(Tổ Quốc) - Với những người hâm mộ thể thao Việt Nam, xạ thủ, Đại tá Hoàng Xuân Vinh là cái tên nổi tiếng, người làm nên lịch sử thể thao Việt Nam khi trở thành vận động viên đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm này giành Huy chương vàng Olympic.
- 18.07.2024 Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh: Ở đấu trường Olympic, mối quan hệ giữa HLV và VĐV không phải bằng mệnh lệnh
- 03.11.2023 Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, cầu thủ Duy Mạnh, MC Mù Tạt đều “háo hức” về thứ này
- 05.08.2022 Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh và 20 năm thăng trầm với bắn súng Việt Nam: “Chất thép trong tôi được tích luỹ ngày này qua ngày khác, khi đủ về lượng sẽ có biến đổi về chất”
Nhắc đến Hoàng Xuân Vinh, nhiều người hâm mộ yêu mến, coi anh là niềm tự hào của thể thao Việt Nam. Hơn 20 năm gắn bó với môn bắn súng, chiến tích mà anh xác lập cho thể thao nước nhà tại đấu trường Olympic được xem là đỉnh cao ấn tượng.
Với những ai gần gũi, gặp gỡ với Đại tá Hoàng Xuân Vinh đều cảm phục anh với những tố chất vươn lên không ngừng trong cuộc sống và công việc. Từ một câu bé mồ côi mẹ, cuộc sống với tuổi thơ thiếu thốn, vất vả, mỗi ngày Vinh phải gánh 30-40 gánh nước từ tầng 1 lên tầng 3 để cả nhà có nước dùng. Tốt nghiệp cấp 3 và tình nguyện nhập ngũ.
Sau khi nhập ngũ, anh thi vào Trường Sĩ quan công binh (Bình Dương), trong đó có một năm rưỡi học tập và huấn luyện tại Trường Sĩ quan lục quân II (Đồng Nai). Lúc này, những khó khăn trong cuộc sống có lúc đã khiến Vinh nản chí và muốn bỏ học.
Nhưng những ngày đi lao động đốn củi, đào kênh mương, chặt mía, rẫy cỏ hạt điều... những đêm dài hành quân không ngủ và kỷ luật thép của quân đội đã khiến anh cứng cỏi và vững vàng hơn. Những năm tháng trong quân ngũ đã giúp anh trở thành một chàng trai nhiệt huyết và giàu mơ ước.
Trước khi trở thành nhà vô địch Olympic, Hoàng Xuân Vinh đã trải qua bao khó khăn và những thất bại. Nhưng sâu thẳm trong tim người lính Cụ Hồ này là ý chí sắt đá, nỗ lực vì mục tiêu cao nhất cho bắn súng Việt Nam và cho thể thao Việt Nam.
Khác với phần lớn các xạ thủ, Hoàng Xuân Vinh theo nghiệp bắn súng chuyên nghiệp khá muộn. Năm 1994, sau khi tốt nghiệp Trường Sĩ quan Công binh, anh về làm việc tại Lữ đoàn 239 Công binh tại Thường Tín, Hà Tây. Trong quân đội, việc phải biết sử dụng súng gần như là điều bắt buộc. Hoàng Xuân Vinh được cử đi tham dự các giải phong trào và thường mang thành tích tốt về cho đơn vị.
Năm 1998, tại giải bắn súng toàn quân đội, Hoàng Xuân Vinh giành vị trí quán quân. Vì vậy, năm 1999, câu lạc bộ Quân đội xin anh về. Anh được gọi vào đội tuyển quốc gia khi đã 26 tuổi và chính thức chia tay chức vụ sĩ quan chỉ huy. Cùng năm đó, Hoàng Xuân Vinh giành huy chương đầu tiên trong sự nghiệp VÐV thể thao chuyên nghiệp, đó là HCÐ đồng đội năm 1999 ở Cúp quốc gia nội dung súng ngắn hơi nam tổ chức tại Hải Phòng. Cũng bởi vậy mà tên tuổi của Hoàng Xuân Vinh bay xa trong làng bắn súng Việt Nam. Sang năm 2000, Vinh đã đoạt HCV và phá kỷ lục quốc gia môn súng ngắn hơi 10 m nam với 580 điểm và trở thành tuyển thủ quốc gia. Sáu kỳ SEA Games liên tiếp kể từ năm 2001 cho đến 2011, không năm nào anh không đoạt ít nhất một Huy chương vàng.
