• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xây dựng thị trường lao động ổn định, hài hòa và hiện đại

Thời sự 12/12/2020 13:47

(Tổ Quốc) - Trong những năm qua, với các chủ trương đúng đắn của Đảng, Chính phủ, thị trường lao động trong nước đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, một trong những tồn tại, hạn chế cản trở sự phát triển của thị trường này đó là lao động thiếu sự liên thông, chất lượng thông tin về lao động và việc làm chưa cao, thiếu kết nối, hoặc đứt gãy.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thị trường lao động hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng hai Đề án đó là "Hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030" và "Nâng cao năng lực dự báo cung-cầu lao động".

Định hướng đúng và thực chất

Mục tiêu của đề án "Hỗ trợ phát triển thị trường lao động" là phát triển thị trường lao động theo hướng hiện đại, hiệu quả phù hợp với đặc điểm của từng thị trường khu vực, từng tỉnh, từng ngành, nghề và từng bước đồng bộ, liên thông với các thị trường khác để làm cơ sở, động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Xây dựng thị trường lao động ổn định, hài hòa và hiện đại - Ảnh 1.

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Nói về đề án này, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá, đây là định hướng đúng và thực chất, vì giải quyết việc làm là mục tiêu của an sinh xã hội, là trụ cột có tính chất phòng ngừa bảo đảm cho người việc làm có thu nhập, giải quyết đời sống cho người lao động.

Tuy nhiên, khi nghiên cứu đề án này, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng cần phải xử lý hai vấn đề, một là phải khắc phục cho được tồn tại hiện nay đang đặt ra đối với Chính phủ về giải quyết việc làm cho người lao động. Đây là một trong những yếu tố quan trọng của năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế.

Hiện nay, nguồn chất lượng nhân lực của chúng ta còn thấp, quan hệ cung - cầu đang có vấn đề. Cung chưa đáp ứng cầu và dịch chuyển quá trình lao động chưa phù hợp với quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế. Bên cạnh đó, thị trường lao động là một thị trường chịu tác động của nhiều yếu tố, chưa giải quyết đáp ứng được hiện tại.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, đề án phải giải quyết được hai nhiệm vụ đó là xây dựng cho được một thị trường lao động ổn định, hài hòa và hiện đại, đồng thời, giải quyết được chất lượng thị trường lao động.

Cùng với đó, Đề án cũng phải tránh được người lao động rơi vào cảnh thất nghiệp. Vì thế, chúng ta phải nghĩ đến việc đào tạo, đào tạo lại nhằm giữ chỗ cho người lao động để khi chuyển đổi cơ cấu, công nghệ dưới tác động cách mạng công nghiệp 4.0, người lao động vẫn có cơ hội tìm công việc khác. Ngoài ra, còn có một số yếu tố nữa để giải quyết vấn đề việc làm bền vững.

"Chúng ta đừng coi thị trường lao động như vấn đề xã hội. Đây là vấn đề kinh tế. Chúng ta phải đầu tư xử lý việc làm cho người lao động trên cơ sở phát triển thị trường lao động" - ông Lợi nhấn mạnh.

Cần từng bước nâng cao chất lượng của thị trường lao động phi chính thức

Theo quan điểm của TS Ngô Quỳnh An, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thị trường lao động ở các nước phát triển nói chung và Việt Nam nói chung là thị trường phân đoạn, không đồng nhất. Chính vì vậy, các chính sách và đề án phát triển cần phải đề cập đến sự phân đoạn này.

Xây dựng thị trường lao động ổn định, hài hòa và hiện đại - Ảnh 2.

Hình minh họa.

"Bản chất của việc làm trên thị trường lao động Việt Nam hiện nay mang tính chất mưu sinh là chủ yếu, không phải việc làm hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững hay tăng trưởng xanh. Vì vậy, khoảng cách giữa mục tiêu đặt ra là việc làm hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững, phát triển kinh tế xã hội bền vững là khoảng cách khá xa. Do đó, cần có lộ trình cụ thể, không thể coi là một thị trường lao động đồng nhất giống như các nước phát triển" - bà Ngô Quỳnh An cho biết.  

Ngoài ra, bên cạnh với khu vực chính thức thì vẫn còn tồn tại khu vực phi chính thức. Khu vực phi chính thức cung cấp công ăn việc làm, sinh kế cho nhiều người lao động và gia đình họ. Khu vực này dễ tham gia và không có rào cản, quy định về vốn và kỹ năng nên trong bất kỳ hoàn cảnh nào người lao động cũng tham gia được thị trường này và thị trường phi chính thức sẽ còn tồn tại lâu dài và phát triển.

"Chúng ta cần từng bước nâng cao chất lượng của thị trường phi chính thức, giúp lao động có động lực để chuyển đổi sang thị trường chính thức" - bà An nêu quan điểm.

Cũng theo bà Ngô Quỳnh An, khu vực thị trường lao động có thể phân theo ngành nông nghiệp và phi nông nghiệp. Hiện có xu hướng chuyển dịch lao động ra khỏi thị trường nông nghiệp, cần lưu ý đến việc chuyển đổi ra khỏi nông nghiệp nhưng không ra khỏi nông thôn. Vì nếu vẫn để dòng di chuyển ra khỏi thành thị như hiện nay, nhìn chung sẽ làm tăng khu vực phi chính thức ở thành thị.

Bà An bày tỏ hy vọng đề án "Hỗ trợ phát triển thị trường lao động" sẽ quy hoạch phát triển vùng để rút lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp nhưng không ra khỏi nông thôn và không dịch chuyển quá xa như hiện nay để gây ảnh hưởng tới cuộc sống và hệ lụy với người lao động.

Nói về Đề án "Nâng cao năng lực dự báo cung-cầu lao động" trên thị trường lao động, TS Ngô Quỳnh An cho rằng, đây là đề án rất cần thiết. Bên cạnh phương án dự báo truyền thống, nên đề cập tới Big Data để cập nhật thường xuyên dữ liệu về lao động và việc làm./.

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Trong thị trường lao động hiện nay, vấn đề cần quan tâm là dịch chuyển của khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức. Hiện nay có 56 triệu lao động, mới có 20 triệu lao động trong quan hệ lao động. Đây là số lao động có việc làm ổn định hơn và thu nhập tốt hơn, có sự bảo vệ tốt hơn, có BHXH và BHYT.

Việc chuyển được lao động ở thị trường phi chính thức sang khu vực chính thức là nguyên lý của thị trường lao động. Mục tiêu là hướng đến điều này nhưng là quá trình dài. Cần phải có biện pháp để phát triển.

Về vấn đề giải quyết việc làm cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, phải thực hiện nguyên lý "ly nông bất ly hương". Tức là tách lao động khỏi nông nghiệp ngư nghiệp, lâm nghiệp nhưng không rời quê hương, không đặt gánh nặng lên các khu công nghiệp và đô thị.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