• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xây dựng Nhà hát Nhạc vũ, kịch, giao hưởng Thủ Thiêm: Đừng để chuyện bình thường trở nên "bất thường"

Văn hoá 18/10/2018 08:35

(Tổ Quốc)- Câu chuyện về quyết định đầu tư xây dựng Nhà hát Nhạc, vũ kịch, giao hưởng Thủ Thiêm được đưa ra sau một kỳ họp có tên gọi "Kỳ họp bất thường" của Hội đồng Nhân dân Tp HCM đã làm dấy lên dư luận và những lo ngại không đáng có về một chủ trương rất đỗi bình thường ở một thành phố năng động và phát triển bậc nhất cả nước với nhiều công trình lớn nhỏ khác nhau đang mọc lên mỗi ngày.

Xây dựng Nhà hát Nhạc vũ, kịch, giao hưởng Thủ Thiêm: Đừng để chuyện bình thường trở nên bất thường  - Ảnh 1.

Thật ra, bản chất vụ việc chỉ đơn giản là vì theo quy định của Luật tổ chức HĐND và UBND, một năm HĐND chỉ họp 2 lần (vào tháng 6 và tháng 12), các kỳ họp thêm khác khi có công việc cần triển khai thì đều gọi là "Kỳ họp bất thường". Vậy nên, ở một thành phố với hơn 10 triệu dân, với vô số những vấn đề, vụ việc mang tính từ lâu dài đến cấp bách cần giải quyết thì con số 2 kỳ họp/năm có thể không đủ để giải quyết kịp thời các vấn đề của Thành phố. Cuộc họp đầu tháng 10.2018 vừa qua thực chất là để Thành phố tiếp tục thông quá các chủ trương, dự án phát triển Thành phố theo Nghị quyết 54 của Quốc hội về "thí điểm cơ chế đặc thù để phát triển TPHCM". Nếu phải chờ tới phiên họp tiếp theo vào tháng 12.2018 thì quá chậm. Thật không thỏa đáng khi tất cả các quyết định đưa ra từ những kỳ họp bổ sung này đều bị quy chụp là "quyết định bất thường"!

Cần sự Đổi mới tư duy về phát triển văn hóa

Nhiều nội dung cấp bách, đảm bảo đời sống dân sinh khác được quyết định từ các kỳ họp trước đó của Đảng bộ, HĐND, UBND Thành phố như triển khai dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, cải thiện hệ thống giao thông: 8000 tỷ đồng/năm, xây dựng tuyến Metro: 24.000 tỷ đồng...mà không được nhắc đến đã khiến cho con số 1.500 tỷ đồng đầu tư cho Công trình Nhà hát mang tính biểu tượng của một Thành phố vươn lên thành Trung tâm văn hóa tầm cỡ khu vực trở thành con số "gây sốc".

Báo cáo chính thức của Sở Kế hoạch Đầu tư Tp Hồ Chí Minh cho biết : Kế hoạch Đầu tư trung hạn 2016-2020 nguồn vốn ngân sách là: 171.895,758 tỷ đồng; Trong đó: để xây trường học là: 22.094,841 tỷ đồng; để xây bệnh viện là: 12.538,591 tỷ đồng. Tổng cộng đầu tư cho giáo dục và y tế là: 34.633,433 tỷ đồng. Như vậy đầu tư xây Nhà hát 1.500 tỷ đồng chỉ bằng 4% kinh phí xây trường học, bệnh viện trong cùng thời gian 2016-2020.

Nhìn bức tranh tổng thể ấy để thấy, con số mà Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư cho phát triển và đáp ứng nhu cầu văn hóa chỉ là một phần rất khiêm tốn. Thu ngân sách của Thành phố Hồ Chí một ngày làm việc (không tính thứ 7, chủ nhật và ngày lễ) là hơn 1200 tỷ đồng. Không lẽ không thể dành một ngày cho phát triển văn hóa, nghệ thuật .

Giám đốc nhà hát Thành phố Nghệ sĩ ưu tú Trần Vương Thạch đã từng phải kêu lên chua xót: 25 năm qua, nhà hát đã tồn tại , có thương hiệu nhưng không có trụ sở, đi "ở nhờ 3 nơi". Thành phố 10 triệu dân, với 100.000 người nước ngoài sinh sống, có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu văn hóa nghệ thuật cho cả vùng Đông và Tây Nam Bộ với 35,5 triệu người, hàng năm đón không biết bao nhiêu đoàn khách quốc tế, nhiều đoàn nghệ thuật từ các Trung tâm nghệ thuật đỉnh cao của thế giới như: Nhật, Nga, Pháp…ngỏ lời muốn đến giao lưu nhưng cũng không có địa điểm trình diễn đủ tiêu chuẩn để tiếp đón!

