Khmer) với sự tham gia của các địa phương, với các điểm nhấn của các địa phương có đồng bào hoạt động hàng ngày (Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Ninh Thuận, Gia Lai, Đắk Lắk, Sóc Trăng).

Bên cạnh đó là các hoạt động hàng ngày, cuối tuần của 15 cộng đồng dân tộc, chương trình du lịch trải nghiệm, giới thiệu làm bánh, gói bánh phục vụ du khách, trò chơi dân gian; hoạt động cầu an, chúc phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại "Ngôi nhà chung" của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Điểm nhấn "Hội xuân" là chương trình giới thiệu Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" và khúc hát ngày Xuân cùng các chương trình dân ca dân vũ: hát Sli, hát lượn, đàn tính hát Then…; Giới thiệu không khí ngày xuân của các dân tộc phía Bắc qua các tiết mục dân ca dân vũ, trò chơi dân gian, sản vật truyền thống, những món ăn ngày xuân. Đây là dịp để các cộng đồng dân tộc anh em tại "Ngôi nhà chung" đặc biệt là các dân tộc phía Bắc cùng nhau hân hoan chung vui cất lên những lời ca tiếng hát, trò chơi dân gian đặc sắc cho những ngày mở đầu của một năm mới.

Hoạt động chuẩn bị, trang trí không gian đón Tết tại các làng dân tộc đang hoạt động hàng ngày; Tổ chức "Bữa cơm đoàn viên" của các dân tộc hoạt động tại Làng. Bên cạnh đó là các hoạt động đón Tết Quý Mão 2023 và Chương trình "Tết vì người nghèo" năm 2023; Tổ chức Giao lưu văn nghệ "Vui Tết Quý Mão, đón Xuân an lành".

Trong những ngày Tết nguyên đán, tại Làng sẽ diễn ra các hoạt động tâm linh Chúc phúc đầu năm mới và "Bát hội đầu xuân". Theo đó, từ 23h00 - 0h15 và 7h00-8h00 ngày 21, 22/01/2023 và ngày 26/01/2023 (tức đêm 30, sáng mùng 1 Tết, trọng tâm là ngày mùng 5 Tết), tại chính điện chùa Khmer, chùa Pháp Ấn, Đại đức trụ trì chùa Khmer và các nhà sư tụng kinh chúc phúc cầu an cho phật tử, du khách dịp đầu năm mới và cột chỉ tay dịp đầu năm mới; Dâng hương tại chùa Pháp Ấn có Tượng Pháp Vân để cầu mong mưa thuận gió hòa, sức khỏe, bình an, hạnh phúc. Ngày mùng 5 Tết sẽ diễn ra hành trì bình khất thực đầu Xuân để mang đến sự may mắn, an lành, tĩnh tâm cho tất cả mọi người.

Vui “Hội xuân” ở Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam  - Ảnh 2.

Trong những ngày Tết nguyên đán, tại Làng sẽ diễn ra các hoạt động tâm linh Chúc phúc đầu năm mới và "Bát hội đầu xuân"

Trong tháng 1, các hoạt động cuối tuần của các nhóm nghệ nhân đang hoạt động hàng ngày tại Làng gồm dân tộc Nùng, Tày, Mông, Dao, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer, đồng bào thể hiện các phong tục chúc Tết theo truyền thống và mang đậm sắc màu dân tộc vùng miền nhất là thời gian từ mùng 1 Tết đến 15 tháng Giêng; từ không gian bên ngoài đến âm thanh rộn rã không khí Xuân năm mới.

Bên cạnh đó, sẽ diễn ra các hoạt động giới thiệu các nghi thức đón Tết của đồng bào các dân tộc theo truyền thống vùng, miền; các hoạt động lễ hội, âm nhạc đầu năm mới; Giao lưu các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu mang âm sắc mùa xuân: Múa xòe, nhảy sạp, hát ví, hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng, nghệ thuật hát then, đàn tính, các điệu múa chuông, múa rùa; Tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống mùa xuân như: Ném còn, đi cà kheo, đánh đu, đánh yến...; Tìm hiểu văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc của dân tộc Mường; dân tộc Tày; dân tộc Thái...

Du khách cũng có cơ hội trải nghiệm chương trình du lịch Homestay tại nhà Mường, nhà Tày và một số nhà dân tộc phong tục đón Tết truyền thống; Hoạt động đón tiếp khách đầu Xuân Năm mới: Đón khách theo phong tục năm mới của đồng bào, các làng dân tộc đi chúc Tết, thăm hỏi nhau, giao lưu đầu năm mới giữa các làng và khách du lịch; Các trò chơi dân gian truyền thống được đẩy mạnh giới thiệu cho du khách như trò ném pao, nhảy sạp, đi cà kheo, kéo co, bập bênh, đánh đu được liên tục sửa sang trang trí để thu hút khách; đồng bào cùng hướng dẫn du khách trải nghiệm để hòa cùng với không khí vui tươi ngày xuân.

Hoạt động hàng ngày của các nhóm đồng bào tại Làng sẽ có các hoạt động vui Tết đón xuân, giới thiệu văn hóa truyền thống dân tộc những ngày đầu Xuân Năm mới; thao tác, giới thiệu tri thức dân gian, ẩm thực, trình diễn nghề thủ công truyền thống và giới thiệu sản phẩm như thổ cẩm, nhạc cụ dân tộc… các trò chơi dân gian Nhảy sạp, đi cà kheo, ném còn, đánh đu, đi cầu Kiều, đánh yến, tó má lẹ...

Bên cạnh đó là các hoạt động hoạt động hàng ngày, cuối tuần của 15 cộng đồng dân tộc, chương trình du lịch trải nghiệm, giới thiệu làm bánh, gói bánh phục vụ du khách, trò chơi dân gian; hoạt động cầu an, chúc phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại "Ngôi nhà chung" của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam./.

Hà An

NỔI BẬT TRANG CHỦ