(Tổ Quốc) - Tới tận bây giờ, giai điệu của One moment in time vẫn vang lên trong các chương trình thể thao, nghị lực cuộc sống. Đây là sức sống trường tồn của một ca khúc bất hủ, đi cùng năm tháng.
One moment in time là ca khúc quen thuộc với thế hệ 8x, 9x. Có thể không phải ai cũng biết tên bài hát này nhưng đa số công chúng (đặc biệt là khán giả Việt Nam) đều đã từng nghe thấy giai điệu của nó được vang lên đâu đó. Đài truyền hình thườn sử dụng One moment in time làm nhạc nền cho các chương trình về thể thao, nên nó đã ăn sâu vào ký ức của nhiều thế hệ khán giả.
Cảm hứng cho một khúc tráng ca thể thao
One Moment in Time được viết bởi hai nhạc sĩ Albert Hammond và John Bettis, do phù thủy âm nhạc Narada Michael Walden sản xuất cho Thế vận hội Mùa hè 1988 được tổ chức tại Seoul, Hàn Quốc.
Ca khúc được phát hành bởi hãng thu âm danh tiếng Arista Records vào ngày 27 tháng 8 năm 1988, đồng thời là đĩa đơn đầu tiên trong album tổng hợp nhạc nền của Thế vận hội 1988.
One moment in time là sự kết hợp hoàn hảo giữa R&B, Gospel, Soul và một chút Pop Ballad, mang âm hưởng hùng tráng, sử dụng dàn nhạc giao hưởng, nhưng cũng đầy tính trữ tình, lắng đọng.
Giai điệu của bài hát được lấy cảm hứng từ huyền thoại âm nhạc Elvis Presley. Tác giả Hammond kể rằng, khi đặt bút viết, anh tưởng tượng ca khúc đang được Presley hát trong lễ khai mạc Thế vận hội. Ca từ của bài hát này vô cùng ý nghĩa, không chỉ tôn vinh tinh thần thể thao mà còn khích lệ niềm tin, ý chí vươn lên của mỗi con người trong cuộc sống để chiến thắng số phận. Người viết tạm dịch đôi lời ca khúc như sau:
"Trong mỗi ngày tôi sống, tôi muốn được cống hiến hết mình. Tôi chỉ có một mình nhưng tôi không hề đơn độc.
Trong những ngày tươi sáng chưa đến, mỗi thành công đều trải qua đau đớn. Để nếm được vị ngọt, ta phải biết tận cùng nỗi đau. Tôi tiến lên và gục ngã để tự nhắc tôi rằng:
Khi tôi vượt xa hơn những gì tôi nghĩ. Khi những giấc mơ chỉ cách tôi một nhịp đập nữa thôi.
Hãy cho tôi một giây phút trong cuộc đời này, khi tôi đang chạy đua cùng số phận. Để rồi trong một khoảnh khắc ấy, tôi được tự do và cảm thấy sự vĩnh cửu".
One moment in time là một khúc tráng ca đầy diễm lệ, đòi hỏi sự hòa quyện giữa cảm xúc, giãi bày và nội lực lớn của sự bùng cháy, tuôn trào. Nó không chỉ đơn thuần là bài hát giải trí, mà còn gắn với Thế vận hội. Vì vậy, sau nhiều ngày suy nghĩ, nhà sản xuất đã quyết định mời Whitney Houston thu âm vì chỉ duy nhất Diva này mới đủ sức truyền tải hết ý nghĩa, sức mạnh bài hát.
Whitney Houston khi ấy đang là một ngôi sao nhạc Pop đình đám nhưng cũng nhận lời ngay lập tức vì cho rằng ca khúc này sẽ trở thành một phần trong định mệnh của cô. Cô đã phải sang tận Seoul để thu âm ca khúc.
Những thành tích vượt trội và tầm ảnh hưởng tới âm nhạc
Dù là ca khúc được viết riêng cho Thế vận hội nhưng nhờ tiếng hát bậc thầy của Whitney Houston mà One moment in time đã nhanh chóng trở thành bài hit chiếm lĩnh thị trường âm nhạc thế giới.
