• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xem Ký sự "Đàn Tính - Hát Then"

13/02/2014 17:28

(Toquoc)- Những ngày tết xa xứ bao giờ cũng khiến lòng người bâng khuâng, ưu tư. Những lúc đó, chỉ một chút gì đó thôi gợi nhớ về quê hương cũng khiến lòng người xao xuyến bồi hồi.



(Toquoc)- Những ngày tết xa xứ bao giờ cũng khiến lòng người bâng khuâng, ưu tư. Những lúc đó, chỉ một chút gì đó thôi gợi nhớ về quê hương cũng khiến lòng người xao xuyến bồi hồi.

Tôi không dám nhận là am hiểu các loại hình ca nhạc dân gian, nhưng dám khẳng định là người hâm mộ và đam mê các thể loại nhạc này. Từ nhỏ, tôi đã ham tìm hiểu những gì thuộc về văn hóa dân gian như tục ngữ, ca dao... và tôi hiểu chính những câu ca dân gian ngày nào đã góp phần tạo lên nguồn cội của chúng ta và nhất là chúng tạo nên nỗi nhớ quê hương sâu xa trong lòng người xa xứ như tôi... Xa quê rồi thì tôi hiểu quê hương không chỉ là có cha mẹ, ông bà, làng xóm mà quê hương còn thắm đượm trong những câu ca trong trí nhớ thuở nào...

Tôi đã hân hạnh được tham dự lễ hội biểu diễn của đoàn Nhã nhạc Cung đình Huế tại Paris năm 2003, nhân dịp được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Niềm đam mê đã thúc đẩy tôi mỗi lần về nước lại tìm cách để có thể khám phá thêm một thể loại âm nhạc cổ truyền của dân tộc. Tôi đã đi lễ hội Đền Cuông để tìm nghe câu hát Ví giặm và tôi đã may mắn được chính nữ nghệ sỹ Hồng Lựu hát cho nghe. Về Hà Nội, tôi hân hạnh được gặp nữ nghệ nhân Bạch Vân cho thưởng thức những bài Ca Trù. Được các nữ nghệ nhân đến từ làng Diềm, Bắc Ninh hát cho nghe những làn điệu Quan họ. Tôi đến thành phố Cần Thơ, phiêu lưu về tận vùng miệt vườn của đất mũi Cà Mau chỉ để được nghe những bản Đờn Ca Tài Tử của bà con xứ đó. Tôi muốn được nghe những lời ca tiếng đàn còn mộc mạc chân phương, mà theo tôi, chúng vẫn còn mang đậm tính bản năng, chưa hề bị “đẽo gọt” chau chuốt qua một trường lớp nào hết... Thế nên khi được nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Dương Thuấn giới thiệu và gửi cho các đường link của VTV1 Đài truyền hình Việt Nam Oline phát vào những ngày đầu năm mới 2014 về một phóng sự dài kỳ trên chuyên mục Ký sự những nẻo đường: Đàn Tính, do Hoàng Khang Anh đạo diễn và nhà thơ, nhà nghiên cứu Dương Thuấn đóng vai nhân vật chính đồng thời viết lời bình, tôi đã xem đi xem lại rất say mê.







Biểu diễn Đàn Tính Hát Then



Qua bộ phim 5 tập tôi đã hiểu được Đàn tính Hát then là một loại hình ca nhạc dân gian rất đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày ở vùng Việt Bắc. Đàn Tính có nhiều loại, từ 12 dây như trong cổ tích, 3 dây cho đến 2 dây... và mỗi loại lại biểu thị diễn tả một loại tâm tư tình cảm khác nhau. Tiếng Đàn Tính mênh mang dìu dặt giữa mênh mông đại ngàn xanh thẳm của núi rừng Việt Bắc. Càng nghe lâu, ta càng say. Tiếng Đàn Tính và Hát Then như có một thứ ma lực huyễn hoặc lòng người, tạo cảm giác bâng khuâng, lưu luyến. Những nụ cười hồn nhiên của trẻ thơ, những khoảnh khắc tràn ngập yêu thương lứa đôi và hạnh phúc của mọi người già trẻ, lớn bé khi nghe Đàn Tính... tất cả hoà cùng cảnh sắc thiên nhiên tạo nên nét đẹp khó quên làm lòng người xao xuyến, thêm yêu mến gắn bó với quê hương mình. "Tiếng Đàn Tính vang vọng từ bao năm qua, khúc nắng khúc mưa," biểu đạt nỗi niềm nhân tình thế thái, tiếng Hát Then khiến ta lãng đãng, lúc day dứt bâng khuâng, lúc trầm lắng ưu tư, khi rộn ràng tha thiết... Tiếng Đàn Tính phản ánh tâm tư tình cảm của ng
ười chơi và của cả người nghe... Tiếng đàn cứ tỏa đi, lan xa, ngân vang mãi và ngấm sâu lắng đọng giữa đất trời núi rừng trùng điệp mây mờ bao phủ quanh năm của vùng sơn cước. Tại sao là Đàn Tính - Hát Then? Bởi ai đã từng hát Then thì buộc phải biết chơi Đàn Tính và ngược lại!

