(Tổ Quốc) - Trong hơn 20 năm qua, xóa bỏ định kiến, bất bình đẳng về giới là mục tiêu của nhiều chính sách mà Đảng và Nhà nước ta hướng đến, mặc dù vậy, ở nhiều nơi vẫn còn tình trạng phân biệt đối xử đối với nữ giới, đặc biệt là miền núi, vùng sâu vùng xa.
Hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới của Việt Nam
Hiện nay, chính sách, pháp luật Việt Nam về bình đẳng giới có thể nói đã thể hiện đầy đủ ở các lĩnh vực như: chính trị, kinh tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, văn hóa, xã hội, thể dục thể thao, y tế, gia đình…
Hệ thống pháp luật về bình đẳng giới gồm nhiều văn bản ở các cấp độ và liên quan đến nhiều lĩnh vực. Trong đó, cao nhất là Hiến pháp năm 2013, Điều 26 quy định: "1. Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. 2. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. 3. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới.".
Tiếp đó là các văn bản luật, dưới luật như: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Lao động, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Bình đẳng giới, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Khám, chữa bệnh, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Cư trú, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình… đều quy định rõ ràng về quyền của phụ nữ.
Hơn thế, pháp luật về bình đẳng giới của Việt Nam quy định ngày càng đầy đủ và hoàn thiện hơn, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia và cũng phù hợp xu hướng hiến định của các nước trong khu vực và quốc tế. Đây là một trong những điều kiện đảm bảo cho quá trình hội nhập của Việt Nam với khu vực và thế giới.
Với một hệ thống chính sách, pháp luật như vậy thể hiện sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, Nhà nước Việt Nam đối với sự phát triển của phụ nữ Việt Nam trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Đảm bảo bảo vệ cho quyền và lợi ích của người phụ nữ trong đời sống gia đình cũng như trong các quan hệ xã hội, hiểu rõ những quyền này sẽ giúp ngăn chặn tình trạng bất bình đẳng giới tại Việt Nam.
Nỗ lực xóa bỏ định kiến về giới
Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2022 do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố cho thấy, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2022 là 83/146 quốc gia, tăng 4 bậc so với năm 2021 (năm 2021 Việt Nam xếp thứ 87/144 quốc gia), trong đó các chỉ số về trao quyền cho phụ nữ, lĩnh vực sức khỏe và giáo dục có những bước tiến bộ rõ rệt.
Thống kê của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho thấy, lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam đã có nữ Chủ tịch Quốc hội (Quốc hội khóa XIV); tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 30,26%, cao hơn khóa XIV 3,46% và cao nhất từ Quốc hội Khóa V trở lại đây (hiện xếp hạng thứ 62/190 quốc gia). Tỷ lệ nữ giới tham gia lĩnh vực lao động cũng ngày một tăng lên, tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương là 48,3%. Tỷ lệ doanh nghiệp do nữ giới làm chủ đạt 26,5%, góp phần đưa chỉ số tiến bộ của phụ nữ trong doanh nghiệp của Việt Nam xếp thứ 9/58 nước, xếp thứ 2/6 nước Đông Nam Á được nghiên cứu.
Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử, Đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam giành vé tham dự vòng chung kết Word Cup nữ 2023. Phụ nữ lực lượng vũ trang Việt Nam tham gia hiệu quả, trách nhiệm trong lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Trong lĩnh vực giáo dục, thực hiện bình đẳng giới cũng có những thành tựu nhất định, năm 2020, tỷ lệ biết chữ của phụ nữ đạt 98%; nữ giới cũng chiếm tỷ lệ gần như tuyệt đối ở bậc mẫu giáo; chiếm khoảng 70% bậc phổ thông; chiếm gần 50% giảng viên đại học, cao đẳng.
Với những nỗ lực không ngừng, Việt Nam được thế giới công nhận là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt mục tiêu phát triển bền vững về thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái. Việt Nam đã đạt được kết quả cao trong việc trao quyền cho phụ nữ, nhiều quy định đã được đưa ra để đảm bảo tỷ lệ phụ nữ trong các tổ chức chính trị và việc tham gia chính trị của phụ nữ đang tăng.
Tuy vậy, tại Việt Nam vẫn còn tình trạng phân biệt đối xử với nữ giới, đặc biệt là ở các khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa… mà nguyên nhân chính là do nhận thức của người dân ở nơi đây chưa cao. Thực tế này đặt ra yêu cầu đối với các cấp, các ngành tại địa phương trong hoạch định chủ trương, chính sách và thực hiện về tăng quyền năng cho nữ giới, sự thay đổi nhận thức và định kiến xã hội, cũng như sự nỗ lực vươn lên của bản thân phụ nữ.
Số liệu thống kê của Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), cho thấy, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn xảy ra ở cả thành thị lẫn nông thôn mà nguyên nhân sâu xa của tình trạng này chính là do tư tưởng "trọng nam khinh nữ" đã ăn sâu trong tâm thức của nhiều người Việt Nam.
Tỷ lệ phụ nữ làm công hưởng lương đã tăng lên nhưng vẫn thấp hơn so với nam giới, mức lương trả cho nữ giới cũng thấp hơn so với nam giới dù số giờ công lao động hưởng lương của cả 2 giới là như nhau. Nữ giới còn phải dành nhiều thời gian hơn cho các công việc gia đình mà không được hưởng thù lao hay quyền lợi gì.
Ở 1 số vùng nông thôn, miền núi, phụ nữ bị phân biệt đối xử tệ hơn so với nam giới trong việc tham gia các hoạt động xã hội, hoặc nữ giới vẫn là nạn nhân chiếm số đông trong các vụ bạo lực gia đình…
Thực tế này đòi hỏi Việt Nam cần triển khai nhiều giải pháp, chẳng hạn như, nâng cao nhận thức cho các cấp chính quyền, người dân về công tác bình đẳng giới. Kiện toàn hệ thống pháp luật về bình đẳng giới, coi đây là yếu tố then chốt để đảm bảo quyền cho nữ giới. Tăng cường vai trò của nữ giới trong tổ chức Đảng, bộ máy chính quyền, nâng cao năng lực cho nữ giới bằng cách tuyên truyền về bình đẳng giới, mở các lớp đào tạo bồi dưỡng kiến thức cho nữ giới, tổ chức các hoạt động trải nghiệm…
Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, bình đẳng giới là một vấn đề mang tính toàn cầu, vì vậy, Việt Nam cũng cần tăng cường học hỏi kinh nghiệm từ các nước bạn, đồng thời tiếp cận các nguồn lực để hỗ trợ cho công tác thực hiện bình đẳng giới trong nước…
Với việc triển khai thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ, quyết liệt, hy vọng trong thời gian tới tình trạng bất bình đẳng giới sẽ có những chuyển biến tích cực hơn tại Việt Nam.
Phương Anh
* Vụ Gia đình, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện