• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xây dựng đời sống văn hóa để thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử

Văn hoá 13/11/2018 14:52

(Tổ Quốc) - Xây dựng môi trường văn hóa trong đời sống hiện thực cũng chính là trách nhiệm xây dựng môi trường văn hóa trên không gian ảo để tôn vinh, lan tỏa các giá trị tốt đẹp của con người, đất nước, từ đó hoàn thiện các giá trị tốt đẹp, bền vững trong hội nhập quốc tế.

Trong Chính phủ điện tử (CPĐT), quan hệ giữa người dân với Chính phủ đóng vai trò rất quan trọng, cốt yếu, xuyên suốt và toàn diện. Mục đích của CPĐT chính là đem lại tiện ích, phục vụ người dân tốt hơn với vai trò của Chính phủ kiến tạo, liêm chính, do vậy sự tương tác của người dân quyết định sự phát triển của CPĐT với giá trị toàn diện và bền vững.

 Xây dựng đời sống văn hóa để thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (nguồn: vietnamplus.vn)

Giá trị đem lại của CPĐT

Khái niệm CPĐT (tiếng Anh: e-Government) không phải đến bây giờ mới xuất hiện mà đã có cách đây nhiều thập niên, do vậy cùng với tốc độ phát triển của công nghệ thông tin mà định nghĩa của CPĐT có những thay đổi theo. Theo định nghĩa của ngân hàng thế giới (World Bank), "CPĐT là việc các cơ quan Chính phủ sử dụng một cách có hệ thống CNTT-TT để thực hiện quan hệ với công dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Nhờ đó giao dịch của các cơ quan Chính phủ với công dân và các tổ chức sẽ được cải thiện, nâng cao chất lượng. Lợi ích thu được sẽ là giảm thiểu tham nhũng, tăng cường tính công khai, sự tiện lợi, góp phần vào sự tăng trưởng và giảm chi phí". Định nghĩa của Liên Hợp quốc: "Chính phủ điện tử được định nghĩa là việc sử dụng Internet và mạng toàn cầu (world-wide-web) để cung cấp thông tin và các dịch vụ của chính phủ tới công dân". Có thể thấy rõ giá trị đem lại của CPĐT đem lại là mọi quan hệ giữa Chính phủ và công dân bảo đảm tính minh bạch, công khai, thuận tiện, bảo đảm sự kiểm soát và giám sát lẫn nhau giữa công dân với chính phủ; một Chính phủ của dân, vì dân và vì sự phồn thịnh của đất nước trong một môi trường toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Như vậy, nền tảng của CPĐT không hoàn toàn và duy nhất quyết định là hạ tầng công nghệ thông tin, mà là sự đổi mới toàn diện trên các mặt quan hệ, đặc biệt là quan hệ giữa công dân với chính quyền các cấp, các nguồn lực, phương thức vận hành, sự đồng bộ giữa chính quyền Trung ương với địa phương mà bao trùm toàn bộ là nhận thức và hành động, xa hơn nữa là văn hóa của mỗi công dân và cộng đồng trong môi trường CPĐT.

Nhìn nhận từ vai trò chủ thể từ các cấp độ từ thông tin - tương tác – giao dịch – chuyển hóa, vai trò của công dân luôn đóng vai trò vừa là người điều khiển vừa là người thụ hưởng tiện tích của CPĐT, do vậy, cách ứng xử của mỗi công dân trong môi trường CPĐT đóng vai trò quan trọng không chỉ thúc đẩy CPĐT tiến nhanh hơn, hoàn thiện hơn mà còn góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện thể chế. Người dân chỉ thực sự thấy được lợi ích của mình, để từ đó ủng hộ và cùng tạo ra môi trường văn hóa ứng xử trong các quan hệ với chính quyền.

Một ví dụ nhỏ: Thay vì phải đến trường đến nộp hồ sơ nhập học, các bậc phụ huynh và học sinh có thể nộp hồ sơ trực tuyến và thao tác ngay trên điện thoại thông minh; thay vì phải đến cơ quan thuế để kê khai thuế, nộp thuế, người dân và doanh nghiệp có thể kê khai tại nhà thông qua hình thức kê khai trực tuyến; hoặc người dân có thể tham vấn, tư vấn trực tuyến những vấn đề quan tâm… tổ chức đấu thầu các dự án mua sắm công hoặc các hoạt động kinh tế khác… Có thể nói, CPĐT đem lại rất nhiều tiện ích, xóa bỏ chế độ xếp hàng, giảm tối đa thời gian, chi phí đi lại, giấy tờ cho người dân, đồng thời cung cấp cho người dân môi trường minh bạch, được giám sát công khai, hiệu quả.

