• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xây dựng hệ sinh thái nghệ thuật: Bài 3 - Để truyện tranh hướng đến công nghiệp văn hóa, chờ bứt phá ở tương lai

Văn hoá 10/08/2022 14:32

(Tổ Quốc) - Hệ sinh thái truyện tranh là một chuỗi liên kết nghệ thuật rất có tiềm năng để phát triển công nghiệp văn hóa. Và Hà Nội cũng như các thành phố lớn là nơi đang hội tụ đầy đủ các điều kiện để có thể xây dựng và thực hiện hệ sinh thái truyện tranh.

Những dòng chảy ngầm

Là một trong những đơn vị lớn xuất bản truyện dành cho thiếu nhi ở Hà Nội, bà Vũ Quỳnh Liên - Phó Giám đốc, Tổng biên tập NXB Kim Đồng cho biết hiện nay có hai mảng truyện tranh thiếu nhi, đó là tranh trên lời dưới. Hình thức truyện tranh này khá phát triển bởi có đội ngũ tác giả viết kịch bản và họa sĩ trong nước đông đảo.

Tuy nhiên mảng mà có thể xây dựng được hệ sinh thái nghệ thuật, hướng đến phát triển công nghiệp văn hóa là truyện tranh hiện đại theo hình thức comic, manga hướng đến đối tượng rộng hơn (từ thiếu nhi cho đến bạn đọc trưởng thành) thì hiện còn tương đối hạn chế. Lý do hạn chế, theo bà Vũ Quỳnh Liên là vì kịch bản cho truyện tranh dạng comic, manga tương đối phức tạp, tranh và lời phải có kết cấu chặt chẽ, đòi hỏi sự đầu tư rất lớn về thời gian và công sức của ê kíp thực hiện: từ ý tưởng, lên kịch bản, vẽ phác thảo... Hiện tại, các bộ truyện đã xuất bản có được sự thành công đa phần là tác phẩm của các họa sĩ. Họ vừa viết kịch bản, vừa thể hiện bằng hình ảnh luôn. Đây cũng là một lợi thế của các họa sĩ trong mảng truyện tranh bởi họ đã hình dung được từ đầu nội dung nào thể hiện bằng hình ảnh, nội dung nào thể hiện bằng thoại và lời dẫn.

Một số tác phẩm truyện tranh của Việt Nam

Có thể kể đến một số bộ truyện tranh đã đạt được thành công bước đầu tại Việt Nam như: Dũng sĩ Hesman (Hùng Lân), Thần đồng đất Việt (Lê Linh), Tý Quậy (Đào Hải), Cuộc phiêu lưu của Dế Út (Linh Rab), Long thần tướng (nhóm tác giả Phong Dương comic)… Trong số các tác phẩm kể trên, sự thành công từ truyện tranh đã và đang có những bước đi tiếp theo trong việc xây dựng hệ sinh thái. Có thể kể đến như truyện tranh Dũng sĩ Hesman được khai thác bản quyền thương mại để làm trò chơi trên điện thoại di động, mô hình nhân vật, truyện tranh điện tử và phim hoạt hình. Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài đã được họa sĩ Tạ Huy Long chuyển thể truyện tranh, có phiên bản sách tranh và đang được xây dựng kịch bản phim hoạt hình. Phim điện ảnh Trạng Tí cũng được chuyển thể từ Thần đồng đất Việt. Hay dự án chuyển thể truyện tranh Long Thần Tướng thành phim điện ảnh mang tên Lê Nhật Lan. Tuy nhiên, so với tiềm năng thì những thành công này còn khá ít ỏi.

Bên cạnh một số dự án xây dựng hệ sinh thái truyện tranh đã và đang tiến hành của những tác giả ở nhiều tỉnh, thành thì hiện tại cũng có không ít nhóm tác giả Thủ đô dành tình yêu với truyện tranh. Họ đoàn kết, lập thành những nhóm cùng thực hiện ý tưởng với khao khát và mong muốn hình thành một dòng truyện tranh của riêng Việt Nam. Thậm chí cao hơn là thương hiệu truyện tranh Việt Nam – như bày tỏ của đại diện nhóm Rover Studio.