Với vốn kinh nghiệm và hiểu biết của mình về Đàn Tính, nhà thơ, nhà nghiên cứu Dương Thuấn đã đưa chúng ta đi dọc khắp các bản mường, cả một hành trình dài để tìm hiểu Hát Then và những điệu nhạc réo rắt trầm bổng của Đàn Tính. Lời bình cất lên cùng các hình ảnh “Cây Đàn Tính ba dây mỏng mảnh: dây đất, dây trời, dây của tình yêu” và rằng “... Ngày xửa ngày xưa...” Những giai thoại hư hư thực thực được các nhà làm phim lồng vào trang phóng sự khiến cho sự tích cây đàn tính thêm phần huyễn hoặc, kỳ bí và gần gũi với quần chúng nhân dân lao động... Ngay cả cách làm một cây Đàn Tính cũng thật giản đơn, dân dã: chỉ bằng quả bầu già phơi khô và một đoạn gỗ và dây... Nhưng cũng giống như bất kỳ một loại hình nghệ thuật nào, các nghệ nhân “sành điệu” sản xuất đàn lại rất khó tính: phải đo quả bầu và cần đàn bằng... nắm đấm bàn tay, cứ hai nắm tay quả bầu (bầu đàn) thì cần bảy nắm tay cho cần đàn, và chất lượng âm thanh Đàn Tính lại hoàn toàn phụ thuộc vào chất liệu của loại gỗ làm cần đàn.

Cũng giống như mọi thể loại nghệ thuật dân gian khác, Đàn Tính - Hát Then là biểu tượng thể hiện thẩm mỹ và hồn cốt của người Tày. Nó không chỉ là một thể loại nghệ thuật trong đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần mà còn chiếm một vị trí quan trọng trong tín ngưỡng và đời sống tâm linh của họ... Ví như mỗi khi gia đình nào có “công to việc lớn” quan trọng thì họ đều mời thầy Then đến làm lễ. Như đám hiếu đám hỉ, lễ thôi nôi hay ngày đầu tiên ra đồng vào năm mới... Theo họ thì “người ốm mà nghe tiếng hát then cũng vui lên, tinh thần phấn chấn...” và vì thế mà mau khỏi bệnh. Có những đoạn tôi không hiểu hết ý nghĩa của lời ca nhưng chỉ nghe tiếng nhạc thì có thể đoán ra đó là loại nhạc Then nào, nhạc lễ hỏi, nhạc tỏ tình hay đám hội... Đàn Tính - Hát Then quy tụ, gắn kết mọi thành phần trong cộng đồng, khiến họ xích lại gần nhau hơn. Vả lại, theo tôi thì Đàn Tính Hát Then không chỉ có giá trị dân gian thuần khiết của người Tày, mà còn là kho tàng về di sản văn hoá của người Việt nói chung về các quy tắc diễn xướng, lễ hội, huyền thoại, điển tích, truyền thuyết, về bản làng tiên tổ...

Tham khảo kết quả của một số nghiên cứu, khảo sát thực tế của các chuyên gia thuộc Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam thì thấy đa phần chỉ còn những người cao tuổi thực hành các loại hình nghệ thuật dân gian thông qua một số câu lạc bộ tại các địa phương, trong khi đó thì hiếm thấy giới trẻ tham gia, họ thường chỉ tới đó vào những dịp lễ hội và khi thực hành thì đa phần lại cố gắng hiện đại hóa cho hợp xu hướng thời đại, và chính vì thế mà làm cho nhạc dân gian biến tướng đi. Vậy nên cần phải tích cực tổ chức nhiều hơn nữa những dự án về bảo tồn những loại hình nghệ thuật phi vật thể để nâng cao ý thức và phát huy giá trị của chúng.

