(Tổ Quốc) - Việt Nam gia cố thị trường Nhật Bản, mở cửa thị trường Đông Âu.
2019 là một năm đầy triển vọng phát triển đối với xuất khẩu lao động thế giới. Lực lượng lao động dư thừa hoặc tinh hòa từ các quốc gia đông dân cạnh tranh tìm những thị trường phù hợp. Cuộc cạnh tranh càng gay gắt giữa các quốc gia đang phát triển. Mỗi nước đều chú ý xây dựng thị trường lao động truyền thống của mình.
Hàng loạt thị trường việc làm tốt, thu nhập cao đang mở cửa với lao động Việt Nam trong năm 2019.
Nhật Bản – chính sách mới mở rộng chân trời lao động
Nhật Bản là một trong các thị trường có điều kiện việc làm và thu nhập tốt, được người lao động Việt Nam ưa thích. Năm 2013, lần đầu tiên lao động được phái cử sang Nhật Bản vượt ngưỡng 10.000 người/năm, năm 2015 đạt trên 30.000 người và năm 2018 là trên 54.000 người. Tổng số lao động Việt Nam hiện đang làm việc tại Nhật Bản khoảng 120.000 người. Việt Nam trở thành nước có số lượng lao động đang làm việc tại Nhật Bản đông nhất trong số 15 quốc gia có người lao động tại đây. Đặc biệt, trong những tháng cuối năm 2018, lần đầu tiên thị trường Nhật Bản đã vượt qua Đài Loan để trở thành nước tiếp nhận lao động Việt Nam nhiều nhất. Tính đến hết tháng 11/2018, Nhật Bản tiếp nhận hơn 60.000 lao động Việt Nam, chiếm gần 50% lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Hàng loạt thị trường việc làm tốt, thu nhập cao đang mở cửa với lao động Việt Nam trong năm 2019. (Nguồn ảnh: Cafef)
Bước sang năm 2019, số lượng lao động đi làm việc ở Nhật Bản sẽ còn tăng mạnh và nhanh hơn, khi dự luật Quản lý xuất nhập cảnh sửa đổi chính thức được Thượng viện Nhật Bản thông qua vừa qua.Theo đó, Nhật Bản ước tính sẽ tiếp nhận 345.000 lao động nước ngoài trong 5 năm tới.
Ông Phạm Viết Hương, Phó Cục Trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết, theo nội dung trong Luật, trước mắt, Nhật Bản sẽ tiếp nhận lao động nước ngoài trong 14 ngành nghề: xây dựng, đóng tàu/công nghiệp tàu thủy, nông nghiệp, hộ lý, lưu trú, sản xuất thực phẩm/đồ uống, nhà hàng, ngư nghiệp, vệ sinh tòa nhà, công nghiệp rèn đúc, công nghiệp điện/điện tử/thông tin, bảo dưỡng/sửa chữa ô tô và hàng không. Ông Hương cho biết: "Về cơ bản, nguồn nhân lực của Việt Nam đều có thể đáp ứng được nhu cầu tiếp nhận của phía Nhật Bản theo chính sách mới. Tuy nhiên, để đáp ứng mục tiêu phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Việt Nam sẽ đặt trọng tâm hơn trong việc phái cử người lao động trong các nghề như: Đóng tàu, công nghiệp rèn đúc, công nghiệp điện/điện tử/thông tin, bảo dưỡng/sửa chữa ô tô và hàng không".
Trở lại mái nhà xưa: Đông Âu
Bên cạnh đó, hàng trăm nghìn cơ hội việc làm tại châu Âu vẫn đang được mở rộng ra cho nhiều lao động Việt Nam nhờ những Bản Ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực lao động được ký vào cuối năm 2018.
Trong chuyến thăm châu Âu hồi tháng 11/2018, Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã ký kết Biên bản Ghi nhớ về hợp tác lao động và an sinh xã hội với hai nước Bulgaria và Rumani, từ đó đã giúp lao động Việt Nam sẽ có hàng trăm nghìn cơ hội việc làm tại các quốc gia thuộc Cộng đồng châu Âu (EU). Chỉ riêng với thị trường Bulgaria, Việt Nam có thể cung ứng 50.000 lao động ở 6 lĩnh vực: xây dựng, dệt may, nông nghiệp công nghệ cao, điều dưỡng. Do vậy, việc ký kết thỏa thuận giữa Bộ Lao động hai nước mang tính khai mở hợp tác về lao động, bao gồm cả xuất khẩu lao động và đào tạo nghề.
Rumani cũng được đánh giá là thị trường xuất khẩu lao động tiềm năng của Việt Nam trong khu vực châu Âu. Rumani có nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài lớn, ngành nghề phù hợp với lao động Việt Nam, mức lương và thu nhập của người lao động đảm bảo, chi phí trước khi đi thấp. Hiện tại nhu cầu tiếp nhận lao động của Rumani là rất lớn khi kinh tế đang tăng trưởng nhanh, bình quân 5 - 7%/năm. Bên cạnh đó, hiện nay lao động Rumani chuyển sang các nước Tây Âu làm việc khá nhiều, điều này dẫn đến lao động trong nước ở nhiều ngành nghề đang thiếu hụt trầm trọng. Rumani đang rất cần lao động trong các ngành, nghề: nghề hàn, nghề xây dựng, sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp... Dự báo trong những năm tới, các công ty, doanh nghiệp của Rumani cần nguồn cung lao động lên tới con số hàng trăm nghìn người. Lao động Việt Nam sang Rumani sẽ có điều kiện làm việc tốt, được chủ doanh nghiệp bố trí nơi ăn ở đảm bảo, mức lương cơ bản từ 600 USD đến 1.200 USD/tháng.
Năm 2018, số lượng lao động xuất khẩu liên tục đạt 140.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tăng 7% so với năm 2017 và cũng là năm thứ 5 liên tiếp Việt Nam có lượng lao động xuất khẩu đạt hơn ngưỡng 100 nghìn người. Trong khi chờ đợi Chính phủ nước ta tiếp tục hỗ trợ xuất khẩu lao động, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tiếp cận thị trường, chuẩn bị nhân lực, đào tạo ngôn ngữ… Việt Nam không thể chỉ xuất khẩu lực lượng lao động "thô" mà phải thích ứng với nhu cầu ngày càng cao của các thị trường mở cửa./.
(Theo The Jakarta Post)