(Toquoc)-“Tên Y Ban luôn nóng trên dư luận” và “Đọc và viết về Y Ban là chấp nhận sự khiêu khích với dư luận”...
(Đọc Trò chơi hủy diệt cảm xúc -Tiểu thuyết của Y Ban - NXB Trẻ)
Hơn 20 năm bước vào làng văn, có 15 tập truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, với không ít lần phát ngôn đó đây, tiếng tăm và tai tiếng trong đời sống và trong tác phẩm mà Y Ban đã nếm trải làm nên vốn sống, bản lĩnh, kinh nghiệm ứng xử cho nữ tác giả trong trường văn trận bút một thời kỳ đầy biến động. Tai nạn nghề nghiệp và sự nghiêm khắc hay lạnh lùng của dư luận từng làm một số cây bút cùn nhụt ý chí hoặc nhạt phai tình yêu với văn học. Nhưng nhà văn nữ to con và nổi tiếng về sự rắn rỏi, bốp chát và thẳng thắn đến quyết liệt này đã vượt qua tất cả, để duy trì một sức viết bền bỉ, dẻo dai, luôn biến hóa ,kịp hòa nhịp với sự biến đổi khá nhanh của văn học. Phản ứng trước dư luận, tác giả từng có nhiều tuyên ngôn, tâm sự, và cũng như những người được tự do suy nghĩ, nhiều điều không lặp lại, thậm chí có lúc trái nghịch nhau về mục đích sáng tác, động cơ viết văn, quan hệ giữa trang sách và đời thực, tất cả đã làm nên một: “Tên Y Ban luôn nóng trên dư luận” và “Đọc và viết về Y Ban là chấp nhận sự khiêu khích với dư luận”.
Điều đó chứng tỏ Y Ban có một lượng bạn đọc đáng nể. Đối với một nhà văn, bạn đọc là một đối tượng đáng được quan tâm một cách nghiêm túc và thường xuyên. Thật thê thảm cho nhiều tác phẩm dày mỏng khác nhau, nhiều cuốn được in công phu, giấy tốt, được bày trang trọng và sạch sẽ trên giá sách và trong các thư viện, thậm chí từng nhận các giải thưởng này nọ mà gáy không sờn, bọc nilon chưa bị bóc vì thiếu dấu tay của người đọc, và không có nổi vài bài điểm sách trên gần cả ngàn tờ báo và tạp chí cả nước. Có được điều đó bởi Y Ban luôn có ý thức và có khả năng làm mới mình qua từng tác phẩm. Nếu XUÂN TỪ CHIỀU như một ngoại lệ, trình làng một tiểu thuyết không dùng dấu chấm câu, thì trong TRÒ CHƠI HỦY DIỆT CẢM XÚC là một văn bản khúc chiết, chương đoạn rành mạch, nhịp văn nhanh, mệnh đề ngắn, lối kể thẳng tưng, theo đúng những tiêu chí mà một số nhà lý sự có vẻ bất lực trong tìm chữ diễn đạt gọi là hậu hiện đại (Thế ít lâu nữa người ta phải dùng đến bao nhiêu chữ Hậu nữa mới chỉ đúng trật tự thời gian của những tìm tòi hình thức mới chắc chắn sẽ liên tục xuất hiện trong tương lai?). Mười chương, như những mảnh ghép rời rạc đặt cạnh nhau trong một quan hệ khá lỏng: 1. - Trò chơi . 2. - Tôi là ai?. 3. -Một người đàn bà. 4. - Mây. 5. - Đám đông. 6. -Lại đám đông. 7. -Nước. 8. - Kiêu căng tự phụ, vô pháp vô thiên. 9. - Những bức thư online. 10. -Chiến thắng. Một cái kết có hậu về vật chất, khi người tham gia trò chơi đã thắng cuộc, nhưng lại tan nát về tình cảm và tinh thần.
Lối viết phóng khoáng, nhìn đời sống hồn nhiên, chọn cách gọi sự vật bằng cái tên cúng cơm của nó không ít khi bị coi là tự nhiên chủ nghĩa, nhưng nhờ đó, tác giả vượt được lằn ranh nhiều sự húy kỵ cố hữu một cách thoải mái. Một vài tác phẩm bị thu hồi, hình như cơ quan công quyền không viết thành văn bản, đơn giản, vì buộc tội bằng ngôn từ pháp luật có thể bất khả, nhưng hình như để nó tồn tại mà không qua nhắc nhở, từ trường của lối văn chỏng lỏn ấy lại có sức khuyến khích một lối đi có sức lây lan, đó là khuynh hướng bình thường hóa, phổ biến hóa, tầm thường hóa những giá trị đời sống đặc trưng NGƯỜI nên luôn có phần thiêng liêng, không chỉ để duy trì nòi giống, mà còn tạo nên những số phận Người trong mọi biến thiên của lịch sử xã hội, là Tình yêu và Gia đình. Sự giải thiêng này là con dao hai lưỡi với văn học. Chấp nhận tính đa nguyên, đa sắc, đa cực của cuộc sống, của tình cảm con người, đã thế, ngôi nhà gia đình được Y Ban xây dựng bằng những tấm kính trong suốt, không chút màn che. Bao nhiêu chuyện cơm áo, gạo tiền, giường chiếu vợ chồng, đến chợ búa, công việc cơ quan, cả buồng vệ sinh, sinh hoạt nhếch nhác của gia đình trí thức được phơi bày một cách hồn nhiên. Dẫu từ chối mọi sự so sánh, xếp hàng, do từ trường lối viết mạnh mẽ đã đưa Y Ban lên hàng đầu một tốp văn chương phi giới tính.