Tình trạng thiếu vắng và xuống cấp các thiết chế văn hóa không phải là câu chuyện của riêng Thành phố Hồ Chí Minh mà phổ biến trong toàn quốc. Các nhà phê bình, nhà văn hóa ví von việc này giống như câu chuyện một anh nhà giàu mới nổi cả năm không dám bỏ ra vài ngày công để đi nghe một buổi ca nhạc hay mua một cuốn truyện, một đĩa hát cho riêng mình… !!!

Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong khẳng định: Đã có quy hoạch xây dựng chung của Thành phố được Thủ tướng phê duyệt giai đoạn 2011-2015, gồm 7 công trình văn hóa, trong đó có Nhà hát giao hưởng, nhạc, vũ kịch. Và lẽ ra Nhà hát phải được khánh thành từ năm 2015.

Nhìn lại 13 năm trước tới nay, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố 3 nhiệm kỳ từ 2006-2020 đều xác định phải tăng đầu tư cho các công trình văn hóa tiêu biểu, trong đó có nhà hát này.

Quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm ngay từ đầu cũng gồm 4 công trình văn hóa lớn: Nhà hát giao hưởng, nhạc, vũ kịch; Trung tâm triển lãm quốc tế; Công viên bờ sông và Quảng trường trung tâm đang được Thành phố đề nghị mang tên Quảng trường Hồ Chí Minh.

Như vậy về mặt pháp luật, quyết định đầu tư xây dựng Nhà hát này đã đầy đủ và phù hợp với chủ trương chung. Vấn đề là các cấp chính quyền có làm hay không mà thôi .. .

Nguyễn Trãi từng viết: "Thời bình chính là lúc nên làm nhạc lễ". Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước đã Đổi mới hơn 30 năm, thu nhập đã vượt qua mức nghèo và xếp vào diện trung bình, nhưng nhìn lại thấy các cơ sở văn hóa vẫn còn nhiều hạn chế! Bên cạnh việc chăm lo đủ cơm ăn, áo mặc, ốm đau, bệnh tật, học hành, chống tắc đường, kẹt xe,…cần quan tâm chăm lo đời sống tinh thần, nhân lên niềm vui và hạnh phúc của Nhân dân…Đã đến lúc cần những Đổi mới về tư duy, coi phát triển văn hóa tương xứng với phát triển kinh tế xã hội !

Nhìn xa trông rộng

Nhìn ra xung quanh, có lẽ chúng ta không xa lạ với biểu tượng của nước Úc: Nhà hát Opera Sydney. Công trình gần 50 tuổi này được coi là công trình tiêu biểu của tiểu bang New South Wales, là di sản kiến trúc của nước Úc. Mỗi dịp giao thừa, cả thế giới lại ngóng về cầu cảng Sydney và Nhà hát con sò để chiêm ngưỡng màn pháo hoa kỳ vĩ lộng lẫy chào đón năm mới. Người ta thống kê, mỗi năm nhà hát Opera Sydney đóng góp cho nền kinh tế Úc gần 800 triệu đô-la từ hoạt động bán vé tham quan, tổ chức biểu diễn, mua đồ lưu niệm cũng như thúc đẩy du lịch cho Sydney nói riêng và nước Úc nói chung.

Công trình này không chỉ là hình mẫu về kiến trúc mà còn là ví dụ tiêu biểu cho việc quản lý đầu tư thiếu hiệu quả khi bị đội vốn gần 1400% (102 triệu đô-la quyết toán cho dự toán ban đầu 7 triệu đô-la) cũng như thời gian xây dựng quá dài: 14 năm (1959-1973). Dưới sức ép của người dân Úc, do nhà hát xây lâu quá, đội vốn kinh khủng quá, kiến trúc "kỳ" quá, thậm chí kiến trúc sư trưởng,Jørn Utzon buộc phải từ chức và tuyên bố không quay lại nước Úc.

Ví dụ này đưa ra, không phải để cổ súy hay biện minh cho việc đội vốn, điều khá quen thuộc trong các dự án đầu tư công ở ta, nhưng để nói rằng, một công trình, đặc biệt về lĩnh vực văn hóa, thường nhận rất nhiều ý kiến trái chiều, vì xét cho cùng, người dân vẫn muốn những điều thiết thực cơm-áo-gạo-tiền hơn là những điều còn "xa vời".