Nhóm Rover Studio sau 3 năm kiên trì với dự án truyện tranh "Tứ phủ xét giả" vừa được cấp giấy phép xuất bản, dự kiến cuối tháng 8 sẽ ra mắt sách chia sẻ: Các phần của bộ truyện được phát hành online thực chất là bản xem thử, mục đích là để theo dõi phản ứng của độc giả, ghi nhận các bình luận của tất cả các luồng ý kiến để chỉnh sửa và cải thiện cho bản in. Cùng với đó là việc xây dựng cộng đồng cho bộ truyện nên cũng sơ lược nắm bắt được số lượng người mua khi phát hành. Tuy vậy, để sản phẩm thực sự có kết quả tốt về doanh thu thì vẫn cần nhiều sự giúp đỡ từ truyền thông. Tinh thần chung là dựa vào lượt mua của độc giả. Nếu khả quan thì tốc độ sẽ là 2 tháng 1 tập. Còn tạm chấp nhận được thì 3 tháng ra 1 tập. Ngoài ra nhóm cũng có gặp chút khó khăn trong quá trình sản xuất. Vì để duy trì một đội ngũ sáng tác cần rất nhiều kinh phí. Vì vậy nhóm chọn cách vừa sáng tác vừa nhận thêm các dự án từ bên ngoài để nuôi dự án chính.

Cũng ở Hà Nội, nhóm truyện tranh HAT đã và đang bắt tay vào dự án truyện tranh dự kiến có độ dài 50 tập, bên cạnh những quyết tâm và hi vọng xây dựng được dòng truyện tranh riêng của người Việt, không bị lẫn với các nước đã thành công như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, nhóm cũng đang đối mặt với một số khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là không có nguồn đầu tư. Kinh phí để thực hiện một tập truyện tranh khá lớn, mà để đi đường dài là một bài toán cần tính. Bên cạnh đó, nhóm cũng mong muốn có được "đầu ra" – độc giả đặt hàng để tiếp tục có vốn quay vòng làm những tập tiếp theo.

Và những hi vọng…

Chia sẻ với Báo điện tử Tổ Quốc, bà Vũ Quỳnh Liên cho biết: NXB Kim Đồng rất chào đón các tác phẩm truyện tranh của các tác giả Việt Nam. Với các các bộ truyện tiềm năng, chúng tôi sẵn sàng đầu tư.

Không chỉ bản thảo truyện tranh mà bất cứ bản thảo nào chúng tôi cũng đề cao chất lượng nội dung. Trước tiên là phải hay, cuốn hút. Ngoài nội dung hấp dẫn, mới mẻ cũng cần đảm bảo các yếu tố chuẩn mực về văn hoá, lịch sử, các giá trị chân thiện mỹ - bà Vũ Quỳnh Liên nhấn mạnh các yếu tố của một bản thảo sẽ được chấp nhận in ấn.

Phố sách Hà Nội luôn thu hút độc giả trong các sự kiện

Bà Vũ Quỳnh Liên cũng đánh giá: Tiềm năng phát triển truyện tranh Việt Nam là rất lớn bởi chúng tôi thấy đây là thể loại sách mà bạn đọc yêu thích bởi tiết tấu nhanh, hình ảnh đẹp. Không chỉ dành cho trẻ em, truyện tranh đang hướng tới đối tượng lớn hơn và bạn đọc trẻ, bạn đọc trưởng thành. Để truyện tranh comic hay manga phát triển thì cần có nhiều hơn các khóa đào tạo kĩ năng sáng tác truyện tranh để các tác giả được đầu tư về kĩ thuật kịch bản và vẽ bài bản hơn.

Một tín hiệu đáng mừng nữa là Viện Goethe cùng Viện Pháp tại Việt Nam đồng tổ chức chuỗi workshop sáng tác truyện tranh (graphic novel) dưới sự hướng dẫn của các họa sĩ đến từ Đức và Pháp kéo dài từ 1/8/2022 đến khoảng 2023. Kết thúc chương trình, người tham gia sẽ có cơ hội được một nhà xuất bản tại Hà Nội lựa chọn và xuất bản tác phẩm. Tác giả sẽ ký hợp đồng với nhà xuất bản, trong đó nêu rõ các điều kiện về việc sản xuất và phân phối tác phẩm.

Xây dựng hệ sinh thái truyện tranh hướng đến công nghiệp văn hóa Hà Nội: Bài 3 - Chờ bứt phá ở tương lai - Ảnh 4.

