(Tổ Quốc) - Ngày 6/7, tại TP Đông Hà, UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đến tham dự tại hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh Quảng Trị. Về phía Bộ VHTTDL có Thứ trưởng Hồ An Phong.
Tại hội nghị, UBND tỉnh Quảng Trị đã công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1737/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Đến năm 2050, Quảng Trị trở thành tỉnh có nền kinh tế vững mạnh
Theo Quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, Quảng Trị đạt trình độ phát triển thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước, có cơ cấu kinh tế cơ bản là một tỉnh công nghiệp - dịch vụ; là một trong những trung tâm kinh tế tổng hợp của khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, trung tâm hậu cần và trung chuyển hàng hóa của khu vực Đông Nam Á.
Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Trị trở thành tỉnh có nền kinh tế vững mạnh với cơ cấu chính là công nghiệp - dịch vụ và là một trong những động lực phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; quốc phòng an ninh được bảo đảm, nhân dân có cuộc sống hạnh phúc.
Một số chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 2021-2030 như: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đạt 8,2%; GRDP bình quân đầu người đạt 140-170 triệu đồng/năm; Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 434 nghìn tỷ đồng; Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 62.000 tỷ đồng; Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 42%-48%; Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1-1,5%/năm;…
Ngoài ra, theo quy hoạch này, Quảng Trị đã chia các tiểu vùng phát triển gồm: vùng trung du và đồng bằng cao, vùng ven biển và đảo Cồn Cỏ, vùng trũng và vùng núi phía Tây. Các hành lang phát triển cũng được phân định: hành lang trung tâm gắn với QL1 và cao tốc Bắc – Nam, hành lang ven biển gắn với đường ven biển, hành lang Đông - Tây dọc theo QL9, hành lang Đông - Tây dọc theo quốc lộ 15D, hành lang phụ trợ dọc theo biên giới, hành lang phụ trợ dọc theo đường 9D.
Các nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra gồm: Xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng sạch của miền Trung vào năm 2030; Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Xây dựng kết cấu hạ tầng logistic chất lượng và hiệu quả, góp phần tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn; Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ tiên tiến; Phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp sinh thái, hữu cơ; Bảo vệ môi trường, phục hồi sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học, kết hợp phát huy các giá trị sinh thái đặc thù; Thực hiện phát triển bao trùm, tạo điều kiện để mọi tầng lớp nhân dân có cơ hội tham gia và hưởng lợi từ quá trình phát triển; Củng cố quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội; chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế.
Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, hội nghị công bố quy hoạch được tổ chức hôm nay là dịp để tỉnh Quảng Trị công bố công khai, rộng rãi quy hoạch để các đối tác, nhà đầu tư trong và ngoài nước có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn, tổng thể hơn về tiềm năng, thế mạnh; sự kỳ vọng phát triển cũng như cam kết chính trị mạnh mẽ của tỉnh Quảng Trị để tăng cường các mối quan hệ hợp tác, phát triển tin cậy và thực chất giữa chính quyền tỉnh với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như sự tham gia, đóng góp của toàn thể nhân dân tỉnh nhà vì lợi ích chung.
Tổ chức thực hiện bài bản, hiệu quả những nhiệm vụ trong quy hoạch
Để triển khai hoàn thành mục tiêu Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long yêu cầu tỉnh Quảng Trị cần khẩn trương triển khai quy hoạch với chương trình hành động, kế hoạch cụ thể, tiến hành phân công, phân nhiệm rõ ràng giữa các cơ quan; tổ chức thực hiện bài bản, hiệu quả những nhiệm vụ đã đề ra trong quy hoạch. Lưu ý 5 bảo đảm trong triển khai quy hoạch gồm: Bảo đảm tính tuân thủ; Bảo đảm tính đồng bộ; Bảo đảm tính liên kết; Bảo đảm tính mở rộng; Bảo đảm tính kế thừa.
Cùng với đó, cần quan tâm đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội theo hướng đồng bộ, đặc biệt hạ tầng giao thông kết nối, tạo không gian phát triển mới đặc biệt là đầu tư hoàn thành Cảng Hàng không Quảng Trị và Cảng nước sâu Mỹ Thủy - coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu; phát triển hệ thống đô thị, nghiên cứu mở rộng không gian phát triển Khu Kinh tế Đông Nam, gắn kết với các khu vực thuận lợi phát triển dọc hành lang đường bộ cao tốc Bắc - Nam và dọc quốc lộ 15D. Xây dựng Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo thành trung tâm thương mại - dịch vụ - du lịch tổng hợp, hướng tới hình thành Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo (Việt Nam) - Đensavằn (Lào).
Ngoài ra, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh các ngành, lĩnh vực có thế mạnh, tiềm năng trên nền tảng chuyển đổi số, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, gia tăng giá trị hàm lượng tri thức, khai thác hiệu quả lợi thế so sánh, nhất là kinh tế biển, du lịch, kinh tế tuần hoàn, sáng tạo và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, quan tâm bảo vệ môi trường, phục hồi sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học, vừa tôn tạo vừa khai thác phát huy các giá trị sinh thái đặc thù, phục vụ phát triển kinh tế và nâng cao giá trị và chất lượng môi trường sống của người dân ở đô thị cũng như nông thôn.
Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh trạnh, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; cải thiện và nâng cao các chỉ số như PAPI, PCI...
Tập trung đầu tư cho giáo dục và đào tạo; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo nghề; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với định hướng phát triển của tỉnh và những ngành, nghề mà tỉnh đang ưu tiên. Phát triển ngành thương mại, dịch vụ logistic tại các nơi có tiềm năng; hình thành Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới Lao Bảo – Đensavằn; phát triển cảng Mỹ Thủy trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực và thế giới.
Xây dựng và phát triển Quảng Trị trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn đặc trưng về lịch sử - văn hóa ở khu vực miền Trung. Xây dựng thương hiệu du lịch Quảng Trị trên cơ sở khai thác giá trị biểu tượng về sự hồi sinh mạnh mẽ từ chiến tranh, ký ức chiến tranh - khát vọng hòa bình. Phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, trọng tâm là tam giác du lịch Cửa Tùng - Cửa Việt - Cồn Cỏ và dải đô thị du lịch ven biển....
"Từ trong khói lửa chiến tranh, Quảng Trị đã hồi sinh và vươn mình lớn dậy. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi chúc Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Trị tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, chung sức đồng lòng, vượt qua khó khăn, thách thức sớm hoàn thành mục tiêu trong quy hoạch tỉnh đã đề ra. Xây dựng một Quảng Trị phát triển, là điểm đến của bạn bè bốn phương yêu chuộng hòa bình trên thế giới, hiện thực hóa khát vọng "đất thiêng nở đóa hoa hòa bình"", Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long chia sẻ.