(Tổ Quốc) - Tình trạng vi phạm bản quyền sách xảy ra từ nhiều năm nay, với mức độ vi phạm ngày càng tinh vi và phức tạp. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm tới giờ vẫn gặp phải nhiều khó khăn, trong khi đó, có những NXB phải cạnh tranh với chính đối tượng ăn cắp bản quyền tác phẩm của mình.
Vi phạm bản quyền gây tổn hại lớn tới các chủ sở hữu
Ngay trước thềm năm học mới 2020-2021, liên tiếp các vụ làm giả, buôn bán sách giáo khoa (SGK) với số lượng lên tới hàng vạn cuốn đã được các cơ quan quản lý thị trường và cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ.
Điển hình là vụ việc cơ quan quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ gần 2,3 tấn bìa và ruột SGK có dấu hiệu in lậu tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Hay vụ việc bắt giữ 15.000 xuất bản phẩm không rõ nguồn gốc, 108 kg bao bì sản phẩm có in dòng chữ Made in Korea, 325 kg bao bì sản phẩm in dòng chữ nước ngoài Made in USA tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Lực lượng quản lý thị trường cũng đã phát hiện và thu giữ 27.200 cuốn SGK có dấu hiệu làm giả tại quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Điểm chung là mặc dù về hình thức, các SGK này trông giống SGK thật, có tem chống hàng giả, có mã vạch nhưng đều có chất lượng kém, in xấu, và do không được kiểm duyệt nên nhiều nội dung bị sai lệch.
Nói về thực trạng in ấn và buôn bán SGK lậu hiện nay, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam tỏ ra lo lắng cho biết, thời gian gần đây, mặc dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc và có hành động mạnh mẽ tuy nhiên nạn in lậu SGK diễn biến phức tạp.
Các đối tượng vì lợi nhuận quá lớn nên vẫn tiếp tục in ấn và phát hành SGK lậu. Việc này gây tổn hại lớn tới lợi ích của các NXB, đồng thời gây tổn hại tới chất lượng học tập của học sinh. Các vụ việc in ấn, phát hành SGK giả cũng đã xảy ra nhiều năm nay, thế nhưng vẫn chưa thể ngăn chặn triệt để vấn nạn này, các đối tượng vẫn đưa SGK giả bán ra ngoài thị trường mỗi dịp đầu năm học mới.
Gần đây là vụ việc Lazada để cho các đối tượng buôn bán sách giả ngay trên trang thương mại chính thức của công ty này buộc công ty First News-Trí Việt phải khởi kiện Lazada vì đã "tiếp tay" cho sách giả, sách lậu.
Thông tin tới báo chí ngày 9/9, công ty First News- Trí Việt đã yêu cầu Lazada gỡ ngay toàn bộ thông tin liên quan của các gian hàng bán sách giả của công ty này, đồng thời yêu cầu Lazada phải có biện pháp ngăn chặn tình trạng buôn bán sách giả trên sàn thương mại điện tử Lazada, cũng như buộc các nhà cung cấp phải chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của các cuốn sách được bán trên trang.
Công ty First News- Trí Việt cũng cho biết, từ đầu năm 2019 Công ty này đã nhận được nhiều phản hồi của độc giả về sách kém chất lượng khi mua trên Lazada. Hầu hết các đầu sách được phát hiện là sách giả, không được in ấn, phát hành hợp pháp và vi phạm nghiêm trọng bản quyền, quyền tác giả mà Công ty đang sở hữu.
Không chỉ bán trên các trang thương mại điện tử, nhiều tác phẩm văn học được photo, in lậu dưới dạng in nối bản, tái bản và được bày bán công khai trên các vỉa hè… cũng là hành vi vi phạm bản quyền nghiêm trọng.
Nhiều NXB cho biết, việc tái bản các ấn phẩm này sẽ tốn rất nhiều chi phí như tiền tác quyền, in ấn, chiết khấu thương mại… nhưng chỉ bán được số lượng ít, trong khi các đối tượng bán lậu sách này lại thu được bộn tiền, lợi nhuận gấp nhiều lần so với giá bán trên bìa sách khiến cho những đối tượng bất chấp vi phạm.
