(Tổ Quốc) - Từ thành công của việc xây dựng hệ sinh thái truyện tranh trên thế giới cho thấy thành quả không chỉ dừng lại bởi những con số trong mơ, giải thưởng danh giá mà đằng sau đó còn đem lại những giá trị to lớn về niềm tự hào dân tộc.
Từ truyện đến phim
Hệ sinh thái truyện tranh phổ biến nhất mà khán giả thường thấy là từ truyện đến phim. Phim có thể là phim hoạt hình, phim truyền hình và phim chiếu rạp. Và dường như ở thể loại phim nào thì phần lớn tác phẩm được chuyển thể ở truyện tranh cũng gây được sự chú ý, gặt hái được nhiều thành công trên thế giới.
Các bộ phim của DC, Marvel đều dựa trên các nhân vật xuất hiện trong các bộ truyện tranh Mỹ được xuất bản trước đó. Phim điện ảnh đầu tiên của MCU là Người Sắt (2008). Sau đó, hàng loạt "bom tấn" khác xuất hiện từ đó đến nay như: Biệt đội siêu anh hùng, Người Sắt 3, Người Kiến, Captain America: Nội chiến siêu anh hùng, Người Nhện xa nhà, Góa phụ đen…
Đô rê mon và Thám tử lừng danh - từ tác phẩm truyện tranh, đã có phim hoạt hình và hàng chục phim điện ảnh ra rạp
Tại Nhật, hệ sinh thái từ truyện tranh phát triển mạnh và có sức ảnh hưởng lớn đến nhiều quốc gia khác. Có thể kể đến các bộ truyện tranh nổi tiếng được chuyển thể thành phim như Đô rê mon, Thám tử lừng danh Conan, Bảy viên ngọc rồng, Thanh gươm diệt quỷ…
Còn tại Trung Quốc, sau thành công của những bộ truyện tranh nhiều bộ phim được chuyển thể như: Tam Mao, Chú Thoòng, Ô long viện, Đấu la đại lục, Linh kiếm tôn… Bên cạnh đó nhiều truyện tranh ngôn tình Trung Quốc cũng được chuyển thành phim trong những năm trở lại đây.
Dòng truyện tranh sinh sau đẻ muộn hơn so với các nước kể trên là Hàn Quốc lại có bước đi khá mới. Phần lớn truyện tranh của Hàn Quốc những năm gần đây tồn tại dưới dạng webtoon – truyện tranh mạng. Truyện tranh mạng đã trở thành mảnh đất vô cùng màu mỡ cho phim truyền hình. Theo thống kê cho thấy, năm 2020, Hàn Quốc có 11 phim được chuyển thể từ truyện tranh, năm 2021 tăng lên 29 phim. Các phim được chuyển thể từ truyện tranh mạng gây tiếng vang có: Tầng lớp Itaewon, Hellbound, Thư ký Kim sao thế, Hẹn hò chốn công sở...
Rõ ràng, đây là một minh chứng cho thấy truyện tranh dù ở dạng truyền thống bản in hay online thì nó đã và đang xâm nhập vào mọi đối tượng, mọi đề tài mà không hề có giới hạn như không ít người mặc định. Chia sẻ thêm về nhận định này, bà Vũ Thị Quỳnh Liên – Phó Giám đốc, Tổng biên tập NXB Kim Đồng cũng cho rằng: Không chỉ dành cho trẻ em, truyện tranh đang hướng tới đối tượng lớn hơn và bạn đọc trẻ, bạn đọc trưởng thành. Ở những nền công nghiệp truyện tranh lớn trên thế giới, truyện tranh tiếp cận mọi đối tượng bạn đọc, ở mọi đề tài.
Doanh thu và danh tiếng
Đi kèm với sự thành công về việc chuyển thể nội dung, được khán giả đón nhận là doanh thu từ hệ sinh thái này mang lại. Doanh số bán truyện tranh, bao gồm tiểu thuyết đồ họa, các ấn bản lẻ và truyện tranh kỹ thuật số khu vực Bắc Mỹ đã đạt 2,075 tỷ USD vào năm 2021, tăng 62% so với năm 2020 và tăng 70% so với năm 2019. Số liệu này được Comichron (trang web chuyên nghiên cứu truyện tranh) và ICv2 (một trang web theo dõi nhiều lĩnh vực kinh doanh, trong đó có truyện tranh) đưa ra vào tháng 6 năm nay.