Ông Aoyagi Masayuki – Giám đốc bộ phận xuất bản, NXB Kadokawa của Nhật Bản cũng tiết lộ, dự kiến tới đây sẽ có một cuộc thi vẽ truyện tranh ở trường Đại học Mỹ thuật để tìm ra những tài năng sáng tạo truyện tranh nhằm phát triển truyện tranh Việt Nam.

Đại diện nhóm truyện tranh HAT ở Hà Nội bày tỏ: Chúng tôi rất muốn có một cuộc thi kịch bản truyện tranh sau đó có hình thức đầu tư, hoặc hỗ trợ, đặt hàng để có thể yên tâm cống hiến cho nghệ thuật mà không phải quá lo lắng vấn đề kinh phí. Bởi thực tế đã có nhóm thực hiện truyện tranh kêu gọi gây quỹ cộng đồng được cho là thành công nhưng từ đó đến nay mấy năm rồi cũng chỉ có vài tập truyện.

Nhà văn Tô Hoài – một người gắn bó và có nhiều trang viết tâm huyết với Hà Nội, lúc vẫn còn dồi dào sức sáng tạo, từng chia sẻ trong một dịp giao lưu văn học rằng, muốn tạo ra những tác phẩm văn học có chất lượng phải tạo ra một phong trào sáng tác. Từ phong trào sáng tác đó chúng ta sẽ tìm ra, sẽ có được những tác giả, tác phẩm chất lượng. Ông cũng gợi ý hãy tạo ra các cuộc thi mà giải thưởng rất lớn, thậm chí 1 tỷ đồng để kích thích sáng tạo và có lẽ cũng là để người nghệ sĩ không phải bận tâm với cơm áo gạo tiền, dốc toàn tâm toàn ý cho nghệ thuật.

TS Nguyễn Thị Thu Hà, Viện Nghiên cứu văn hóa VICAS tại Hội thảo về xây dựng hệ sinh thái truyện tranh cũng từng cho biết cần có những can thiệp chính sách để hỗ trợ hệ sinh thái hình ảnh phát triển. Quan trọng là chúng ta có tạo được hệ sinh thái hình ảnh hay không, cụ thể ở đây là hoạt hình - truyện tranh - trò chơi điện tử hay không. Chúng ta cần nhìn tổng thể để thấy chúng ta yếu về cái gì, yếu về đội ngũ sáng tạo hay quản lý, hay chính sách hỗ trợ. Từ đó, chúng ta thấy ngay cần can thiệp vào đâu.

Ngày 22/2/2022 Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên có nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa.

Xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa Hà Nội từ hệ sinh thái truyện tranh - Ảnh 4.

Việt Nam kỳ vọng sẽ có vũ trụ điện ảnh từ truyện tranh Dũng sĩ Hesman

Hà Nội và nhiều thành phố lớn đang đứng trước nhiều cơ hội trên đường xây dựng công nghiệp văn hóa. Thiết nghĩ, việc xây dựng hệ sinh thái truyện tranh có thể xem đây là một gợi ý để các thành phố có những khuyến khích, đầu tư trong quá trình xây dựng công nghiệp văn hóa. Hà Nội và các thành phố lớn đã có và đang có đầy đủ điều kiện cần và đủ để thực hiện hệ sinh thái này. Hiện nay chúng ta có không ít các nhóm đã và đang thực hiện truyện tranh. Bên cạnh đó, chúng ta kế thừa nhiều thế hệ tài năng kế cận, lại có khát vọng xây dựng nền truyện tranh của riêng Việt Nam. Cùng với đó, Hà Nội và các thành phố lớn cũng có nhiều nhà xuất bản có kinh nghiệm, có nhiều doanh nghiệp, đơn vị, doanh nhân sẵn sàng hỗ trợ các dự án văn hóa nghệ thuật.

Phát triển công nghiệp văn hóa không chỉ là sự giữ gìn, trao truyền những giá trị văn hóa ngàn đời mà còn thể hiện sức mạnh của văn hóa trong phát triển kinh tế thời hội nhập. Điều này cũng thể hiện bản lĩnh, quyết tâm chính trị của các cơ quan quản lý văn hóa trong việc tiên phong phát triển công nghiệp văn hóa, đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Hạ Yên

NỔI BẬT TRANG CHỦ