Ứng xử văn minh trên môi trường giao tiếp của CPĐT

Để làm cho CPĐT phát triển, thúc đẩy sự phát triển đồng bộ từ chính quyền trung ương đến chính quyền địa phương, đòi hỏi nhận thức của người dân từ thành phố đến nông thôn, từ đô thị đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo cần được trang bị những hiểu biết, đủ để mỗi người dân đủ năng lực để thực hiện các tương tác trong môi trường chính quyền điện tử. Muốn làm được điều này, Phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, trước hết cần nhận thức được đầy đủ những tác động của môi trường CPĐT với đời sống văn hóa gia đình và cộng đồng.

Trước hết, là việc ứng xử của mỗi chủ thể - người dân khi tương tác với chính quyền trong môi trường CPĐT; đòi hỏi mỗi người dân phải hiểu đầy đủ các dấu hiệu, yêu cầu mặc định của hệ thống công nghệ thông tin. Người dân cần có ý thức ứng xử văn hóa thực hiện tương tác trên trường điện tử và giao dịch điện tử, vì mọi hành vi "không tích cực" đều dẫn đến làm cho tính minh bạch, tiện ích và lợi ích mà người dân được thụ hưởng bị thu hẹp; chưa kể là những tổn thương mà chính bản thân phải gánh chịu mà nó còn làm hoen ố ý nghĩa tốt đẹp của môi trường ảo. Do vậy, để có được nhận thức đầy đủ về trách nhiệm công dân khi tương tác, giao dịch trong môi trường CPĐT, Phong trào xây dựng đời sống văn hóa cần đẩy mạnh công tác tuyên thông, tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân nâng cao hiểu biết, ứng xử văn minh trên môi trường giao tiếp của CPĐT.

Tiếp đến, rất cần có bộ quy tắc ứng xử của công dân với CPĐT; công chức, viên chức với CPĐT làm cơ sở để truyên truyền, vận động, định hướng, hướng dẫn công dân, công chức, viên chức xây dựng văn hóa ứng xử trong môi trường CPĐT. Bộ quy tắc này cần đề cao yếu tố đạo đức công dân, đạo đức công vụ để hạn chế, dần dần loại bỏ những hiện tượng lợi dụng những kẽ hở trong môi trường CPĐT để tư lợi, vi phạm pháp luật. Đặc biệt trong thực hiện tương tác giữa mạng xã hội với CPĐT cần quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm Luật An ninh mạng để hạn chế tối đa những sai sót dù cố ý hay vô tình tạo ra trên không gian của CPĐT. Đối với công chức, viên chức, cán bộ lãnh đạo, quản lý cần bổ sung vào chuẩn mực đạo đức công vụ các tiêu chí về đạo đức trong môi trường CPĐT, có như vậy mới nâng cao được chất lượng phục vụ nhân dân, nâng cao được giá trị, tiện ích của một Chính phủ hiện đại, kiến tạo, liêm chính.

Gắn văn hóa ứng xử của cá nhân, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong môi trường CPĐT với xây dựng gia đình văn hóa, cộng đồng văn hóa chính là sự hỗ trợ, tương tác giữa các thành viên trong gia đình, rộng hơn là trong cộng đồng và toàn xã hội thể hiện sự tôn trọng các giá trị riêng, giá trị truyền thống trên không gian mạng mà trước hết là sự tôn trọng và thực thi pháp luật. Có trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ, nâng cao hiểu biết cho mọi thành viên của gia đình và cộng đồng về nội dung xây dựng đời sống văn hóa trong môi trường số, môi trường hội nhập và trong tham gia tương tác với CPĐT. Phát huy tiện ích của CPĐT đi đôi với cùng tham gia giáo dục, đấu tranh chống các hành vi đi ngược lại các giá trị tốt đẹp của CPĐT đem lại dần trở thành việc làm thường trực trong đời sống của người dân. Xây dựng môi trường văn hóa trong đời sống hiện thực cũng chính là trách nhiệm xây dựng môi trường văn hóa trên không gian ảo để tôn vinh, lan tỏa các giá trị tốt đẹp của con người, đất nước Việt Nam, từ đó hoàn thiện các giá trị tốt đẹp, bền vững trong hội nhập quốc tế.

Xây dựng văn hóa ứng xử của người dân, doanh nghiệp, công chức, viên chức trong môi trường CPĐT là yêu cầu đi cùng với quá trình hoàn thiện thể chế và hạ tầng công nghệ thông tin. Vì vậy, Phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa cần thể hiện vai trò trung tâm, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, vừa kế thừa các giá trị truyền thống, vừa chọn lọc, phát triển các giá trị hiện đại, để mỗi người dân trở thành một hạt nhân quan trọng, góp tay xây dựng CPĐT mà lợi ích đem lại đúng với tôn chỉ, mục đích đặt ra, từ đó cùng với Chính quyền các cấp xây dựng bộ máy, tổ chức ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Lê Thảo

NỔI BẬT TRANG CHỦ