Thất bại cay đắng nhất là tại ASIAD 16 tại Quảng Châu, Trung Quốc 2010, Hoàng Xuân Vinh chính là kỳ vọng vàng của đoàn thể thao Việt Nam và tưởng chừng như anh đã nắm chắc chức vô địch cá nhân nội dung súng ngắn bắn nhanh khi hơn các đối thủ tới 4 điểm ở loạt bắn cuối cùng.
Thế nhưng, một phát bắn đi ra ngoài khiến anh tụt xuống hạng 13 chung cuộc. Kỳ ASIAD đó, may mà đoàn thể thao Việt Nam "giải khát vàng" bằng chức vô địch của nữ võ sĩ Wushu Dương Thúy Vi, nếu không có lẽ, Xuân Vinh khi đó đã trở thành "tội đồ".
Chưa dừng lại ở đó, đến Olympic London 2012, với tư cách xạ thủ vượt qua vòng loại thế giới để giành suất tham dự chính thức và nếu nhìn vào thành tích, Hoàng Xuân Vinh có cửa để giành huy chương, nhưng lại lần nữa, phong độ phập phù ở thời điểm quyết định khiến anh kém xạ thủ giành HCĐ đúng 0,1 điểm. Cũng cần phải nhắc lại rằng, kỳ Thế vận hội đó, Xuân Vinh vẫn cứ là niềm hy vọng huy chương lớn nhất của thể thao nước nhà.
Tại Olympic 2016, Hoàng Xuân Vinh đã ghi tên mình vào lịch sử thể thao Việt Nam với chiếc Huy chương vàng đầu tiên.
Sự khởi đầu tốt giúp Xuân Vinh có tâm lý thoải mái ở những loạt sau. Kết thúc 6 loạt bắn với 60 viên, Xuân Vinh đạt 581 điểm, đứng ở vị trí thứ 4. Người giành điểm số cao nhất vòng loại là xạ thủ người Trung Quốc Pang Wei với 590 điểm.
8 VĐV bước vào chung kết có màn đấu trí, đấu sức rất căng thẳng. Với tâm lý vững vàng, sau 8 viên đầu tiên, Hoàng Xuân Vinh có 91,9 điểm và xếp vị trí thứ hai. Bước ngoặt của Xuân Vinh ở chung kết là khi anh có 102,2 điểm, xếp vị trí thứ nhất khi vượt qua VĐV của nước chủ nhà Brazil, Felipe Almeida. Sau đó, Hoàng Xuân Vinh tiếp tục thi đấu tốt khi dẫn đầu với 143,5 điểm. Ở loạt này, nhà đương kim vô địch Jin Jongoh bị loại, đã mang lại lợi thế tâm lý rất tốt cho xạ thủ người Việt Nam.
Sau khi chắc chắn có huy chương đồng, rồi huy chương bạc, Hoàng Xuân Vinh tranh huy chương vàng với xạ thủ nước chủ nhà Brazil. Dù có 2 viên đạn không thực sự tốt nhưng viên đạn cuối cùng chung kết 10m súng hơi nam, Hoàng Xuân Vinh ngắm rất lâu. Cú bắn xuất thần giúp anh giành thêm 10,7 điểm, từ chỗ kém hơn đối thủ Felipe Almeda Wu 0,2 điểm vươn lên giành Huy chương vàng.