Trừ hai chương đầu và hai chương cuối liên quan đến trò chơi viết thư trên mạng, còn lại là những lát cắt, những mảnh ghép để bạn đọc hiểu rõ hơn hoàn cảnh địa - lịch sử sản sinh ra nhân vật tham gia cuộc chơi viết thư xuyên quốc gia cho một người không quen biết. Tiểu thuyết bằng thư là một hình thức không mới. Nhưng viết và trả lời bằng thư online là đã cập nhật một phương tiện diễn đạt trẻ trung. Nhân vật chính được giới thiệu là một tiến sĩ môi trường khá chủ động trong gia đình, thành đạt trong công việc. Có chồng là một tiến sĩ khảo cổ và hai đứa con ở cùng một bà chị song sinh hạn chế về trí tuệ. Đã có một công việc mình yêu thích, một đời sống vật chất đầy đủ, một gia dình căn cơ, nhưng luôn cảm thấy trống vắng về tinh thần, tình cảm. Xung quanh là một môi trường xã hội có những đám đông chìm ngập trong lối sống ô trọc và bệnh hoạn, những con người bất hạnh trong quá trình công nghiệp hóa nông thôn một cách vội vàng vì vụ lợi của một nhóm người có quyền chức. Chính cái khát khao rất con người đã đẫy người phụ nữ ngỡ là thành đạt này phải bung ra đi tìm nhưng chân trời mới. Cứ bằng vào những bài viết về tác giả và những trả lời, trao đổi đó đây, xem ra nhiều chương loáng thoáng bóng dáng tự truyện. Cả những chuyện thị phi kiêu căng tự phụ, vô pháp, vô thiên. Có lẽ đó là chủ ý của tác giả để tăng độ tin cậy cho phần cốt lõi của tiểu thuyết khi dẫn người đọc vào những bức thư online trong Trò chơi hủy diệt cảm xúc. Không biết có nên coi sự kết thúc không như ý là hủy diệt không, bởi vì trong tình yêu, người ta thường coi những cảm nhận trong quá trình phát sinh, phát triển tình cảm đã là một phần thú vị nhất của nó rồi. Bắt đầu bằng việc nhận lời tham gia một trò chơi trên mạng, cô tiến sĩ tháo vát, đảm đang, bỗng bị cuốn vào một cuộc tình không biên giới. Chút day dứt vì mối tình ngoài luồng sớm tìm được nhiều lý do để bào chửa. Mà đã là yêu đương thì thời nào, nơi nào cũng vậy thôi, phải dẫn tới những khát khao gần gũi thân xác. Sự xa cách tạo cho họ cơ hội bộc lộ những điều đó qua những bức thư ngắn với nồng độ tình cảm ngày càng nồng nhiệt mặn mà. Tác giả đã tạo tình thế để mình có thể biểu diễn một lối văn gọn, tốc độ nhanh, nhịp điệu gấp theo mức độ ngày càng tăng của tình cảm.Thái độ trò chơi trong sáng tác mà vật liệu tổ chức trò chơi là ngôn ngữ và kinh nghiệm sống, là trải nghiệm của chính người viết tạo nên một mê hồn trận dẫn dụ người đọc vào mê cung của thế giới tình người. Ngôn ngứ tự nó có sức tạo cảm xúc, giải phóng những ẩn ức sinh lý nhưng cũng có thể hủy diệt nó.Không gian mạng, nơi mọi người có thể dễ dàng buông thả cho cảm xúc thật cùng những cách sử dụng ngôn ngữ cá biệt cho ta nhận ra những hay dở của cuộc sống cộng đồng mạng hôm nay.
Tác giả từng tâm sự; Người đọc cầm sách lên,đọc say sưa và có một quãng thời gian ngắn ngủi quên đi khó chịu của cuộc sống,của công việc hay ngay cả trong gia đình.Nếu tới lúc đi ngủ,họ suy nghĩ thêm dăm bảy phút về cuốn sách thì thật hạnh phúc .Tác giả lại nói: Tôi không quan tâm đi xa,không cần ngồi chung chiếu với ai,Tôi đi một mình ,trên một con đường. Tôi là Y Ban. Nhưng lúc khác: Có ý thức thổi vào văn chương một tia lửa. Với tiểu thuyết mới,Y Ban cùng lúc đã hiện thực hóa tất cả những tuyên ngôn đó.