Theo tôi thì nền tảng làm nên một nền văn hóa của một dân tộc và sự tồn tại của nó một phần bắt đầu từ chính những làn điệu dân gian với những lời ca thường gắn liền với những “cây đa, bến nước, sân đình...” mà khi vừa chào đời ta đã được nghe mẹ hát và những câu ca ấy cứ theo ta trong suốt thời kỳ nằm nôi và cho đến tận cuối đời... Do vậy, với tốc độ toàn cầu hóa hiện nay, khi mà các bà mẹ, ông bố trẻ thay bằng hát ru con thì bật đĩa nhạc cho con nghe... thì tất cả mọi loại hình nghệ thuật dân gian đều đang đứng trước nguy cơ bị mai một dần đi. Chúng đang có nguy cơ mất dần vai trò của chúng đối với cộng đồng do sự thiếu hiểu biết, ít áp dụng, ít thực hành trong đời sống hàng ngày và nhất là thiếu ý thức giữ gìn của con người. Đã có không ít những vụ xì căng đan đình đám trong việc bảo vệ trùng tu các đình chùa miếu mạo, người ta nhân danh Hiện đại hóa mà phá bỏ đi những nét tinh túy cổ xưa... Cùng với sự vận động lớn của lịch sử thì con người cũng đang góp phần khiến cho nền nghệ thuật văn hóa dân gian của chính dân tộc mình bị biến dạng và thậm chí biến mất hẳn! Thế nên ta càng thấy rõ hơn sự cần thiết, cũng như ý nghĩa của những hoạt động duy trì các loại nghệ thuật dân gian, khuyến khích cổ vũ các nghiên cứu học thuật và định hướng giáo dục để bảo vệ và lưu truyền các giá trị văn hóa truyền thống, gìn giữ những tinh hoa cổ truyền của dân tộc. Bởi theo kinh nghiệm của chính bản nhân mình thì tôi thấy càng đi sâu tìm hiểu về các nền nghệ thuật dân gian, tôi càng say mê, biết một lại muốn biết hai và thấy tự hào về sự tài hoa, tinh tế, lạc quan, yêu cuộc sống, yêu lao động và đặc biệt là tinh thần đoàn kết gắn bó của con người với cộng đồng xung quanh mà ông cha ta để lại từ xa xưa.

Tôi thấy lạc quan cho Đàn Tính Hát Then bởi theo nhà thơ Dương Thuấn, hiện nay đã có nhiều câu lạc bộ Hát Then Đàn Tính với những thành viên tham gia tuổi còn rất trẻ, cộng thêm sự hướng dẫn nhiệt tình của các nghệ nhân, nghệ sỹ thế hệ trước. Các câu lạc bộ này được thành lập không chỉ ở vùng cao miền Việt Bắc mà thậm chí còn ở ngay giữa thủ đô Hà Nội và ở nhiều thành phố lớn khác trên toàn Việt Nam.

Sống trong một môi trường dễ tiếp cận với các lễ hội âm nhạc, cả hiện đại lẫn truyền thống của đủ các sắc tộc trên thế giới, mỗi khi xem và nghe bạn bè quốc tế biểu diễn các làn điệu truyền thống của họ, tôi lại nghĩ về quê mình, và lòng luôn trào dâng một niềm vui khó tả, một niềm tự hào khi một thể loại nào đó của Việt Nam được các tổ chức Quốc tế công nhận là di sản của nhân loại. Sau Nhã nhạc Cung đình Huế, Hát Xoan, Đờn Ca Tài Tử, Ca Trù, Quan họ Bắc Ninh... thì tôi thực tình hi vọng Hát Then Đàn Tính một ngày gần đây sẽ được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể! Mà có thể lắm chứ, tại sao không?

Tôi mong một ngày nào đó được thả mình với hoa xuân và sương phủ, được đắm mình trong các phong tục của các dân tộc bản địa vùng núi cao Việt Bắc, với những nét đặc biệt của những bản nhạc Đàn Tính và khúc Hát Then cổ truyền mang đậm bản sắc riêng của người Tày. Và biết đâu, một ngày nào đó sẽ được xem các nghệ nhân biểu diễn Đàn Tính và Hát Then ở ngay chính tại Paris!

Bỗng nhớ đến bài thơ Đêm Then của nhà thơ Dương Thuấn, trong đó có những câu: “Đêm hát Then đầu năm giải hạn/ Làm nẩy lên giàn búp trên cành/ Xua tan đi những buồn đau, trắc ẩn/ Của cuộc đời bao nỗi gian truân/ Lời Then như muôn hạt mưa xuân/ Rơi vào đất nhú lên thành lộc biếc/ Rơi vào tóc tình yêu thêm rạo rực/ Rơi vào mây hóa những chiếc cầu vồng/ Đêm đầu xuân nghe bài Then giải hạn/ Tiếng đàn vang khúc nhạc trong ngần…”

Paris, ngày 4 tháng Giêng, năm Giáp Ngọ - 2014

Hiệu Constant

NỔI BẬT TRANG CHỦ