(Tổ Quốc) - Hàng loạt hãng truyền thông, báo chí lớn thế giới như Reuters, AP, Sputnik, Kyodo News, Japan Times, ... đã đồng loạt đăng tải thông tin về chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Việt Nam ngày 16-17/1.
Việt Nam là điểm đến cuối cùng và không kém phần quan trọng trong chuyến thăm 4 quốc gia, cùng với Indonesia, Philippines và Australia nhằm thúc đẩy sự hiện diện về an ninh và thương mại của Nhật Bản tại châu Á.
Hợp tác an ninh hàng hải và chung tiếng nói Biển Đông
Một nội dung đáng chú ý trong chuyến thăm là việc Thủ tướng Abe đã cam kết sẽ cung cấp 6 tàu tuần tra mới cho Việt Nam. "Hai nước sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng và lần này Nhật Bản đã quyết định cung cấp các tàu tuần tra mới (cho Việt Nam)", ông Abe cho biết tại một cuộc họp báo tại Hà Nội khi xuất hiện cùng Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
"Chúng tôi sẽ mạnh mẽ ủng hộ Việt Nam nâng cao năng lực cho lực lượng thực thi pháp luật trên biển", ông Abe nói.
Trước đó, vào tháng 9, Nhật Bản đã cho biết sẵn sàng cung cấp tàu tuần tra mới cho Việt Nam sau khi cung cấp sáu tàu đã qua sử dụng trước đó.
Về vấn đề Biển Đông, nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng đồng thời nhấn mạnh rằng các tranh chấp trên Biển Đông cần được giải quyết thông qua đàm phán và phù hợp với luật pháp quốc tế.
"Hai bên nhất trí về tầm quan trọng của việc đảm bảo hòa bình, an ninh và an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông, thúc đẩy việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực", AP trích lời Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nói với các phóng viên.
Thủ tướng Nhật Abe và Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang trong cuộc gặp ngày 16/1. (Nguồn: Pool Photo/ AP) |
Theo Japan Times, mặc dù Nhật Bản không phải là một bên liên quan trực tiếp trong tranh chấp ở Biển Đông, nước này vẫn quan ngại về sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc tại tuyến đường hàng hải bận rộn và Tokyo luôn mong muốn duy trì một trật tự dựa trên luật lệ trên biển.
Tokyo, trong khi đó cũng đang có tranh chấp với Bắc Kinh về quần đảo Senkaku (phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) tại biển Hoa Đông.
Hợp lực về kinh tế
Cũng theo AP, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho biết việc ông Abe đã cung cấp cho Việt Nam nguồn vốn hỗ trợ phát triển lên tới 123 tỷ yên trong năm 2016 về an ninh hàng hải, ứng phó với biến đổi khí hậu và xử lí nguồn nước.
Hai bên đã kí một số thỏa thuận kinh tế, bao gồm cả năng lượng và các dự án dệt may và một dự án về biến đổi khí hậu. Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam sau Hàn Quốc.
Theo các quan chức Nhật Bản, trong khi lo ngại đang gia tăng về nguy cơ ông Trump có thể thay đổi chính sách thương mại của Mỹ, phủ mờ lên Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong khi cũng mang tới nhiều ảnh hưởng tới Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Hai nhà lãnh đạo đã cam kết sẽ làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước trong khi ông Abe cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại tự do khác,tuy nhiên, không cho biết thêm chi tiết.
Theo Reuters, an ninh hàng hải và thương mại đều là chủ đề chính trong cả 4 điểm dừng của ông Abe trong khi các chuyến thăm này cũng diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản đang tìm kiếm vai trò lãnh đạo tại khu vực trước sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc và nhiều yếu tố không chắc chắn về các chính sách của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Khẳng định sự hiện diện khu vực
"Các chuyến đi lần này nhằm tái khẳng định tầm quan trọng về mạng lưới liên minh của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và tăng cường phối hợp với các nước lớn trong khu vực", Japan Times dẫn lời một quan chức cấp cao của Nhật Bản cho biết.
Nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng đã bày tỏ hy vọng rằng Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện cam kết của mình đối với khu vực dưới chính quyền mới.
"Lần này, tôi đã đến thăm Việt Nam, Philippines, Indonesia và Australia, đã gặp gỡ với các nhà lãnh đạo và có các cuộc thảo luận thẳng thắn dựa trên nền tảng rằng đối với, cam kết và sự lãnh đạo của Hoa Kỳ là không thể thiếu đối với hòa bình và thịnh vượng trong khu vực.", ông Abe cũng cho biết.
"Nhật Bản cũng hy vọng sẽ đóng một vai trò hàng đầu trong việc thúc đẩy sự phối hợp chặt chẽ với các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương khi những bất ổn đang gia tăng trong chính trị, an ninh và các lĩnh vực kinh tế," quan chức này nói thêm.
Trong khi Philippines và Australia là đồng minh của Mỹ, Indonesia là một thành viên có tiếng nói của ASEAN và Việt Nam, cũng là một thành viên năng động của ASEAN và là chủ tịch năm nay của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, nơi tập trung nhiều nền kinh tế Thái Bình Dương, trong đó có Mỹ.