(Tổ Quốc) - Hiện đang là sinh viên năm 3 Ngành Kỹ thuật cơ khí, Học viện công nghệ Technion (Israel), cặp chị em song sinh - Xuân Nhi và Mỹ Nhi, đã chứng minh rằng nữ giới hoàn toàn có thể vươn xa trong các lĩnh vực kỹ thuật, đồng thời mở ra cơ hội cho các bạn trẻ, đặc biệt là các nữ sinh, tự tin vào khả năng của mình trong những ngành nghề tưởng chừng như chỉ dành cho nam giới.
Nữ sinh chuyên Anh "mê" ngành cơ khí
Niềm say mê đối với các môn khoa học của hai chị em đã được nhen nhóm từ những năm học cấp 2. Ngoài các tiết học trên lớp, hai em tự tìm hiểu thêm trong các sách tham khảo.
“Trong những cuốn sách ấy, không có lấy một phương trình nào, và cách kể chuyện rất gần gũi, giúp em thấy rằng khoa học thật ra rất đời thường. Em ấn tượng với những câu chuyện về các nhà toán và lý học đã phải chật vật thế nào để tìm ra những kiến thức em đã học trong sách hồi cấp 2 và cấp 3. Qua những phát minh, phát hiện của các nhà khoa học, em nhận ra rằng sự bền bỉ tìm tòi, thử sai và thử lại của các nhà khoa học chính là chìa khóa của sự thành công”, Mỹ Nhi chia sẻ.
Khi lên cấp 3, mặc dù theo học lớp Chuyên Anh (THPT Lê Hồng Phong - TP. HCM) nhưng hai em vẫn nuôi dưỡng tình yêu với khoa học kỹ thuật. Hai chị em tích cực tham gia và có nhiều dấu ấn đáng nhớ trong các dự án khoa học kỹ thuật của trường. Đặc biệt, Xuân Nhi và Mỹ Nhi đã có cơ hội tham gia vào một dự án về nhà thông minh (Smart Home). Trong dự án này, cặp chị em song sinh đã cùng nhau xây dựng mô hình nhà thông minh, một công trình không chỉ đòi hỏi kiến thức về công nghệ thông tin mà còn liên quan đến kỹ thuật cơ khí, từ việc lắp ráp các thiết bị, hệ thống điện tử đến việc tối ưu hóa các chức năng của ngôi nhà.
Không chỉ tham gia các dự án kỹ thuật trong trường mà hai em còn thể hiện sự xuất sắc khi tham dự một cuộc thi do Technion tổ chức. Cuộc thi này, được biết đến như một cơ hội để các học sinh có đam mê khoa học và kỹ thuật thể hiện khả năng sáng tạo. Việc tham gia cuộc thi đã trở thành bước ngoặt quan trọng trong hành trình học tập của hai chị em.
Với khả năng và sự sáng tạo vượt trội, nhóm của hai em đã giành giải Nhất trong cuộc thi Rube Goldberg – một cuộc thi quốc tế nổi tiếng về thiết kế máy móc dây chuyền, với chủ đề "Thuyết tương đối của Einstein". Phần thưởng xứng đáng cho chiến thắng này là học bổng 1 năm tại Technion, ngành Kỹ thuật cơ khí, với chương trình đào tạo bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, các bạn khác trong nhóm lựa chọn theo đuổi những ngành học khác, chỉ có cặp chị em song sinh này quyết định tiếp tục con đường học tập tại Technion. Chuyến đi đến Israel không chỉ mở rộng tầm nhìn về các công nghệ tiên tiến mà còn là cơ hội để Xuân Nhi và Mỹ Nhi phát triển thêm đam mê và kiến thức về cơ khí, tiếp tục theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực kỹ thuật cơ khí.
Tự tin khẳng định ngành cơ khí không chỉ dành riêng cho phái nam
Tại Học viện Công nghệ Technion, hai chị em Xuân Nhi và Mỹ Nhi đã được trải nghiệm một môi trường học thuật chuyên nghiệp, nơi kiến thức không chỉ dừng lại ở lý thuyết mà còn được gắn liền với thực hành. Các giáo sư tại Technion đặc biệt chú trọng việc phát triển tư duy phản biện và khả năng giải quyết vấn đề của sinh viên, thay vì chỉ yêu cầu học thuộc lòng các công thức. Phương pháp giảng dạy này giúp hai chị em và các bạn sinh viên khác phát triển kỹ năng tư duy độc lập, áp dụng lý thuyết vào các tình huống thực tế. Bên cạnh việc học lý thuyết, các sinh viên được làm việc tại các xưởng thực hành, nơi có đầy đủ các thiết bị hiện đại như máy tiện, máy phay và máy in 3D...