Tại Mỹ, ngay khi vừa phát hành, One moment in time đã năm ờ vị trí 57 trên Billboard Hot 100 và 9 tuần sau đó thì lọt vào top 5, trụ vững suốt 17 tuần tại bảng xếp hạng này. Ngoài ra, ca khúc cũng lọt vị trí cao tại nhiều bảng xếp hạng khác của Billboard như Billboard Hot R&B/Hip Hop Songs, trở thành đĩa đơn quán quân thứ 7 của Whitney tại Billboard Hot Adult Contemporary, giữ vững trong suốt 2 tuần.
Trên thế giới, One moment in time xếp thứ 24 trong BXH Đĩa đơn tại Anh ngay khi phát hành và nhanh chóng leo lên vị trí quán quân, trụ vững suốt hai tuần. Nhờ đó, nó trở thành đĩa đơn quán quân thứ 3 của Whitney tại Anh.
Ở khắp châu Âu, One Moment in Time trở thành bài hit phủ sóng lớn, đứng đầu bảng xếp hạng European Hot 100 Singles trong 5 tuần. Nó cũng lọt vào top 5 ở Áo, Bỉ, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Thụy Điển,Thụy Sĩ, top 10 ở Pháp và Hà Lan.
Sang đến châu Úc, One moment in time lần lượt đạt vị trí thứ 53 và 34 trên bảng xếp hạng đĩa đơn tại Australia và New Zealand..
Về mặt thương mại, đĩa đơn One moment in times được chứng nhận hạng Bạc bởi British Phonographic Industry (BPI) khi bán được 200 ngàn bản ngay sau khi phát hành và tổng 400 ngàn bản chỉ tính riêng tại Mỹ. Tiếp đó, nó được chứng nhận hạng Vàng bởi Bundesverband Musikindustrie (BVMI) ngay trong năm 1988. Tại Anh, đĩa đơn ca khúc bán được 326 ngàn bản. Tổng số đĩa đơn bán ra trên toàn thế giới là 1 triệu 500 ngàn bản.
Tạp chí Pan European Music&Media miêu tả One moment in time là " một bản ballad hoành tráng trong một sản phẩm hào hoa của Narada Michael Walden".
Tạp chí Entertainment Weekly xếp One moment in time ở vị trí 14 trong danh sách 25 ca khúc hay nhất sự nghiệp Whitney Houston với lý do: "Thế vận hội Seoul cần một bài quốc ca, và Houston đã vươn lên để đương đầu với thử thách bằng tiếng vỗ tay hoành tráng này.
Đặc biệt, phần trình diễn One moment in time của Whitney Houston tại lễ trao giải Grammy 1989 đã đi vào lịch sử âm nhạc. Nó được bình chọn là một trong những màn trình diễn tuyệt vời nhất lịch sử Grammy và luôn được nghe lại trong nhiều năm sau này.
Qua tiếng hát điêu luyện của Whitney Houston, One moment in time đã trở thành một trong những chuẩn mực thanh nhạc của dòng Pop đại chúng, là ca khúc điểm tựa được các ca sĩ đàn em lựa chọn để thể hiện giọng hát.
Tại Việt Nam, rất nhiều ca sĩ đã cover One moment in time như một cách để thể hiện kỹ thuật, vocal của mình như Thanh Lam, Tùng Dương, Thảo Trang, Mỹ Linh, Uyên Linh… Trong đó, Thanh Lam đã hát One moment in time tại cuộc thi Đơn ca nhạc nhẹ toàn quốc lần 2 năm 1991 và đoạt giải thưởng Lớn (trên cả giải nhất).
Tới tận bây giờ, giai điệu của One moment in time vẫn vang lên trong các chương trình thể thao, nghị lực cuộc sống. Đây là sức sống trường tồn của một ca khúc bất hủ, đi cùng năm tháng.
Tiếng hát và kỹ thuật đẳng cấp của Whitney Houston
Không ngoa ngôn khi khẳng định rằng, One moment in time sẽ không thể thành công nếu không có Whitney thể hiện. Nói cách khác, ca khúc như được viết riêng cho Whitney và chỉ cô mới đủ sức hát nó ở một tầm cao đến thế, điều mà không ca sĩ nào làm được.
