(Tổ Quốc) - Đó là một trong nhiều nội dung được bàn đến tại Hội nghị Tổng kết Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Ca Huế giai đoạn 2017-2022 được tổ chức sáng nay (24/3) với sự tham gia của lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan.
Nhiều kết quả đạt được
Báo cáo tại hội nghị, lãnh đạo Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thời gian qua công tác tuyên truyền, quảng bá về giá trị di sản nghệ thuật Ca Huế đã được các đơn vị triển khai có hiệu quả. Thông qua các chương trình tuyên truyền, quảng bá đã góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao năng lực, nhận thức của cán bộ làm công tác văn hóa, cán bộ ở các cấp chính quyền nói chung và cộng đồng xã hội về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản nghệ thuật Ca Huế.
Bên cạnh đó, Sở VHTT đã phối hợp với Học viện Âm nhạc Huế tiến hành nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục các bài bản Ca Huế cổ có nguy cơ mai một, thất truyền, theo hướng phục hồi nguyên bản, đảm bảo chất lượng để khẳng định giá trị độc đáo, tính đặc trưng, bản sắc của Ca Huế. Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế cũng đã tập trung sưu tầm các bài bản Ca Huế; hệ thống hóa các làn điệu thu âm, ghi hình, ký âm lập tổng phổ âm nhạc các làn điệu đưa vào lưu trữ 10 làn điệu Ca Huế và hơn 15 làn điệu Dân Ca Huế.
Từ năm 2019 đến năm 2022, Sở VHTT cũng phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức 3 lớp tập huấn và cấp giấy chứng nhận hát Ca Huế cho 113 giáo viên bộ môn Âm nhạc của 100 trường THCS trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Sau khi hoàn thành khóa tập huấn, các giáo viên đã đưa Ca Huế vào dạy lồng ghép trong chương trình môn Âm nhạc để giới thiệu, truyền dạy cho các em học sinh. Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản Ca Huế.
Cùng với đó, tiếp tục duy trì, củng cố hoạt động các CLB Ca Huế trên địa bàn tỉnh với nhiều hình thức và nội dung sinh hoạt phong phú, phù hợp với yêu cầu hiện nay về việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản Ca Huế.
Thời gian qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, Sở VHTT đã chủ trì phối hợp với UBND TP Huế và các ngành liên quan tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động biểu diễn Ca Huế trên sông Hương. Do đó, hoạt động Ca Huế trong thời gian qua cơ bản đảm bảo về chất lượng, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của du khách trong và ngoài nước. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 12 doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh Ca Huế với tổng số 519 nhạc công và diễn viên. Trong đó, có 287 diễn viên và 232 nhạc công.
Nhằm giới thiệu, nghiên cứu, khẳng định giá trị sâu sắc về văn hóa, lịch sử của nghệ thuật Ca Huế gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế, Sở VHTT đã tổ chức biên soạn, xuất bản các ấn phẩm: Ca Huế - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Nxb Thuận Hóa, 2019), Nghệ thuật Ca Huế trong xã hội đương đại (Nxb Thuận Hóa, 2022), Khúc Hương Bình (Nxb Thuận Hóa, 2022), Miền Hương Ngự (Nxb Thuận Hóa, 2022). Đặc biệt, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định chọn ấn phẩm Ca Huế - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia để tái bản có bổ sung, đưa vào Tủ Sách Huế.
Cần đi vào những chính sách, giải pháp cụ thể
Những năm gần đây, công tác phát huy giá trị và xây dựng Ca Huế trở thành sản phẩm dịch vụ văn hóa du lịch đặc sắc cũng được địa phương hết sức quan tâm. Cụ thể, năm 2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt Đề án phát huy giá trị và xây dựng Ca Huế trở thành sản phẩm dịch vụ văn hóa du lịch đặc sắc giai đoạn 2021-2025.
Trên cơ sở Đề án phê duyệt, Sở VHTT đã phối hợp với UBND TP Huế và các ngành liên quan tích cực triển khai và bước đầu đã đạt được kết quả nhất định như: đã triển khai xây dựng App Ca Huế nhằm mục đích tăng cường các biện pháp quản lý và quảng bá, giới thiệu về nghệ thuật Ca Huế. Tập trung công tác quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ diễn viên, nhạc công Ca Huế phục vụ khách du lịch; Hằng năm, tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo lại, bồi dưỡng kỹ năng biểu diễn cho các cho các diễn viên, nhạc công của các doanh nghiệp tổ chức biểu diễn Ca Huế; Xây dựng các chương trình Ca Huế mẫu làm cơ sở để các doanh nghiệp tổ chức biểu diễn Ca Huế xây dựng các chương trình biểu diễn phục vụ khách du lịch….
Tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ghi nhận và đánh giá cao sự chung tay của các sở, ngành và các nghệ sĩ trong chặng đường để bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật ca Huế thời gian qua. Đồng thời, đề nghị ngành VHTT cần có những giải pháp, chủ trương định hướng cho việc phát huy các giá trị của ca Huế trong giai đoạn tiếp theo. Đặc biệt, chú trọng công tác phát huy giá trị và xây dựng Ca Huế trở thành sản phẩm dịch vụ văn hóa du lịch đặc sắc.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cần phải đánh giá một cách thực chất và khoa học, đi vào những chính sách và giải pháp cụ thể trong việc triển khai đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Ca Huế, như: Phối hợp với các địa phương, đơn vị hình thành sự kết nối trong việc phát triển nghệ thuật Ca Huế; Quan tâm chế độ, chính sách đối với các nghệ nhân, nghệ sĩ nhằm khuyến khích tài năng, nâng cao chất lượng hoạt động Ca Huế; Phát triển Ca Huế thính phòng tại các cơ sở dịch vụ du lịch và các show biểu diễn nghệ thuật để thu hút du khách…
Trong thời gian tới, ngành VHTT cũng cần tăng cường đẩy mạnh công tác truyền dạy và quảng bá di sản nghệ thuật Ca Huế. Tiếp tục kiểm kê, sưu tầm, nhận diện giá trị di sản nghệ thuật Ca Huế để chuẩn bị hồ sơ khoa học "Nghệ thuật Ca Huế" đệ trình UNESCO đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khi có sự đồng ý chủ trương xây dựng hồ sơ của Thủ tướng Chính phủ.
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tặng Bằng khen cho 10 tập thể và 15 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Ca Huế giai đoạn 2017-2022.