Bên cạnh đó, những bộ phim chuyển thể từ truyện tranh tại nhiều nước luôn ghi nhận những kỷ lục phòng vé. Như phim Người nhện xa nhà đã thu về 600 triệu đô trên toàn cầu chỉ trong chưa đầy 10 ngày; Loạt phim “Chiến tranh các vì sao” đã tạo nên cơn sốt phòng vé nhiều nơi trên thế giới, thu được tổng cộng 529 triệu USD sau tuần đầu ra mắt. "Thanh gươm diệt quỷ: Chuyến tàu vô tận" đạt doanh thu 313,7 triệu USD, trở thành phim ăn khách nhất mọi thời tại Nhật Bản....
Tạp chí xuất bản Shuppan Geppо̄ đã trích dẫn thông tin từ Hiệp hội Xuất bản Quốc gia và Viện Khoa học Xuất bản Nhật Bản về doanh thu của thị trường truyện tranh nước này. Theo đó, doanh số của thị trường truyện tranh nội địa của Nhật Bản, cả bản in và bản điện tử, đã đạt 675,9 tỷ yên (khoảng 5,9 tỷ USD) trong năm 2021, tăng 10,3%. so với 1 năm trước.
Số liệu của cơ quan nội dung sáng tạo Hàn Quốc (KOCCA) công bố ngày 24/12/2021, thị trường webtoon đạt 1.105 tỷ won (843,6 triệu USD) trong năm 2020, tăng 64,5% so với năm trước. Trong đó, các nền tảng phát hành đạt doanh thu 519,1 tỷ won, công ty sản xuất kiếm được 534,7 tỷ won. Theo The Korea Times, lần đầu tiên doanh thu hàng năm toàn ngành vượt ngưỡng nghìn tỷ won kể từ 2017. Và doanh thu năm 2021 tăng cao, vượt mốc 1.200 tỷ won (một tỷ USD). Trong những nền tảng khai thác trên internet hoặc xuất khẩu sang các nước khác của hệ sinh thái truyện tranh thì doanh thu không dừng lại ở một mốc hay một con số nhất định. Doanh thu sẽ tiếp tục được nhân lên khi lượng khán giả, độc giả tiếp tục còn tìm kiếm. Vì vậy không ngoa khi ai đó cho rằng khi hệ sinh thái truyện tranh đã chạm đến thành công thì doanh thu là ... không giới hạn.
Hệ sinh thái truyện tranh còn mở rộng đến cả lĩnh vực du lịch. Tại Nhật Bản hay một số nước trên thế giới có những con đường truyện tranh, thành phố truyện tranh, khu du lịch truyện tranh... Ở đó những nhân vật quen thuộc từ truyện tranh xuất hiện gần gũi, đáng yêu để tương tác, hòa mình vào. Điều này không chỉ khiến độc giả thêm yêu mến, gắn bó tác phẩm mà còn tạo ra những sản phẩm du lịch sáng tạo, độc đáo.
Điều đáng nói là, những tác phẩm truyện tranh đình đám được chuyển thể thành phim không chỉ dừng lại ở doanh thu khủng mà còn mang đến rất nhiều giải thưởng danh giá, chạm tay đến Oscar. Superman được vinh danh tại lễ trao giải Oscar lần thứ 51 ở hạng mục Kỹ xảo hình ảnh xuất sắc. Batman (1989) thắng giải Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc. Tại Oscar 2015, Big Hero 6 giành giải Phim hoạt hình xuất sắc. Phim Road to Perdition (2002) cũng từng thắng giải Quay phim xuất sắc…
Trong hệ sinh thái truyện tranh có những tác động và cộng hưởng rất rõ rệt. Có những độc giả vì đọc truyện tranh mà xem phim. Ngược lại, có khán giả chưa đọc truyện tranh nhưng sau khi xem phim thì lại tìm đọc truyện tranh. Sự cộng hưởng tích cực này đã tạo nên những làn sóng độc giả để hệ sinh thái truyện tranh tiếp tục được lan tỏa và mở rộng. Đây chính là tiền đề để triển lãm nghệ thuật, chương trình truyền hình đặc biệt, trò chơi điện tử, artbook cùng các sản phẩm ăn theo như đồ chơi, hình ảnh trên mũ, áo, đề can dán…thậm chí kéo theo cả giải trí, du lịch cùng đi theo.