Giọng hát Whitney khi hát One moment in time tạo ra những giai điệu như một thứ ma thuật kì lạ, khiến người nghe cảm nhận được sự vĩ đại và cả một bầu nhiệt huyết sôi sục chảy trong từng note nhạc. Nó mạnh mẽ nhưng không khô cứng như lời hiệu triệu mà lại da diết như một lời tâm tình.
Whitney hát ca khúc này với chất giọng rất đặc biệt, dày nhưng lại ngọt ngọt và có chút gì đó nũng nịu mang hơi hướm đồng quê (nhưng không hề yếu đuối), giống như mang cả một bầu trời vào giọng hát vậy. Có thể nói rằng, đây là chất giọng đẹp nhất của một nữ thần. Không một ca sĩ Pop nào hát tráng ca phù hợp hơn Whitney, với chất giọng spinto soprano vừa ngọt ngào, ấm áp, lại bùng nổ dữ dội, kịch tính.
Hãy nghe kỹ đoạn "when all of my dreams are a heartbeat away", cái cách Whitney nhấn và luyến vào chữ "are a heartbeat" cho khán giả một cảm giác thật khó tả.
Whitney còn có độc chiêu nhả chữ trên head voice quãng thấp ở đuôi mỗi âm tiết để giúp câu hát trở nên mềm mại hơn. Hãy để ý các chữ "be", "give", "gain", "sweet", "remains", "be", "beat", "feel", "be", "beat", "time" để thấy, dù khúc tráng ca này khá "xôi thịt", hùng tráng với nhiều đoạn khoe giọng, nhưng vẫn rất mềm, êm, tình cảm nhờ tài nhả chữ trên head voice của Whitney.
Đặc biệt, ở chữ "be", khi Whitney đang vibrato trên chest voice bỗng chuyển nhanh sang head vuốt nhỏ (piano) khiến câu hát vừa mạnh mẽ lại vừa mềm mại.
Và ngay ở đoạn điệp khúc cao trào nhất, dù đang tung những cú belting mạnh mẽ, Whitney vẫn không quên nhả head thật nhỏ trên "be", "beat" để làm mềm câu hát, khiến nó vừa cương vừa nhu. Khán giả dù đang chìm trong bão cảm xúc vẫn được chăm sóc thính giác để thư giãn, thoải mái. Đó là điều làm Whitney khác với các ca sĩ da màu có giọng khỏe hơn cô.
Whitney đã trình diễn ca khúc này nhiều lần, nhưng kinh điển nhất là màn live tại Grammy 1989, giúp đem lại danh hiệu The Voice cho cô. Cũng chính nhờ màn biểu diễn này mà người ta phong tặng danh hiệu Diva cho Whitney.
Trong màn trình diễn, Whitney bước ra sân khấu với bộ đầm trắng ôm sát, đứng trước cả một dàn nhạc phía sau nhưng lại rất tự nhiên, thể hiện thần thái của một ca sĩ có khả năng làm chủ sân khấu hoàn hảo.
Đoạn cao trào, cô cất những note cao (Eb5, D5, C#5) thật khỏe khoắn, chắc nịch và vang rền cả khán phòng. Có thể nói kĩ thuật cộng hưởng âm thanh và sự cân bằng giữa giọng ngực (chest voice) với giọng đầu (head voice) của Whitney trong màn live này đã đạt đến độ chuẩn mực.
Cụ thể, bắt đầu từ điệp khúc cao trào, Whitney giữ độ vang trên vocal runs B4 nhờ đẩy âm thanh lên mask. Tiếp đó, cô nhả chữ cực dày, đanh, lực bắn ra chắc chắn, âm lượng lớn. C#5 được cộng hưởng ngay trong phát âm (chữ "time"), bật thẳng vào resonance và không cần lấy đà, đây là kỹ thuật cực khó. D5 được đây âm thanh bắn thẳng vào xoang mask, tạo vang nổ, không cần dựa vào vibrato để hold note. Bb4 kéo dài với âm thanh đẹp, vang đều, nổi, có độ tỏa. Ở chữ "free" cuối cùng, Whitney kéo dài bất tận, cộng hưởng ngay trên âm đóng /i/ cực đanh, chắc chắn để nổi trên dàn nhạc. Rất nhiều ca sĩ khi hát tới đoạn này phải chuyển sang âm mở /ê/ vì không giữ được âm đóng như Whitney.