Với 202,5 điểm, hơn VĐV nước chủ nhà chỉ 0,4 điểm, xạ thủ số một Việt Nam cũng phá kỷ lục Olympic. Đây là kỳ tích mà chưa từng vận động viên nào của Việt Nam làm được trong những lần tham dự Thế vận hội.
Sau đỉnh cao ở Olympic Rio de Janeiro 2016, Hoàng Xuân Vinh được giới truyền thông và các doanh nghiệp săn đón như một ngôi sao. Anh sở hữu gương mặt điển trai, chiều cao ấn tượng (1,78m) nên có nhiều điều kiện xây dựng hình ảnh trở thành người nổi tiếng, có cơ hội để làm giàu. Nhưng Hoàng Xuân Vinh xác định tiếp tục gắn bó với bắn súng bởi thể thao đã cho anh tất cả. Được thưởng một khoản tiền lớn, anh dành ra 300 triệu đồng làm công tác thiện nguyện tại quê nhà Quảng Trị. Sau thành tích đặc biệt xuất sắc trên, Hoàng Xuân Vinh được đề nghị tặng danh hiệu Anh hùng Lao động nhưng anh khiêm nhường từ chối. Anh mong muốn danh hiệu cao quý này được trao tới Tổng cục Thể dục thể thao (nay là Cục Thể dục thể thao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Với anh, thành tích của cá nhân có công lao rất lớn từ tập thể các nhà quản lý, chuyên gia, huấn luyện viên, đồng đội trong nhiều năm.
Thành tích đoạt huy chương vàng, huy chương bạc và lập kỷ lục Olympic giúp Hoàng Xuân Vinh trở thành huyền thoại của thể thao Việt Nam, nhưng anh chưa bao giờ có suy nghĩ ngủ quên trên chiến thắng. Từ giữa năm 2022, dưới sự hỗ trợ của chuyên gia người Hàn Quốc Park Chung-gun, Hoàng Xuân Vinh nhận vai trò làm huấn luyện viên phụ trách đội tuyển bắn súng Việt Nam. Bên cạnh những công việc chung của đội tuyển, anh còn trực tiếp tham gia huấn luyện một số học trò, trong đó có Phạm Quang Huy.
Dưới sự chỉ bảo, kèm cặp của HLV Hoàng Xuân Vinh trong suốt một năm, Phạm Quang Huy tiến bộ thần kỳ, xuất sắc giành Huy chương Vàng ASIAD lần thứ 19 diễn ra năm 2023. Đây là tấm huy chương vàng đầu tiên của bắn súng Việt Nam tại sân chơi Á vận hội, danh hiệu mà trước đây chính Hoàng Xuân Vinh đã bỏ lỡ đầy tiếc nuối. Ngoài ra, nhiều năm qua, bắn súng Quân đội nhiều lần khẳng định vị thế hàng đầu trong các giải vô địch trẻ, vô địch quốc gia, đại hội thể thao toàn quốc, đóng góp nhiều xạ thủ chủ lực cho đội tuyển bắn súng Việt Nam. Công lao đó có một phần đóng góp không nhỏ của Đại tá Hoàng Xuân Vinh trên cương vị HLV trưởng.
Mới đây, HLV Hoàng Xuân Vinh khiến nhiều người bất ngờ khi rút khỏi đội tuyển bắn súng Việt Nam. Anh chia sẻ: "Với tôi, làm ở đâu cũng là làm. Điều quan trọng nhất là mình đóng góp được gì cho tập thể, cho bắn súng nước nhà. Năm 2024, tôi muốn dành sự tập trung tối đa cho nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện và thi đấu của đội tuyển bắn súng Quân đội".
Dấu ấn của Đại tá Hoàng Xuân Vinh (sinh năm 1974) được thể hiện qua những chiến công, thành tích: Cho đến nay, anh là người đầu tiên và duy nhất của thể thao Việt Nam giành huy chương vàng, phá kỷ lục Olympic; giành 2 huy chương tại một kỳ Thế vận hội. Anh đã được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, gồm: Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng...
Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện