(Tổ Quốc) - Sự hòa hợp, thấu hiểu giữa HLV và VĐV khi tham dự đấu trường Olympic được xem là một trong những yếu tố quan trọng giúp tạo nên thành tích tốt.
- 12.07.2024 Bộ VHTTDL ban hành Quyết định thành lập đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Olympic Paris 2024 với 39 thành viên
- 10.07.2024 Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương: VĐV dự Olympic phải xác định trận đấu nào cũng là trận chung kết
- 04.07.2024 Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương làm việc về công tác chuẩn bị cho Đoàn thể thao Việt Nam dự Olympic Paris 2024
Tại Olympic Rio 2016, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã làm nên lịch sử cho thể thao Việt Nam khi giành HCV ở nội dung súng ngắn 10m hơi nam, đồng thời phá kỷ lục Thế vận hội.
Sau 8 năm kể từ giây phút lịch sử, dù đã chuyển sang công tác huấn luyện, nhưng cảm xúc lúc bắn những phát đạn lịch sử, giành tấm HCV Olympic đầu tiên cho Việt Nam vẫn còn y nguyên với xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Anh từng chia sẻ, giây phút bắn những viên cuối cùng, hình ảnh lá cờ Tổ quốc, tinh thần dân tộc đã thôi thúc ý chí chiến đấu, phải chiến thắng của bản thân.
Trên cương vị HLV, trong những năm qua, bằng kinh nghiệm, chuyên môn của bản thân, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã "cho ra lò" không ít VĐV là những trụ cột của đội tuyển Bắn súng Việt Nam, gần nhất là Phạm Quang Huy với tấm HCV ASIAD 19.
Trước thềm Olympic Paris 2024, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã có buổi trò chuyện với Báo điện tử Tổ Quốc, chia sẻ về những kinh nghiệm, lời khuyên với các VĐV lần đầu tham dự Thế vận hội.
- Thưa HLV Hoàng Xuân Vinh, là một người từng 2 lần tham dự Olympic và giành tấm HCV lịch sử tại Olympic Rio 2016, từ kinh nghiệm thực tiễn của mình, theo anh, những VĐV lần đầu tham dự Thế vận hội sẽ dễ gặp phải những vấn đề nào?
HLV Hoàng Xuân Vinh: Các VĐV lần đầu tham dự Olympic sẽ dễ gặp phải vấn đề tâm lý. Khi tới Olympic, VĐV sẽ bị choáng ngợp bởi quy mô cũng như gặp được những VĐV hàng đầu thế giới, từ đó sinh ra tâm lý, lo lắng.
- Điều này sẽ ảnh hưởng tới tâm lý thi đấu của VĐV như thế nào, thưa anh?
HLV Hoàng Xuân Vinh: Khi quá lo lắng, toan tính nhiều thứ sẽ khiến bản thân bị ức chế dẫn tới ảnh hưởng về kĩ năng, thao tác.
Tất nhiên, ở một số nội dung, một số môn, thực lực giữa VĐV của Việt Nam so với VĐV các nước bạn vẫn còn khoảng cách, nhưng không vì thế mà VĐV cảm thấy nhụt chí, yếu thế hơn so với đối thủ. Đó là suy nghĩ sai lầm bởi mọi thứ có thể xảy ra.
Cần phải biết rằng, đối thủ của chúng ta cũng là con người, họ cũng sẽ có thời điểm lên, xuống phong độ, có những lúc thi đấu tốt, không tốt. Nếu cứ giữ suy nghĩ chúng ta thua đối thủ thì rất dễ hình thành những tiêu cực, ảnh hưởng đến thi đấu.
- Trên cương vị là VĐV đàn anh đã từng tham gia thi đấu ở Olympic, anh có lời khuyên như thế nào với các VĐV trẻ, nhất là các VĐV lần đầu tham dự Olympic Paris 2024 tới đây?
HLV Hoàng Xuân Vinh: VĐV phải xác định chúng ta đến với đấu trường Olympic không còn là cọ xát, học hỏi kinh nghiệm mà là thi đấu hết mình, tinh thần phải lạc quan lên, đừng lo lắng bất cứ chuyện gì. Khi đã vào tới đấu trường lớn như Olympic thì VĐV phải có tinh thần mạnh và dám làm.
Tất nhiên, các VĐV vẫn phải tuân thủ những chỉ đạo, giáo án, hướng dẫn của HLV. Nhưng về mặt tâm lý, chỉ có chính các VĐV mới biết bản thân đang làm gì, nghĩ gì.
Nếu VĐV chỉ nghĩ rằng, bản thân đến với Olympic để thi đấu cho xong thì rõ ràng ý chí của họ đã bị thụt lùi.
Bên cạnh đó, VĐV cũng phải giữ cho bản thân một sự cân bằng, không để cho quá hưng phấn, cũng như lắng xuống quá, suy nghĩ một cách tích cực. Còn mỗi người sẽ có một cách điều chỉnh, có một cá tính khác nhau.
Bản thân tôi qua 2 kỳ Olympic đều duy trì suy nghĩ tích cực, thi đấu hết sức có thể kể cả khi thất bại, từ đó tìm ra những điểm yếu, những điều cần củng cố, bổ sung để hoàn thiện hơn. Mấu chốt cuối cùng vẫn là ở VĐV.
Các bạn cần giữ cho bản thân tinh thần, trạng thái, sức khỏe luôn phải sẵn sàng. Nếu tích cực phấn đấu, tôi nghĩ chắc chắn cơ hội thành công của các bạn sẽ cao hơn.
- Trong quá trình ổn định về mặt tâm lý đối với các VĐV, vai trò của HLV quan trọng như thế nào thưa anh?
HLV Hoàng Xuân Vinh: Về mặt tâm lý thì không phải HLV nào cũng biết cách giải quyết. Đôi lúc vấn đề tiềm ẩn trong suy nghĩ của VĐV trước, trong, sau thi đấu.
Cho nên HLV phải nắm bắt được việc tập luyện, sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ như thế nào để điều hòa, điều chỉnh được trạng thái.
Đại đa số các môn thể thao của chúng ta ở thời điểm hiện tại HLV đều kiêm luôn các công tác từ huấn luyện cơ bản đến tâm lý.
Để nắm bắt tốt tâm lý của VĐV thì yêu cầu tiên quyết giữa người huấn luyện và người được huấn luyện là phải hòa hợp như một, như hai người bạn thân. Đã bước tới đấu trường Olympic thì mối quan hệ lúc này không phải là bằng mệnh lệnh, mà phải cùng chung một chí hướng./.
Xin cám ơn anh về buổi trò chuyện!