Điều đáng tiếc là có vẻ tác giả đã lỡ một dịp làm cho những điều đó tốt hơn.Cấu trúc tiểu thuyết như hứa hẹn mở ra một không gian rộng ,như là tác giả đã khai mở được một kho quặng quý ,với rất nhiều vỉa mạch khác nhau. Nhưng khi tổ chức khai thác ,lại chỉ nhăm nhăm tim một vài loại quen thuộc.Trò chơi viết thư mở đầu với một đề tài rộng,nhân thân hai người tham gia cũng hứa hẹn sẽ có một cơ hội giao lưu về văn hóa giữa hai trí thức của hai đất nước đang gặp nhiều vấn đề trong quá trình phát triển. Nhưng tác giả đã lơ đãng dể cho hai nhân vật sớm cuốn vào vòng tròn hẹp của tình yêu trai gái, mà khi đã yêu thì làm sao trách được người ta không quan tâm đến những vấn đề mà người ngoài cuộc thấy là quan trọng và thú vị hơn. Mải chạy theo mạch cảm xúc của hai người yêu nhau,tác giả thêm một lần lơ đãng nữa khi quên mất hai người ở hai nền văn hóa khác nhau khá nhiều trong quan niệm về tình yêu tinh thần và thể xác,trong cách diễn đạt tình cảm bằng ngôn ngữ của từng dân tộc. Với lại dẫu là cùng một ngôn ngữ thì trong yêu đương,người ta rất dễ ngoại suy,nghĩa là người viết một đàng ,người đọc lại hiểu một nẻo. Sự lưu loát và suôn sẻ về ngôn ngử trong các bức thư lại một lần nửa chứng tỏ từ trường tác giả mạnh nên không thể hóa thân vào ngôn ngữ nhân vật. Ấy là chưa kể ,như chính tac giả viêt,đối tác là một cỗ máy đang trong quá trình hoàn thiện,vậy mà trong suốt hàng trăm lần giao dịch lại thấy nó không hề mắc một lỗi nào từ tiếp nhận thông tin,phiên dịch đến trả lời bằng một văn phong rất khó vì nhiều sắc thái diễn ngôn là viết thư mà lại là thư tình.Đã chọn một nhân vật nữ có nghề nghiệp chuyên môn rất thú vị và hiện đại là môi trường ,đã có một khởi đầu khá ấn tượng là câu hỏi : VN đã chiến thắng trong mấy cuộc chiến tranh,có rất nhiều nguyên nhân,và một trong những nguyên nhân đó là tính kỷ luật.Vậy mà chỉ hơn 30 năm sau,người VN đã phải đi tìm lại tính kỷ luật? Thế mà tác giả đã bỏ qua việc phát triển những chủ đề này để tác phẩm có chiều sâu và chiều rộng hơn? Có thể là người đọc quá tham. Nhưng đó lại là điều nằm trong tầm tay một cây bút như Y Ban!
Người xưa nói,văn chương kỵ cái tầm thường và mực thước.Đã tạo được một hoàn cảnh cho nhân vật dùng tình cảm và thân xác hóa thân vào một cuộc chơi thư tín,tác giả đã tìm được một lối đi riêng để tìm hiểu,khám phá ,soi ngắm thế giới tinh thần ,tình cảm trong quan hệ với những rung động của thân xác. Nói văn chương cần tìm một con mắt mới,một góc nhìn mới để thể hiện dời sống,thì Trò chơi là một thí dụ thành công.Nhưng xem ra hơi thỏa mãn sự tìm tòi về hình thức ,mà người viết chưa gửi vào được những triết lý sống đang rất cần cho xã hội,cho lớp trẻ hôm nay,như nhiều tác phẩm đã làm nên tên tuổi Y Ban.
Nước ta đang có khá nhiều người thạo kỹ năng, kỹ thuật viết văn mọi thể loại. Điều kiện in ấn cũng giúp cho nhiều tác giả ra sách đều đều. Tác phẩm của họ góp phần cổ súy lối sống VUI VẺ TRẺ TRUNG mà một bộ phận bạn đọc hôm nay đang chạy theo. Liệu có mấy người trong họ có ý thức tự đào tạo mình thành một Nhà văn ,với nghĩa luôn nặng lòng với sự sống còn của dân tộc ,của đất nước,thể hiện qua từng trang viết.Phải thế chăng,mà với những người viết đã có ít nhiều những thành công như Y Ban,bạn đọc có đòi hỏi cao hơn?
Ngày 25/11/2012