Dưới đây là ý kiến các đại biểu Quốc hội, nguyên đại biểu Quốc hội xung quanh việc cập nhật, bổ sung 300 ca khúc của Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD).
Cần phải xem đây là cơ hội
Tôi cho rằng, lời xin lỗi của Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn xung quanh việc quản lý của mình đối với những ca khúc mà dư luận báo chí nêu là hợp lý và mang tính cầu thị. Điều quan trọng hơn, theo tôi chúng ta cần xem đây là cơ hội để các cơ quan chức năng có thẩm quyền vào cuộc một cách nghiêm túc, kiên trì để tiến hành kiểm kể di sản sáng tác của các nhạc sĩ. Việc làm này cần có một hội đồng với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, quản lý trên một số lĩnh vực, để qua đó đưa ra được những danh mục bài hát, và những bài hát nào chưa được phổ biến.
Tôi không đủ thông tin để nhìn nhận và đánh giá tờ báo này, bài báo kia đưa thông tin chưa chuẩn xác về việc cấp phép hay không cấp phép những ca khúc cách mạng. Nếu đúng là có tờ báo, hoặc bài nào đó phản ánh chưa đúng thì cơ quan chức năng cần phải lên tiếng và Báo Văn Hóa, cơ quan ngôn luận của Bộ VHTTDL phải có thông tin trở lại. Về những quy định trong một số Nghị định có liên quan đối với cấp phép ca khúc, theo tôi chúng ta cần phải rà soát, nếu thấy không phù hợp, bất hợp lý, cản trở cho việc khai thác, sử dụng thì nên đề nghị cấp có thẩm quyền, xem xét chỉnh sửa, bổ sung. (Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc)
Việc làm hơi thái quá nhưng đúng quy định và rất thiện chí
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết
Những ngày qua thông tin trên báo chí về việc cấp phép hay không cấp phép những ca khúc đã phổ biến khiến tôi chưa nhận biết thật sự rõ ràng, nghĩa là có nhiều nội dung thông tin tương đối khác nhau. Có báo đưa “cấp phép cho hơn 300 ca khúc cách mạng”, tờ báo mạng khác lại nói cập nhật, bổ sung cho hơn 300 ca khúc “nhạc đỏ”.
Hôm nay (24.5) báo chí đưa tin ông Cục trưởng cục NTBD nói rằng, đó không phải là cấp phép cho hơn 300 ca khúc cách mạng mà chỉ cập nhật, bổ sung vào danh mục các ca khúc đã phổ biến để tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khai thác và không cần phải xin phép cơ quan chức năng nữa.
Trước hết cần xem xét rằng, đây là việc làm vừa đúng quy định và rất thiện chí của Cục NTBD nhằm tạo cơ sở pháp lý cho ngườ dân khai thác, sử dụng, không cần phải làm đơn xin cấp phép như trước đây. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác thì đây cũng là việc làm hơi thái quá bởi việc cập nhật như thế là có cần thiết không vì những ca khúc đó đã đi sâu vào tình cảm của công chúng, được công chúng yêu thích, thể hiện từ hàng chục năm qua. Đối với những ca khúc có nội dung tốt thì cơ quan chức năng không cần phải có biện pháp gì nữa để can thiệp, tạo nên sự bức xúc trong dư luận.
Đúng là hiện nay Cục NTBD đang dựa vào một số quy định pháp lý để làm sơ sở thực thi trong thẩm quyền, chức năng quản lý của mình. Tuy nhiên, nếu thấy không còn phù hợp thì cần phải rà soát, điều chỉnh chứ không nên cứng nhắc. Ở góc độc báo chí, khi phản ánh về những vấn đề nhạy cảm cần phải tiếp cận được văn bản, thậm chí phải có ý kiến của cơ quan ban hành văn bản với câu hỏi, liệu rằng như thế có đúng không chứ không nên đưa thông tin Cục NTBD cấp phép trong khi cơ quan chức năng lại nói không phải cấp phép. Những thông tin chưa thực sự đầy đủ đã gây sự bức xúc không đáng có. (GS.TS Nguyễn Minh Thuyết)
Cách làm đúng nhưng…
Nguyên đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến
Cá nhân tôi ủng hộ cách làm của Cục NTBD là công bố, công khai cập nhật, bổ sung những ca khúc đã phổ biến rộng rãi trong công chúng, tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức khai thác và sử dụng, không cần phải qua khâu “xin-cho” như trước đây. Nhưng điều đáng tiếc là cách làm của Cục chưa thật sự bài bản, thiếu tính tương tác với truyền thông. Nếu như trước khi công bố, công khai danh mục những ca khúc đã phổ biến rộng rãi, Cục thông tin đến báo chí, truyền thông rằng sắp tới chúng tôi dự định công bố như thế, đồng thời nhấn mạnh: Chúng tôi chỉ cập nhật, bổ sung những ca khúc đã phổ biến, chứ không phải cấp phép”. Qua việc này, báo chí, truyền thông có thể gặp gỡ, trao đổi để làm rõ hơn những dự định mà Cục chuẩn bị triển khai. Như thế sẽ tránh được sự hiểu lầm.
Tôi phải nói thật, cách làm của Cục như vừa qua khiến cho dư luận báo chí, truyền thông hiểu chưa đúng bản chất vấn đề là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng báo chí có vai trò rất quan trọng là định hướng dư luận. Khi nhận thấy vấn đề như trên thì phóng viên, nhà báo nên tìm hiểu kỹ, nếu không gặp được cơ quan công bố thì tìm gặp cơ quan cấp trên, nhất là người phát ngôn của Bộ để hỏi cặn kẽ, tránh đưa những thông tin chưa thật sự đầy đủ. (Nguyên đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến)
Theo Báo Văn hóa