Khó có thể phân biệt được SGK giả với SGK thật (ảnh: VOV)
Hạn chế trong xử lý vi phạm về bản quyền
Có thể nói hàng rào pháp lý về bản quyền của Việt Nam khá đầy đủ. Chúng ta có các văn bản quy phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ liên quan tới quyền tác giả như Luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Hình sự, các Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ; các Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ; Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả và quyền liên quan…
Việt Nam cũng tham gia công ước Bern về bảo hộ quyền tác giả, là thành viên của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO…
Các cơ quan thực thi về quyền sở hữu trí tuệ như Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL), Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) luôn đảm bảo thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình cũng như bám sát các quy định của Pháp luật, các hoạt động về bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan.
Khi các tổ chức, cá nhân vi phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ phải chấm dứt hành vi xâm phạm và bị áp dụng các hình thức xử phạt tùy theo mức độ vi phạm như cảnh cáo, phạt tiền… Ngoài ra, còn có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: bắt buộc đưa ra ngoài lãnh thổ nước Việt Nam, tái xuất hàng hóa, vật phẩm, buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại, buộc phải cải chính thông tin, loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, vật phẩm, hay buộc phải sửa lại đúng tên tác giả, tác phẩm, buộc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan…
Các tổ chức, cá nhân vi phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng sẽ phải chịu các biện pháp dân sự do Tòa án áp dụng như buộc chấm dứt hành vi xâm phạm, buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự, bồi thường thiệt hại, buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa, nguyên vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, các cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm bản quyền có yếu tố cấu thành tội phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Luật Hình sự.
Trước những hành vi vi phạm bản quyền tác giả như vừa đề cập, các đối tượng vi phạm mặc dù đã biết sẽ phải gánh chịu hậu quả cũng như sẽ bị pháp luật xử lý, tuy nhiên, do lợi nhuận quá cao cũng như lợi dụng được hạn chế của lực lượng thực thi (Tòa án, Thanh tra, Quản lý thị trường, Công an…) còn mỏng nên các đối tượng này vẫn không ngừng thực hiện các hoạt động bất hợp pháp này.
Thêm vào đó, mức xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào mức độ, tính chất cũng như hậu quả mà hành vi vi phạm gây ra còn nhẹ, chẳng hạn, vi phạm quy định về hoạt động in bị phạt nhiều nhất là 40 triệu đồng; tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in, nhân bản lậu, in giả, in nối bản trái phép hoặc xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp từ 300 bản trở lên bị phạt tiền nhiều nhất là 30 triệu đồng; cá nhân không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện hành vi xâm phạm có quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính gây thiệt hạn cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan có thể bị phạt tới 300 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ tới 3 năm; hoặc tội vi phạm quy định về hoạt động xuất bản quy định tại Điều 344 Luật Hình sự thì có thể bị phạt tiền lên đến đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm…
Đại diện một NXB cho biết, việc chứng minh thiệt hại đối với sách bị in lậu là khó khăn, việc xác định mức độ thiệt hại dựa trên số lượng sách in ấn, phát hành chui bị bắt, tuy nhiên, số lượng sách lậu đưa ra bán ngoài thị trường thường nhiều hơn nhiều lần. Thêm vào đó, sách lại là sản phẩm khó có thể xác định là hàng giả hay hàng nhái để áp dụng khung hình phạt phù hợp. Do đó rất bất cập trong việc xử lý đúng và đủ đối với các đối tượng vi phạm.
Mặc dù sách giả không gây ảnh hưởng ngay tới người sử dụng, nhưng về lâu dài, các cuốn sách này sẽ gây nhiều tác hại bởi chất lượng kém hơn nhiều so với sách thật. Từ thực trạng này, để việc bảo hộ tác quyền có hiệu quả, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật cho phù hợp với chuẩn mực quốc tế cũng như điều kiện thực tế tại Việt Nam, áp dụng các chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền tác giả hay có các biện pháp mạnh tay hơn nữa để xử lý các đối tượng cũng như các hành vi vi phạm bản quyền tác giả.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp cũng cần phải có các biện pháp tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về quyền tác giả, cũng như quyền trong các sáng tạo trí tuệ… có như vậy mới hạn chế được vấn nạn vi phạm bản quyền sách như hiện nay.