Hay những công trình khác như: Kim tự tháp kính ở bảo tàng Louvre hay tháp Eiffel, đều là những công trình từng bị "ném đá" tơi bời vì những lo ngại sẽ phá vỡ cảnh quan của Paris hoa lệ. Nhưng rồi, thời gian đã cho câu trả lời chính xác nhất, khi giờ đây ai dám bảo đã đặt chân tới Paris nếu không có bức ảnh check-in với "chiếc cột đèn khổng lồ Eiffel" hay "vết sẹo bằng kính giữa lòng quận 1 của Paris" ?

Xây dựng Nhà hát tại Thủ Thiêm – tất nhiên không thể hoàn thành trong 4 năm nếu muốn có một công trình thế kỷ, đáp ứng tiêu chuẩn nghệ thuật quốc tế ngặt nghèo nhất, trở thành một biểu tượng văn hóa xứng tầm thời đại. Cái chính là phải ra được chủ trương, xác định vốn, đất, … nghĩa là xác định một con đường để đi tới.

Không vì chống tham nhũng mà kiềm chế mọi sự phát triển bình thường khác

Nhiều ý kiến cho rằng Thủ Thiêm đang nóng về việc đền bù, giải tỏa, không nên xây Nhà hát ở đây. Thật ra trong quy hoạch và trên thực tế, mảnh đất quy hoạch xây nhà hát không nằm trong khu vực tranh chấp, đền bù ở Thủ Thiêm.

Vừa qua Thanh tra Chính phủ đã kết luận một số sai phạm về quy hoạch và di dời, tái định cư ở Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND Thành phố khẳng định: Thành phố đang triển khai rà soát thực địa, lập danh sách các hộ bị thiệt hại và sẽ bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Nguồn kinh phí này độc lập với kinh phí xây dựng Nhà hát. Việc giải quyết quyền lợi chính đáng của người dân Thủ Thiêm theo kết luận của Thanh tra Chính phủ sẽ được tiến hành khẩn trương nhất. Vì vậy việc xây dựng Nhà hát (khởi công dự kiến năm 2020) hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến việc đền bù thiệt hại cho các hộ dân theo kết luận của thanh tra Chính phủ.

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã từng cam kết: công lý phải được thực thi và sẽ được thực thi ! Bên cạnh đó việc bảo đảm công lý, công bằng cho đồng bào Thủ Thiêm cũng như đảm bảo nhu cầu dân sinh về văn hóa đều cần thiết như nhau, trách nhiệm của TPHCM là phải làm được cả hai, làm một cách khẩn trương, thấu tình, đạt lý.

Mọi ý kiến của người dân đều cần được lắng nghe và giải đáp : Từ nguyện vọng người dân đến quy hoạch đã được Chính phủ và Thành phố phê duyệt. Thành phố, đất nước cần có một công trình văn hóa tầm cỡ khu vực và quốc tế, ngang tầm thời đại, xứng với THẾ NƯỚC, VẬN NƯỚC ĐÃ KHÁC như đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đó cũng là mong mỏi chính đáng của hầu hết các nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ muốn có nơi thực sự xứng tầm để trình diễn, khoe tài, đáp ứng và dẫn dắt nhu cầu thị hiếu nghệ thuật của đông đảo quần chúng ngày càng đi lên, của một siêu đô thị quy mô trên 10 triệu dân và khách quốc tế đến Thành phố hàng triệu lượt/năm.

Tất nhiên không thể không lắng nghe và giải đáp các băn khoăn của người dân về hiệu quả đầu tư công trình, công khai, minh bạch các giai đoạn đầu tư và chuẩn bị nhân lực, quản lý cho Nhà hát khi đi vào hoạt động.

Mong sao với quyết tâm và bản lĩnh chính trị đó, lãnh đạo và Nhân dân TPHCM sẽ cùng giải quyết những vấn đề của Thành phố đúng tinh thần văn minh, hiện đại, nghĩa tình để đưa Thành phố phát triển toàn diện hơn nữa không chỉ về kinh tế mà còn mang vóc dáng và chiều sâu văn hóa, nghệ thuật vươn tầm khu vực và thế giới./.

 

Huy Bình – Ngọc Quang

NỔI BẬT TRANG CHỦ