Sự nhận dạng "thương hiệu" truyện tranh trên thế giới được xác lập những cái tên như Manga (Nhật Bản), Manhua (Trung Quốc), Comic (Châu Âu) Manhwa (Hàn Quốc) …khi được dịch ra nhiều thứ tiếng còn là cơ hội quảng bá, giới thiệu đất nước, con người và văn hóa của đất nước đó đến với thế giới. Rõ ràng, đây không chỉ là thành công về mặt thương mại khi tạo ra doanh thu từ lĩnh vực văn hóa mà cao hơn, nó cho thấy một tầm nhìn xa về cơ hội quảng bá văn hóa. Mà cơ hội này nếu chỉ đơn thuần bỏ tiền ra chưa chắc mang lại kết quả bằng "cầu nối" từ hệ sinh thái nghệ thuật - truyện tranh.
Hệ sinh thái truyện tranh không chỉ thành công bởi những con số, giải thưởng cụ thể kể trên mà còn đem lại những giá trị to lớn đằng sau. Chẳng hạn như sự ngưỡng mộ, háo hức, chờ đợi của hàng triệu khán giả mọi lứa tuổi, mọi quốc gia cùng chào đón tác phẩm. Tác giả, tác phẩm của đất nước nào có được vinh dự này không chỉ trở thành niềm tự hào, hãnh diện của cá nhân mà còn cho cả quốc gia đó.
Lối đi riêng nào cho công nghiệp văn hóa từ truyện tranh
Nhiều năm trở lại đây, những làn sóng văn hóa của Hàn Quốc đã tác động vô cùng mạnh mẽ và đem lại hiệu ứng tích cực trên thế giới. Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc từng đưa ra nhận định rằng webtoon (truyện tranh mạng) đang cho thấy tiềm năng trở thành ngành công nghiệp tiếp theo thúc đẩy làn sóng hallyu đi khắp thế giới, sau Kpop, phim ảnh. Nhận định này thực sự đáng để suy nghĩ.
Qua những dẫn chứng kể trên, một câu hỏi đặt ra là, vậy chúng ta sẽ có lối đi riêng nào cho công nghiệp văn hóa, cụ thể hơn cho việc xây dựng hệ sinh thái truyện tranh?
Sẽ rất khó có một mẫu số chung, một công thức thành công từ nước này, từ thành phố này áp dụng cho nước khác hay thành phố khác. Bởi hệ sinh thái của nghệ thuật - xuất phát từ văn hóa đã hàm chứa sự khác biệt. Và chỉ có sự khác biệt trong nghệ thuật, trong dấu ấn văn hóa của từng nơi mới đem đến những giá trị nghệ thuật, được công chúng háo hức biết đến, mong được tìm hiểu, khám phá.
Webtoon (truyện tranh mạng) đang cho thấy tiềm năng trở thành ngành công nghiệp tiếp theo thúc đẩy làn sóng hallyu đi khắp thế giới, sau Kpop, phim ảnh
Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc
Bản thân mỗi vùng đất nói riêng đã là một mảnh đất không thể lẫn vào nơi nào. Chúng ta có một nền văn hóa phong phú, đặc sắc, một bề dày của lịch sử với biết bao tinh hoa văn hóa được lưu giữ, trao truyền.
Hiện nay chúng ta có không ít các cuộc thi về văn chương, nhưng dường như mảng truyện tranh còn vắng bóng. Vậy một là các đơn vị nghệ thuật cần mạnh dạn tổ chức một cuộc thi về truyện tranh. Từ những tác phẩm chất lượng, có tiềm năng để có thể phát triển thành hệ sinh thái cũng như công nghiệp văn hóa thì lựa chọn đầu tư. Hoặc có thể linh hoạt mềm dẻo hơn bằng cách lựa chọn từ các cuộc thi văn học uy tín (dạng chữ truyện thống), bao gồm cả thiếu nhi, tuổi mới lớn, tiểu thuyết... có chất lượng, có "tố chất" chuyển thể được sang truyện tranh để đầu tư.
Đầu tư và phát triển hệ sinh thái truyện tranh cho phát triển công nghiệp văn hóa đã không còn mới ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, với Việt Nam còn khá mới mẻ và dường như chưa có tiền lệ. Chúng ta mới chỉ có một vài tác phẩm lẻ tẻ đi từ truyện tranh - phim, hoặc truyện chữ - truyện tranh - phim... chứ chưa bài bản và trở thành một chu trình công nghiệp văn hóa. Bởi thực tế, làm được điều này cần nhiều yếu tố cộng gộp như: tài năng nghệ thuật, năng lực tài chính, truyền thông... Nhưng quan trọng hơn hết là sự quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, dám làm đầu tư của cả những người yêu văn hóa nghệ thuật, tâm huyết với văn hóa nghệ thuật nước nhà để cùng bắt tay thực hiện.
Bình luận