(Tổ Quốc) - Xôi nếp Gà gáy Mỹ Lung được làm từ gạo nếp gà gáy đặc sản của đồng bào dân tộc Mường, xã Mỹ Lung, Yên Lập, Phú Thọ.
Xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập, Phú Thọ nổi tiếng với đặc sản gạo nếp Gà gáy, sản vật truyền thống của người dân tộc Mường. Lúa nếp Gà gáy Mỹ Lung là giống lúa nếp dài ngày, được trồng từ tháng 5 đến tháng 10, hạt gạo to, mẩy, trắng, có mùi hương đặc biệt. Giống lúa nếp Gà gáy chỉ đặc biệt thơm ngon khi được trồng ở xã Mỹ Lung.
Cách nấu xôi nếp Gà gáy rất đơn giản, thông thường xôi từ loại gạo này thường làm xôi trắng, không dùng lá màu, chỉ cần đãi gạo sạch, sau đó cho vào chõ xôi và đồ lên. Xôi có hương thơm ngào ngạt, dẻo bùi và không dính tay. Ăn xôi chấm kèm muối vừng sẽ tạo thêm độ thơm ngon, vừa vặn. Người dân tộc Mường thường gói xôi vào lá dong vừa đẹp mắt lại có mùi thơm của lá dong bánh tẻ. Xôi có thể để trong thời gian khá dài hôm trước sang ngày hôm sau vẫn đảm bảo độ dẻo thơm.
Theo người dân nơi đây, câu chuyện xôi nếp Gà gáy Mỹ Lung có một câu chuyện rằng, tương truyền xưa kia có một đôi trai gái yêu nhau và họ quyết định đến với nhau, hai bên gia đình tổ chức đám cưới đúng theo phong tục tập quán của dân tộc Mường, trước khi về nhà chồng cô gái được mẹ đưa cho một túi lúa và dặn đây là giống lúa rất ngon con mang về bên đó để phòng thân (đó cũng là của hồi môn mà bố, mẹ dành cho con gái). Do gia đình nghèo nên người con gái cũng không đòi hỏi gì thêm. Sau đám cưới được vài ngày mẹ chồng nói với con dâu ngày mai nhà mình làm cơm mời vị trưởng tộc sang dùng bữa, cô con dâu vui vẻ nhận lời và định bụng sau bữa cơm tối sẽ mang lúa ra giã để ngâm gạo sáng mai đồ xôi.
Tuy nhiên cô gái mải quấn quýt bên chồng mà quên lời mẹ dặn, đang ngủ say chợt cô nghe văng vẳng bên tai tiếng gà gáy cô giật mình tỉnh giấc vội vàng mang lúa đi giã để lấy gạo đồ xôi, gạo đã giã xong cô đem vo sạch và ngâm trong nước, do thời gian ngâm chưa được lâu nhưng vì để kịp bữa nên cô đã vớt gạo ra, để ráo nước và đưa vào đồ xôi, bữa cơm hôm đó vị trưởng tộc cùng mọi người cứ tấm tắc khen cơm xôi ngon dẻo mà lại thơm nữa, không biết là xôi gạo gì, mẹ chồng quay sang hỏi con dâu con xôi bằng gạo gì mà ngon thế, cô nghĩ ngợi một chút và trả lời dạ con xôi bằng gạo nếp Gà gáy ạ.
Mẹ cô lại tò mò hỏi cái tên nếp Gà gáy nghe lạ lắm là cơm xôi ăn với thịt gà à, cô để mặt ngượng ngùng kể lại chuyện do tiếng gà gáy canh ba đã đánh thức cô như thế nào nhờ có tiếng gà gáy mà cô đã có một bữa cơm thịnh soạn, và cái tên gạo nếp Gà gáy từ đó được mọi người biết đến, tới đây vị trưởng tộc hỏi cô gái giống lúa này xuất xứ từ đâu cô gái đáp dạ là do mẹ con cho ạ, vị trưởng tộc tiếp tục hỏi thế có còn không lúc này cô gái từ từ đi vào trong phòng tay cầm ra một cái túi trong còn sót lại mấy hạt lúa, mọi người túm vào xem và nói đây là giống lúa quý hiếm cần phải giữ gìn để nhân giống.
Trong đề án "Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, giai đoạn 2022 - 2024". Giai đoạn I, đề án đã nhận được 421 đề cử món ẩm thực được gửi đến từ 60/63 tỉnh, trong đó tỉnh Phú Thọ có ba món ẩm thực được chọn là: Xôi nếp Gà gáy Mỹ Lung, bánh sắn, bánh chưng Đất Tổ. Đề án được triển khai nhằm tìm kiếm, sưu tầm, tôn tạo, phát triển di sản và tinh hoa văn hóa ẩm thực Việt Nam, xây dựng "Tổng tập 1.000 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam" và tiến hành chuyển đổi số cơ sở dữ liệu đó thành "Bản đồ trực tuyến ẩm thực Việt Nam" và "Bảo tàng trực tuyến ẩm thực Việt Nam", đưa Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới, qua đó đóng góp vào việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Việt.