• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xứng tầm di sản đại diện của nhân loại

Văn hoá 14/12/2019 20:18

Vào hồi 15h23 (giờ địa phương) ngày 12.12, tức rạng sáng ngày 13.12 (giờ Việt Nam), tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14 của UNESCO diễn ra ở Thủ đô Bogota, Cộng hòa Colombia, Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam đã chính thức được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Việc ghi danh này một lần nữa khẳng định giá trị của then trong đời sống cộng đồng các dân tộc.

GS. TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam: Then là căn cốt của đồng bào Tày, Nùng, Thái

Xứng tầm di sản đại diện của nhân loại - Ảnh 1.

Then là một trong những loại hình mà khoa học gọi chung là shaman, tức dùng thầy cúng là người trung gian, hát và dẫn linh hồn đi qua các cửa thần để cầu xin điều gì đó. Hình thức shaman này nhiều dân tộc sở hữu nhưng bây giờ ở dân tộc Tày, Nùng, Thái là phát triển nhất. Ở đó, linh hồn, sự thờ cúng được coi trọng. Người ta hát then đưa linh hồn từ làng bản cùng đội âm binh lên trời, đến cửa quan, nơi được coi là có ông thần phụ trách phần hồn nào đó của con người, cầu xin những điều tốt đẹp cho phần hồn đó, con người sẽ qua đấy mà được thanh thoát. Giá trị của then trong đời sống đồng bào ngày trước rất quan trọng, cũng là thể hiện mối quan hệ thiêng liêng giữa con người và trời đất, thần linh. Chưa kể, thầy then trong xã hội ấy còn là trí thức dân tộc, vì họ biết rất nhiều thứ, đưa ra lời khuyên về mùa màng, đời sống...

Thế nhưng, cũng đã có lúc then bị coi là mê tín, dị đoan, bị cấm đoán. Nhưng đấy đã là chuyện cũ, bây giờ đổi mới, nhận thức xã hội thay đổi, then được khôi phục. UNESCO đưa Thực hành Then vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đó là niềm vui lớn không chỉ của đồng bào Tày, Nùng, Thái, mà còn thể hiện sự đổi mới trong quan điểm của Đảng, Nhà nước đối với giá trị văn hóa dân tộc, là sự giải tỏa tất cả những bức xúc mà hà khắc một thời sinh ra. 40 năm sống trên Tây Bắc, Việt Bắc, tôi hiểu then là cái căn cốt trong văn hóa của đồng bào Tày, Nùng, Thái, và giờ đây, then đã được được trả về đúng với vị trí nguyên có của nó. Đó là điều quý giá nhất mà Đảng, Nhà nước đã làm được trong cuộc giữ gìn di sản, thực hiện quyền tự quyết về văn hóa của các dân tộc thiểu số.

Nghệ nhân Nhân dân Nông Thị Lìm, thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn: Để tâm gìn giữ cho phần tâm linh

Xứng tầm di sản đại diện của nhân loại - Ảnh 2.

Thực hành Then được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tôi vô cùng xúc động. Xúc động nhất không chỉ là then được biết đến và công nhận ở tầm thế giới, mà là then của dân tộc Tày, Nùng, Thái chúng tôi đã được chú ý, quan tâm, đặt trên đường di sản chung của dân tộc.

Tôi đến với then muộn, năm 40 tuổi, là nối theo dòng then của gia đình. 30 năm nay, tôi làm then cũng vì cái tâm của mình muốn giúp người, cứu người, chứ không vì lợi nhuận. Dù đã lớn tuổi nhưng đến ngày đến tháng, ai mời tôi cũng sắp xếp đi, làm lễ then cúng mụ, mừng sinh nhật, trăm ngày, mãn tang, làm nghi lễ cấp sắc, lẩu then... Ấy cũng là cái căn quả, nghĩ đã là cái nghiệp của mình thì phải để tâm giữ gìn cho phần tâm linh này. Những năm qua, tôi truyền dạy then, tính tẩu cho hơn 50 học trò. Các học trò bây giờ đều thực hành tốt các nghi thức then tín ngưỡng, nắm được một số làn điệu then cổ, rồi cùng đưa then đi biểu diễn ở nhiều nơi để trong nước, ngoài nước biết đến then. Nhưng để then không mai một thì phải cảm ơn những nhà nghiên cứu, các vị lãnh đạo đã cùng nghệ nhân chúng tôi làm công việc bảo tồn này. Đó là niềm phấn khởi, tự hào để còn sống ngày nào, nghệ nhân chúng tôi còn tiếp tục thực hành then, truyền dạy then ngày đó, giữ lấy văn hóa của dân tộc.

Xứng tầm di sản đại diện của nhân loại - Ảnh 3.

Nghệ nhân then Nguyễn Văn Bách, Giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc: Giúp then được tiếp nối, khởi sắc

Vui mừng không chỉ đến với những người thực hành then mà còn là toàn bộ cộng đồng dân tộc Tày, Nùng, Thái, khi di sản của ông cha, làng bản được ghi nhận tầm quốc tế. Trưởng thành từ then, trở thành giảng viên hướng dẫn hát then cho sinh viên, học sinh, tôi càng tự hào, tự tin về con đường mình đang theo đuổi.

Thực hành then đang đặt ra nhiều vấn đề, quan trọng nhất là làm sao bảo tồn then trong bối cảnh một số dòng then không có truyền nhân, các nghệ nhân hiện đa phần đã cao tuổi. Rồi vấn đề còn là bảo tồn được ngôn ngữ của then. Then là tổng hòa nhiều yếu tố, có âm nhạc, múa, nhưng trong đó lời hát cực kỳ quan trọng. Bởi vì người ta yêu then, hiểu then, quý mến then cũng từ ngôn ngữ mà ra, ấy là những câu chuyện cổ, những lời răn dạy về cuộc sống... mà ông cha đã đúc kết, truyền lại cho con cháu đời sau. Do đó, những ngày này, chúng ta hòa chung niềm vui nhưng không quên nhiệm vụ để then được bảo tồn và luôn hiện diện trong cộng đồng Tày, Nùng, Thái.

Niềm vui mừng lớn đối với tôi, và có lẽ là với nhiều người là trong quá trình giảng dạy ở trường, rất nhiều em tự nguyện đến với then. Các em say mê nghiên cứu, cùng tham gia sinh hoạt, học hát then từ nghệ nhân. Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc là trường đầu tiên đưa hát then vào giảng dạy. Song song với dòng then tâm linh mà nghệ nhân nắm giữ, chúng tôi đào tạo dòng then mới, giúp đưa then ra rộng rãi cộng đồng. Hơn 50 năm qua, qua rất nhiều thế hệ nghệ sĩ, thầy cô, qua quá trình sưu tầm, nghiên cứu, năm 2015, chúng tôi đã hoàn thành giáo trình hát then với hệ thống khá bài bản, phong phú các bài then. Tôi tin rằng, tâm huyết của nghệ nhân, tâm huyết của những nghệ sĩ, lớp thầy cô và các em học sinh như thế chính là giúp then được tiếp nối, ngày càng khởi sắc.

Theo Đại biểu Nhân dân

NỔI BẬT TRANG CHỦ