Nói về việc lựa chọn ngành học của mình, Xuân Nhi tâm sự: “Em luôn cảm thấy ngành kỹ thuật cơ khí rất thú vị và lựa chọn theo học ngành này là thích hợp với em vì ngành kỹ thuật hòa trộn tính chính xác của khoa học và tính thực tế từ nhu cầu đời sống hằng ngày để tạo ra sản phẩm phù hợp.”
Xuân Nhi và Mỹ Nhi cũng tham gia vào các dự án của trường, trong đó có dự án gia công các món đồ chơi truyền thống như con quay Sevivon, món đồ chơi phổ biến trong lễ Hanukkah của người Do Thái. Đây là một cơ hội tuyệt vời để hai chị em rèn luyện kỹ năng gia công cơ khí và hiểu sâu hơn về quy trình sản xuất.
Bên cạnh các bài học trên lớp, Xuân Nhi và Mỹ Nhi cũng tham gia vào các kỳ thực tập tại các phòng thí nghiệm của khoa, nơi nghiên cứu các lĩnh vực như cơ học vật rắn, cơ lưu chất, nhiệt động lực học, cơ sinh học và quang học… Việc này giúp hai chị em có cơ hội tiếp cận những nghiên cứu chuyên sâu và áp dụng kiến thức vào các dự án thực tế, từ đó tích lũy kinh nghiệm quý báu cho nghề nghiệp tương lai. Ngoài các hoạt động học tập, Xuân Nhi và Mỹ Nhi còn tích cực tham gia vào các cuộc thi hackathon do trường tổ chức, nơi các nhóm sinh viên tìm kiếm các giải pháp cho các vấn đề lớn như biến đổi khí hậu và công nghệ y sinh. Thông qua những hoạt động này, sẽ vừa giúp cho hai chị em rèn luyện kỹ năng sáng tạo và làm việc nhóm, vừa là cơ hội để họ đóng góp vào các giải pháp công nghệ thiết thực, góp phần tạo ra những thay đổi tích cực cho cộng đồng và xã hội.
Trong quá trình học tập tại Technion, Xuân Nhi và Mỹ Nhi luôn tự tin và khẳng định khả năng của mình trong môi trường học thuật, nơi các sinh viên được đánh giá dựa trên năng lực và sự sáng tạo chứ không phải dựa vào giới tính. Tuy nhiên, trong quá trình thực hành tại xưởng gia công, hai em cũng gặp đôi chút khó khăn. Dù vậy, đây chỉ là một trải nghiệm nhỏ trong hành trình học tập đầy thử thách và thú vị của Xuân Nhi và Mỹ Nhi. Cả hai luôn học hỏi và cải thiện không ngừng, chứng minh rằng sự nỗ lực và đam mê không có bất kỳ giới hạn nào.
Về dự định trong tương lai, Xuân Nhi và Mỹ Nhi chia sẻ rằng sau khi tốt nghiệp, hai chị em mong muốn có thể áp dụng những kiến thức và kinh nghiệm học được tại Technion để giải quyết một số vấn đề tại Việt Nam, trong đó có tình trạng thiếu nước. Với những giải pháp công nghệ tiên tiến như hệ thống tưới nhỏ giọt và tái chế nước được tiếp cận trong quá trình học, hai chị em hy vọng có thể mang những mô hình này về Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Xuân Nhi và Mỹ Nhi cũng cho biết họ rất quan tâm đến việc phát triển các công nghệ giúp tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên nước, đồng thời giảm thiểu lãng phí trong sản xuất và sinh hoạt. Với kiến thức về cơ khí và công nghệ, họ tin rằng những giải pháp sáng tạo và bền vững mà họ học hỏi được từ Israel có thể mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến nguồn nước ở Việt Nam./.
Bài dự thi đạt giải nhất của nhóm tại cuộc thi Rube Goldberg (máy chạy dây chuyền) của Học viện Công nghệ Technion vào năm 2019.