(Tổ Quốc) - Vấn đề xâm hại tình dục trẻ em ngay trong trường học đã khiến nơi vốn được xem là an toàn lại trở thành chốn nguy hiểm.
Trong thời gian gần đây, giới truyền thông trong nước liên tục đăng tải những thông tin về các vụ việc xâm hại tình dục ở trẻ em, đặc biệt là các em nữ. Không những vậy, đối tượng xâm phạm lại còn là những thầy cô giáo, những người luôn mặc định là sẽ dìu dắt, che chở cho các em học sinh trong suốt quãng thời gian đầu đời.
Nói về thực trạng xâm hại tình dục trẻ em liên tiếp ở thời điểm hiện tại, Thạc sĩ – chuyên gia tâm lý học Nguyễn Thị Bình cho rằng, những trường hợp xâm hại không phải bây giờ mới diễn ra mà trước đây cũng đã có nhiều vụ việc xảy ra nhưng do ở thời điểm hiện tại, truyền thông đang rất phát triển nên những trường hợp đó nhanh chóng được đưa lên các trang báo, mạng.
Ông Đinh Bằng My, hiệu trưởng trường PT dân tộc nội trú đã có hành vi dâm ô với nhiều nam sinh
"Tôi đánh giá việc những học sinh bị chính giáo viên của mình xâm hại là một sự xuống cấp của đạo đức. Đây có thể xem là lời cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ, nhà trường khi những đứa trẻ của chúng ta không có khả năng tự phòng vệ. Như chúng ta biết, ở các vụ xâm hại gần đây, dù trẻ đã có khả năng tự phản kháng, tự lên tiếng nhưng mà rõ ràng các em lại lựa chọn im lặng. Không chỉ các em, mà chính những người thầy, người cô biết chuyện cũng không lên tiếng, điển hình là vụ việc thầy hiệu trưởng xâm phạm các em học sinh nam và các thầy cô trong trường biết nhưng im lặng. Im lặng ở đây đã thể hiện rằng họ xem đây là điều rất bình thường và chai lỳ"- Chuyên gia Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh.
Việc những đứa trẻ bị xâm hại tại chính ngôi trường các em theo học đã chứng minh rằng vẫn có quá nhiều lỗ hổng. Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Bình nhận định, dường như khi trẻ em đến trường, phụ huynh chỉ quan tâm đến việc trẻ đi học và thầy cô giảng dạy. Hơn thế nữa, trẻ luôn được dạy rằng phải nghe lời người lớn, thầy cô nên nhiều trường hợp xảy ra, học sinh luôn phải "chịu trận".
"Thậm chí việc đặt câu hỏi rất bình thường trong các môn học trẻ cũng rụt rè sợ hãi chứ chưa nói là lên tiếng để nhờ sự bảo vệ. Bên cạnh đó, những lời nói của trẻ đôi khi không tạo ra được sự tin tưởng. Tôi đã dạy kĩ năng sống ở nhiều trưởng học và thấy có nhiều vụ vẫn chưa đến mức xâm hại mà chỉ có dấu hiệu nhưng ngay lập tức giáo viên đã bác bỏ. Hơn nữa, tại trường học không có một cơ sở, trường ban nào để giải quyết vấn đề những đứa trẻ gặp phải mà họ chỉ luống cuống khi nghe những thông tin đó. Phản ứng của các trường thường là cố tạo những hình ảnh tốt đẹp, giấu đi những cái xấu dẫn đến những đứa trẻ phải chịu trận"- Chuyên gia Nguyễn Thị Bình cho biết.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Bình cho rằng khi những sự việc đáng buồn vỡ lở dẫn đến chuyện trẻ không còn coi những người đang được gọi là thầy cô
Những sự việc xảy ra với tần suất liên tục trong thời gian vừa qua đã khiến các trang báo mạng tràn ngập các thông tin gây ảnh hưởng đến tâm lý xã hội. Đối với những học sinh trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông đã có nhận thức, việc tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội, báo đài để phòng tránh tương đối đơn giản. Nhưng đối với những học sinh tiểu học thì không như vậy. Dù được phụ huynh hay thầy cô nhắc nhở những cũng sẽ chỉ lưu tâm đôi chút và quên rất nhanh.
Còn về mặt tâm lý xã hội, chuyên gia Nguyễn Thị Bình cho rằng tâm lý xã hội đang theo chiều hướng khá tiêu cực. Trước những vụ việc xâm hại trẻ em, dư luận đã lên tiếng chửi rủa những người xâm hại tình dục trẻ, cho rằng xã hội đang tha hóa, đồ trụy đi rất nhiều và mất đi niềm tin vào trường học nhưng lại quên mất việc phải hướng trẻ đến việc phải phòng, tránh, tự vệ trước những trường hợp trên.
"Tôi thấy sự phản đối của dư luận đúng bởi đây là những sự việc rất kinh khủng nhưng tôi nghĩ rằng tâm lý xã hội cần chuyển sang trạng thái này thì tốt hơn. Đó là gia tăng những chương trình giáo dục giới tính mang tính thực tế, cơ bản. Đây là điều được chỉ đạo từ Bộ Giáo dục và Đào tạo phải bắt buộc phải thực hiện trong nhà trường. Địa phương cũng cần phải có những chương trình tập huấn để tất cả người lớn phải ý thức được rằng con mình mình phải tự bảo vệ, đồng thời hướng dẫn cho các em một cách thực tế nhất để nếu như không may các em rơi vào hoàn cảnh xấu thì các em tự biết bảo vệ bản thân mình. Tức là mình muốn chuyển từ tâm lý chỉ có chửi, phản đối, chia sẻ… sang một hành động để cứu đứa trẻ, cải thiện những sự việc này"- Chuyên gia Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh.
Vị chuyên gia này cũng cảnh báo, sự mất tin tưởng của các em đối với thầy cô sẽ dẫn đến hệ lụy đáng buồn khi nhiều phụ huynh tin giáo viên, nhà trường gần như 100% và có những người coi việc giáo dục con cái là nhiệm vụ của nhà trường. Sau đó những sự việc đáng buồn vỡ lở dẫn đến chuyện trẻ không còn coi những người đang được gọi là thầy cô. Sự coi thường sẽ lây lan ra cả thầy cô khác khiến trường mất uy tín.